Đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân phù hợp thực tế

Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Trong quá trình thực hiện, để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng giai đoạn, luật thuế đã hai lần được sửa đổi, bổ sung và đang tiếp tục chuẩn bị được sửa đổi, bổ sung một lần nữa để phù hợp với thực tế. Ðể hiện thực hóa định hướng này, cần phải có thêm nhiều điều kiện cần và đủ, giúp luật thuế quan trọng này đi vào thực tiễn một cách đồng bộ, hiệu quả và công bằng, minh bạch.

Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục về thuế tại Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). (Ảnh: THANH HÀ)
Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục về thuế tại Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). (Ảnh: THANH HÀ)

Bài 2:
Giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong thực hiện

Bộ Tài chính cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, hầu hết pháp luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của các nước đều có quy định về mức giảm trừ gia cảnh theo hình thức và cách thức khác nhau.

Về phân loại, các khoản giảm trừ TNCN các nước áp dụng được chia thành ba nhóm: giảm trừ chung cho cá nhân người nộp thuế; các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc (giảm trừ cho con, vợ hoặc chồng, cho bố, mẹ...) và các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù (giảm trừ cho chi phí y tế, giáo dục…).

Cùng với các nguồn thu khác, tại Việt Nam, nguồn thu từ thuế TNCN đã được sử dụng để đáp ứng rất nhiều nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Vì vậy, việc áp dụng thuế TNCN cần phù hợp với hoàn cảnh sống của người nộp thuế đặt trong bối cảnh kinh tế xã hội chung (được xem là tính công bằng theo chiều ngang). Theo đó, quy định về giảm trừ gia cảnh là một thành tố quan trọng trong chính sách thuế TNCN.

Nâng mức thu nhập chịu thuế

Theo chuyên gia tài chính Trương Bá Tuấn, về bản chất, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế bảo đảm nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám, chữa bệnh..., thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế. Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế TNCN.

Vì vậy, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, bảo đảm cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.

Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế cũng cho biết, nếu điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh, sẽ có nhiều tác động tích cực. Người nộp thuế sẽ giảm bớt khó khăn trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2020. Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc cao.

Tổng cục Thuế khẳng định: nâng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN là cần thiết. Khi đời sống người dân được nâng lên, mức độ động viên từ thuế TNCN sẽ tăng dần, qua đó góp phần cơ cấu lại và ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ðối với xã hội, việc điều chỉnh này sẽ bảo đảm thực hiện mục tiêu chính sách động viên hợp lý, công bằng, góp phần tạo động lực khuyến khích gia tăng thu nhập, làm giàu chính đáng; bảo đảm chính sách đơn giản, rõ ràng, minh bạch, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật về thuế. Nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng góp phần điều tiết hợp lý thu nhập, góp phần thực hiện công bằng xã hội, hạn chế chênh lệch giàu nghèo.

Xét về hiệu ứng kinh tế đối với xã hội, có thể thấy, tăng mức giảm trừ gia cảnh dẫn tới gia tăng thu nhập khả dụng (thu nhập sau khi nộp thuế) sẽ kích thích tăng mức chi tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng trong xã hội, một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong đánh giá tác động tới ngân sách nhà nước, nếu tăng mức giảm trừ gia cảnh lên mức 13,2 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế; 5,3 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc, thì mức giảm thu dự kiến khoảng hơn 8.000 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng hơn 12% số thu ngân sách nhà nước từ thuế TNCN của năm 2020).

Nếu nâng lên 13,8 triệu đồng/tháng và 5,5 triệu đồng, mức giảm thu dự kiến là 11.000 tỷ đồng (tương đương giảm hơn 15% số thu ngân sách nhà nước từ thuế TNCN năm 2020), và nếu ở mức 15 triệu đồng/tháng và 6 triệu đồng, số giảm thu này tương đương gần 16.000 tỷ đồng (tương đương giảm gần 22% số thu ngân sách nhà nước từ thuế TNCN năm 2020).

Tổng cục Thuế khẳng định: nâng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN là cần thiết. Khi đời sống người dân được nâng lên, mức độ động viên từ thuế TNCN sẽ tăng dần, qua đó góp phần cơ cấu lại và ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Thu hẹp bậc thuế

Bên cạnh mức thuế suất, có quan điểm cho rằng Biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35% là chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.

Về quan điểm này, Bộ Tài chính cho biết, qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc từ 7 bậc xuống 5 bậc thuế. Cùng với đó là xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, bảo đảm điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao.

Ðộ giãn cách giữa các bậc thuế cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi gần đây về mức sống dân cư, đồng thời khuyến khích nỗ lực lao động, nâng cao tính cạnh tranh trong việc thu hút chuyên gia, lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn nhân lực trên thế giới ngày càng gay gắt.

Bộ Tài chính cho biết, qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc từ 7 bậc xuống 5 bậc thuế.

Trong một nghiên cứu gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, việc cắt giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống 5 bậc là phù hợp với xu thế thế giới để cải thiện quản lý và tuân thủ thuế.

Tuy nhiên, điều chỉnh cơ cấu biểu thuế có thể sẽ có những ảnh hưởng đến số thu ngân sách, do đó, việc sửa đổi biểu thuế TNCN cần được nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng và phải phù hợp với định hướng đặt ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Mở rộng đối tượng miễn giảm thuế

Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu nâng mức doanh thu chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, đồng thời xem xét việc bổ sung quy định miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ lợi tức cổ phần của thành viên hợp tác xã nông nghiệp, cá nhân là nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tham gia “Cánh đồng lớn”; thu nhập do Quỹ hưu trí tự nguyện chi trả; thu nhập tiền lãi từ trái phiếu xanh và thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh.

Ðáng lưu ý, Bộ Tài chính đã trình bổ sung quy định giảm 50% thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc tại các doanh nghiệp, dự án trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến nông sản.

Ðây là bước tiến quan trọng trong điều kiện nước ta đang chuyển đổi mô hình từ phát triển dựa vào các yếu tố cơ bản như tài nguyên, lao động giá rẻ sang phát triển dựa vào nâng cao hiệu suất, bởi năng lực cạnh tranh quốc gia nằm ở chính doanh nghiệp và được thể hiện qua khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả của sản phẩm.

Cải cách chính sách thuế TNCN luôn là vấn đề phức tạp ở mọi nơi và Việt Nam không ngoại lệ. Thực tiễn thực hiện cũng như cải cách chính sách thuế TNCN của Việt Nam thời gian qua cho thấy, để cải cách chính sách thuế TNCN thành công cần phải có nhiều điều kiện “cần” và “đủ”.

Trong đó, sự hậu thuẫn của hệ thống chính trị có ý nghĩa rất quan trọng bảo đảm sự thành công của quá trình cải cách chính sách thuế TNCN. Việc cải cách quản lý thuế đóng vai trò quyết định.

Bởi khi hiện đại hóa toàn diện công tác này cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính theo định hướng chuẩn mực quốc tế; nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ; kiện toàn, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế; nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thuế điện tử… thì mới đầy đủ yếu tố.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới