Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ VI, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Sau 8 năm thực hiện, Luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm công, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đáng chú ý, thủ tục lựa chọn nhà thầu còn phức tạp, thời gian lựa chọn kéo dài, ảnh hưởng tiến độ triển khai thực hiện đầu tư, mua sắm công; việc phân cấp, phân quyền, xác định quyền hạn, trách nhiệm trong đấu thầu, lựa chọn nhà thầu chưa đầy đủ, rõ ràng; công tác kiểm tra, giám sát, chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ, chưa ngăn chặn được tình trạng gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu.
Đẩy mạnh lộ trình đấu thầu qua mạng
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật đã bãi bỏ quy định nhằm không áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước.
Cơ quan soạn thảo dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian đấu thầu, hướng tới đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu theo hướng bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin. Cụ thể, công khai tất cả thông tin lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, kể cả nội dung, kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đồng thời khuyến khích đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo đó, chỉ quy định thời gian tối thiểu để nhà thầu, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu, làm rõ hồ sơ dự thầu; quy định thời gian tối đa để người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải các thông tin trong đấu thầu; đẩy mạnh lộ trình đấu thầu qua mạng gắn với việc rút ngắn thời gian tổ chức đấu thầu, chuyển một số công việc, tác nghiệp liên quan lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Liên quan đến việc đấu thầu qua mạng, trong quá trình thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, phương thức đấu thầu qua mạng trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả nhiều mặt, tiết kiệm thời gian, kinh phí và tính minh bạch, công khai trong đấu thầu được tăng cường.
Để đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhân lực vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và các quy định liên quan, cơ quan thẩm tra dự án Luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung các quy định về đánh giá năng lực của tổ chức đấu thầu qua mạng; chính sách đầu tư cho Hệ thống; trách nhiệm của các Bộ có liên quan đối với an toàn của Hệ thống; bảo đảm đấu thầu qua mạng an toàn, hiệu quả, có tính liên thông với các hệ thống khác…
Làm rõ việc môi giới, hối lộ, thông thầu
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu, dự án Luật đã bổ sung quy định về các trường hợp người có thẩm quyền được phép đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, vô hiệu hóa các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu trong trường hợp phát hiện sai phạm trong tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Cùng với đó, cơ quan soạn thảo dự án Luật đã hoàn thiện quy định về các hành vi bị cấm để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm trong đấu thầu đã xảy ra trong thực tế, đồng thời, quy định cụ thể phạm vi cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm; sửa đổi, bổ sung quy định về giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong đấu thầu; đẩy mạnh phân cấp, nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các chủ đầu tư trong hoạt động đấu thầu.
Liên quan đến các vấn đề nêu trên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị dự án Luật quy định rõ hơn nữa về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ. Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị dẫn chiếu tới quy định của Bộ Luật hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn, làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu phù hợp thực tiễn hơn.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra còn đề nghị quy định rõ về hành vi cản trở trong đấu thầu, cân nhắc quy định về hành vi “yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa”.
Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cũng nhận thấy, các hành vi bị cấm trong dự án Luật chủ yếu quy định đối với nhà thầu, còn đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư, người có ảnh hưởng lại ít được quy định.
Dự án Luật đã bổ sung một điều mới về đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và sửa đổi, bổ sung cơ bản quy định về hủy thầu với việc trao nhiều quyền hạn cho người có thẩm quyền, chủ đầu tư. Do đó, đề nghị rà soát các hành vi cấm theo nhóm chủ thể để dễ áp dụng: nhóm hành vi cấm chung, cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư, với tổ chuyên gia, tổ chấm thầu, với nhà thầu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!