Ngày 13/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn, tham gia ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và Luật Ngân sách nhà nước. Dự hội thảo có đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Sau hơn 8 năm thực hiện, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng NSNN một cách hiệu quả, minh bạch, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, với những thay đổi về kinh tế, xã hội, quốc tế, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Dự thảo luật sửa đổi bổ sung kế thừa kết cấu, bố cục của Luật NSNN năm 2015, gồm 7 chương (giữ nguyên số chương so với Luật NSNN năm 2015), 76 điều (sửa đổi, bổ sung 61 điều, bỏ 2 điều và bổ sung 1 điều). Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung chủ yếu vào các nội dung: Quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương thu gọn từ 3 nhóm địa phương xuống còn 2 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay so với quy định hiện hành. Các nội dung quản lý, dự phòng, công khai NSNN; bổ sung quy định cân đối nguồn thu thuế giá trị gia tăng; quy định NSNN bố trí kinh phí cho các quỹ thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xây dựng chính sách, pháp luật…

Luật Quốc tịch Việt Nam được ban hành năm 2008, sau 17 năm triển khai thi hành, Luật đã thể chế hóa các định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về quốc tịch. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 19/44 điều, bãi bỏ 1 điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào việc “nới lỏng” chính sách cho nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam (trong đó có cả các nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam; các trường hợp đã mất quốc tịch được trở lại quốc tịch Việt Nam); đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quốc tịch.

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn và các yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời, kiến nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý NSNN, cân đối thu chi NSNN với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật NSNN. Chỉnh sửa một số câu từ trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam; một số quy định về thời hạn và thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam...
Lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh đã tiếp thu, tổng hợp ý kiến đóng góp của đại biểu vào các dự thảo luật để báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!