Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh, chống oan sai và chống lọt tội phạm rất khó khăn, là thách thức rất lớn đối với cơ quan tố tụng khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, chiều 20-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực kiểm sát. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Nêu câu hỏi chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng. Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đại biểu đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cho biết đã có những chỉ đạo và có những biện pháp như nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Bên cạnh đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng nêu vấn đề, thời gian qua có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm được có tính đột phá và không có yếu tố vụ lợi thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật. Nữ đại biểu đề nghị Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí: Việc chống oan sai, không bỏ lọt tội phạm là chủ trương xuyên suốt, là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ. |
Thách thức vừa đấu tranh mạnh mẽ không để lọt tội phạm vừa chống oan sai
Trả lời đại biểu, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh, việc chống oan sai, không bỏ lọt tội phạm là chủ trương xuyên suốt, là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ.
Tuy nhiên, hai yêu cầu này có sự mâu thuẫn với nhau trong thực tế, bởi đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm sẽ dễ dẫn đến oan sai. Cũng vì thế, vừa đấu tranh mạnh mẽ không để lọt tội phạm vừa chống oan sai là thách thức lớn với các cơ quan tiến hành tố tụng khi thực hiện chức năng nhiệm vụ. Đây là yêu cầu rất cao và ngặt nghèo. "Chống oan sai và chống lọt rất khó khăn, thách thức rất lớn đối với cơ quan tố tụng khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ", Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nói.
Về giải pháp cho vấn đề này, người đứng đầu ngành Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, toàn ngành phải quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng xây dựng chuyên đề riêng về chống oan sai, chống lọt và đưa ra các giải pháp cụ thể.
Đó là: Trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã yêu cầu kiểm sát viên các cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp do Luật Tố tụng hình sự quy định, gắn chặt công tố với điều tra ngay từ đầu; chỉ đạo tập trung làm tốt khâu thụ lý tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế oan sai, lọt tội phạm ngay từ đầu.
Yêu cầu kiểm sát viên phải xác minh, điều tra và thu thập chứng cứ theo cả 2 hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc và áp dụng những nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ và không được suy diễn; chứng cứ đến đâu xử lý đến đó; không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế và bảo đảm đúng pháp luật...
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, để hạn chế oan sai và bỏ lọt tội phạm thì một trong những biện pháp quan trọng là công tác cán bộ. Do đó, đề ra yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại. Viện kiểm sát cũng tăng cường thanh tra nghiệp vụ để phát hiện oan sai và bỏ lọt tội phạm để ngăn chặn kịp thời...
Quang cảnh phiên chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí. |
Cán bộ vi phạm không vụ lợi thì cần "xử lý nhân văn"?
Liên quan đến bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Viện trưởng Lê Minh Trí bày tỏ đã trăn trở, cho rằng, bản thân và ngành quyết tâm cao trong thực hiện chủ trương đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng, nhân dân đang mong muốn. "Để bảo vệ chế độ, giữ vững lòng tin của dân với Đảng thì phải làm tốt việc này”, Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định.
Về chế tài pháp luật, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, cần xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi, chiếm đoạt để răn đe, giáo dục. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy có trường hợp thực hiện mệnh lệnh cấp trên, hay cấp trên gợi ý mà cấp dưới phải chấp hành, hay cấp dưới tham mưu nhưng không sát, không đầy đủ hay có yếu tố rủi ro bất khả kháng mà khi họ chủ động khắc phục hoàn toàn hậu quả, hợp tác thì có thể miễn, giảm, tha nhưng áp dụng luật hiện hành có vướng.
“Đất nước phát triển như thế này mà khối lượng công việc lớn, không chủ đích vụ lợi thì đề nghị nên rà soát, sửa lại điều luật cụ thể vì hậu quả không lớn mà bị xử lý hình sự”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói.
Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết với vụ án lớn như vụ Việt Á, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, tòa án ngồi với nhau nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chủ trương chính sách hình sự phân hóa làm 3 loại: Xử lý nghiêm, giảm và không xử lý hình sự mà chỉ xử lý về mặt Đảng, hành chính.
Tuy vậy, đó là với vụ án cụ thể thì cơ quan chức năng tham mưu đề xuất, còn tổng thể áp dụng cho các vụ án trên toàn quốc thì chưa có. Viện trưởng Lê Minh Trí một lần nữa nhấn mạnh, đây là việc lớn, phải có đồng bộ, chủ trương, chỉ đạo, phân công nhóm những cơ quan, ngành ngồi lại, rà soát về chủ trương, chính sách pháp luật để đề xuất điều chỉnh.
“Chế tài khung hình phạt tù nên giảm và tăng phạt tiền để bảo đảm vừa xử lý nghiêm chủ mưu, cầm đầu, chiếm đoạt, vụ lợi, vừa nhân văn với người có rủi ro. Tôi muốn cái nào nghiêm thì phải xử nghiêm để răn đe, giáo dục, nhưng cũng có cái phải nhân văn để phát huy sự năng động, sáng tạo của cán bộ nhằm phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay”, Viện trưởng Lê Minh Trí nêu quan điểm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!