Một sáng kiến hỗ trợ kỹ thuật khu vực mang tính tiên phong dài 6 năm đã giúp tăng cường năng lực của các hệ thống y tế tại Cam-pu-chia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào và Việt Nam nhằm ứng phó những nguy cơ y tế do biến đổi khí hậu trong bối cảnh dịch COVID-19, theo công bố của Ngân hàng Phát triển Châu Á hôm nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: A.N) |
Dự án Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế Tiểu vùng Mê-kông mở rộng (GMS) đã giúp ba quốc gia thông qua các kế hoạch thích ứng y tế cấp quốc gia để giải quyết những rủi ro về sức khỏe liên quan tới thời tiết, bao gồm nắng nóng và các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét, căng thẳng do nhiệt, và tiêu chảy.
Tổng thể, dự án đã hoàn thành các đánh giá chi tiết về tính dễ tổn thương và khả năng thích ứng cho 14 tỉnh có nguy cơ cao ở các quốc gia này và đào tạo hơn 1.300 cán bộ ngành y về biến đổi khí hậu và thích ứng y tế. Ngoài ra, hơn 600 nhà hoạch định chính sách ở khu vực nhà nước và tư nhân đã tham gia các phiên họp và hội thảo vận động chính sách cấp cao, tập trung vào những chiến lược thích ứng y tế quốc gia và điều phối giám sát và ứng phó dịch bệnh, cùng các hoạt động khác.
Dự án cũng giúp chính phủ ba quốc gia xác định các hoạt động đầu tư hiệu quả về chi phí để giảm tỉ lệ tử vong và tỉ suất bệnh do các bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu. Chúng bao gồm việc thiết lập các hệ thống cảnh báo nhiệt sớm và nâng cấp cơ sở vật chất y tế để chống chịu khí hậu tốt hơn, đặc biệt ở các cộng đồng vùng sâu vùng xa, chưa có dịch vụ.
Bà Ayako Inagaki, Trưởng ban phát triển con người và xã hội thuộc Vụ Đông Nam Á của ADB chia sẻ: “Dự án đã giúp giảm thiểu tính dễ tổn thương của Cam-pu-chia, CHDCND Lào và Việt Nam trước các nguy cơ y tế do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt trong nhóm dân cư dễ bị tổn thương, bao gồm người nghèo, người di cư và người dân tộc thiểu số”.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, nhận định: “Kế hoạch thích ứng y tế quốc gia và các hệ thống giám sát do dự án hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu những tác động về kinh tế và y tế của biến đổi khí hậu trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
Dự án được phê duyệt năm 2015 với khoản viện trợ trị giá 4,4 triệu USD từ Quỹ Phát triển Bắc Âu và nguồn vốn đối ứng từ chính phủ ba nước. Đây là sáng kiến đầu tiên của ADB ở khu vực Đông Nam Á nhằm cải thiện khả năng ứng phó của chính phủ trước tác động của biến đổi khí hậu đối với chăm sóc y tế. Nó dựa trên lợi thế tương đối của ADB trong việc hỗ trợ hợp tác khu vực và tăng cường hợp tác y tế khu vực như một lợi ích công cộng.
Chính phủ các nước Cam-pu-chia, CHDCND Lào và Việt Nam nhận thức rõ rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa lớn đối với phát triển kinh tế bền vững của các quốc gia này. Cả ba nước đều đã phê duyệt các kế hoạch chiến lược về y tế công cộng như một phần của các kế hoạch chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
Dự án được triển khai bởi Cục Y tế dự phòng Cam-pu-chia, Cục Vệ sinh và tăng cường sức khỏe CHDCND Lào, và Cục Quản lý môi trường y tế Việt Nam. Cả ba quốc gia đều tích cực tham gia quá trình chuẩn bị và triển khai hỗ trợ kỹ thuật, các hoạt động tăng cường năng lực và chia sẻ tri thức.
Đặc biệt, dự án đã cải thiện việc thu thập dữ liệu kịp thời cho các chính phủ để giám sát tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng, các công cụ như cơ sở dữ liệu, cách tiếp cận mô hình hóa và tập bản đồ kỹ thuật số. Dự án cũng tập huấn cho cán bộ y tế cấp tỉnh và cấp quốc gia về hệ thống giám sát các bệnh nhạy cảm về khí hậu, phân tích dữ liệu dịch tễ học và những thách thức y tế riêng biệt đối với phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương khác.
ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!