Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chào mừng Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Lãnh đạo cấp cao Pháp sang thăm Việt Nam kể từ sau dịch Covid-19 và có ý nghĩa quan trọng khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược.
Chúc mừng kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher, Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại. Hai nước có mối quan hệ lịch sử đặc biệt, gắn kết về mọi mặt, từ quan hệ chính trị, hợp tác nghị viện cho đến kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, con người.
Hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng của Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Pháp luôn là đối tác thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển hàng đầu châu Âu tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai năm qua tuy chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đang trên đà phục hồi (8 tháng năm 2022 đạt 3,51 tỷ USD, tăng 18%) và sẽ tăng mạnh khi thực hiện Hiệp định EVFTA. Chủ tịch nước đề nghị Thượng viện Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA; thúc đẩy EC gỡ bỏ thẻ vàng IUU.
Bày tỏ vui mừng hợp tác văn hóa-giáo dục, đặc biệt về y tế phát triển tích cực, Chủ tịch nước cảm ơn Pháp đã hỗ trợ 5,5 triệu liều vaccine phòng ngừa Covid-19, chúc mừng Pháp khai trương địa điểm mới của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội và ủng hộ việc thành lập chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong trùng tu Quần thể Di tích Cố đô Huế; hỗ trợ tăng số lượng học bổng, tạo điều kiện cho việc giao lưu, trao đổi học tập tại Pháp.
Đề cập nét đặc trưng trong quan hệ hai nước khi Pháp là nước duy nhất Việt Nam có cơ chế Hội nghị hợp tác giữa các địa phương định kỳ và luân phiên giữa hai nước, Chủ tịch nước hoan nghênh Ngài Chủ tịch và Thượng viện Pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước. Đáng chú ý, thành tựu nổi bật trong hợp tác giữa các địa phương là viện trợ khẩu trang, trang thiết bị y tế… thể hiện tinh thần đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái”.
Chủ tịch nước đề nghị Ngài Chủ tịch và các thượng nghị sĩ ủng hộ, vận động Lãnh đạo Pháp, các địa phương Pháp tham dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương lần thứ XII (tháng 4 năm 2023) tại Hà Nội; ủng hộ hợp tác về chống biến đổi khí hậu, nước sạch, môi trường...
Chủ tịch nước cảm ơn Chính phủ và Thượng viện Pháp đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để cộng đồng người Việt phát huy vai trò cầu nối hai nước.
Chủ tịch nước đề nghị Thượng viện Pháp tiếp tục ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN về Biển Đông, đồng thời tăng cường vai trò của Pháp và EU trong việc bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Quang cảnh buổi tiếp tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian tiếp, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần gắn kết mối quan hệ giữa hai nước. Chủ tịch Thượng viện Pháp cho biết, Lễ khởi động các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp (1973-2023), trong đó có nghi thức công bố biểu trưng (logo) 50 năm Quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp vừa được tổ chức sáng nay với sự tham dự của đông đảo đại biểu.
Đề cập hai nước đều quan tâm đến vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và quốc tế, Chủ tịch Thượng viện cho biết, Pháp cũng mong muốn đóng góp xây dựng môi trường hòa bình tại khu vực và quốc tế.
Đánh giá cao hợp tác hai nước được tăng cường trong nhiều lĩnh vực, cảm ơn Việt Nam đã viện trợ khẩu trang trong giai đoạn đầu dịch Covid-19, Chủ tịch Thượng viện Pháp cho biết, sẽ nỗ lực đóng góp thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng giữa hai bên, trong đó có bảo tồn di sản.
Đánh giá cao cộng đồng người Việt hiện có khoảng 300 nghìn người hòa nhập tốt sở tại, Chủ tịch Thượng viện khẳng định sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt, qua đó đóng góp phát triển mối quan hệ hai nước và mong muốn phong trào Pháp ngữ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!