● Xem xét mở rộng mặt đường, xây rãnh thoát nước tỉnh lộ 113 ● Đề nghị bổ sung thêm rãnh thoát nước đường Nà Mường - Tà Lại ● Sớm bổ sung kinh phí Dự án tổ chức thực hiện chăm sóc rừng ● Xây dựng các công trình cho bản sở tại nhường đất TĐC thủy điện Sơn La
Cử tri xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã kiến nghị xem xét mở rộng mặt đường, xây rãnh thoát nước tỉnh lộ 113 đoạn từ km42+100 đến km43+700.
UBND tỉnh trả lời: Hiện trạng đoạn km42+100 - km43+700 dường tỉnh 113 (cổng trụ sở xã Nà Nghịu) thuộc đường Nà Nghịu - Nậm Ty - Chiềng Phung, huyện Sông Mã được đầu tư đưa vào khai thác năm 2016; đến năm 2019 tuyến đường được điều chuyển thành đường tỉnh 113 và bàn giao theo hiện trạng sang Sở GTVT Sơn La quản lý bảo trì. Sau nhiều năm đưa vào khai thác, một số vị trí cục bộ mặt đường bị hư hỏng, rãnh dọc bị ứ đọng nước; trong đó có một phần nguyên nhân từ việc một số hộ dân tự ý xây dựng lắp đặt tấm bản vào nhà không bảo đảm kích thước gây khó khăn cho công tác duy tu nạo vét khơi thông rãnh.
Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý bảo dưỡng, duy tu tuyến đường, đặc biệt là đoạn qua cổng trụ sở xã Nà Nghịu; sửa chữa các vị trí bị hư hỏng, rạn nứt, bong tróc mặt đường đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; khơi thông hệ thống rãnh dọc để bảo đảm việc tiêu thoát nước; tuyên truyền đến người dân không tự ý lắp đặt tấm bản vào nhà, trường hợp có nhu cầu cần thông tin đến đơn vị quản lý đường để được hướng dẫn lắp đặt, nhằm bảo đảm khả năng thoát nước, tránh ngập úng, gây hư hỏng nền mặt đường ảnh hưởng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Cử tri xã Nà Mường, huyện Mộc Châu đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT khảo sát bổ sung thêm rãnh thoát nước bê tông cốt thép dự án sửa chữa đường giao thông xã Nà Mường - Tà Lại đoạn khu Pa Lay thuộc bản Đoàn Kết, xã Nà Mường.
UBND tỉnh trả lời: Dự án đường giao thông từ quốc lộ 43 đến trung tâm xã Tà Lại, huyện Mộc Châu theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt tại Quyết định số 119/QĐ-TĐC ngày 29/3/2021, tại vị trí cọc từ P26 (km1+271.68m) đến cọc P32 (km1+388.31m) phía bên trái tuyến, đã có thiết kế rãnh gia cố dài 123,3m đảm bảo thoát nước, không gây ngập úng trong quá trình khai thác sử dụng.
Tại thời điểm kiến nghị của cử tri, dự án đang trong quá trình triển khai, đơn vị thi công chưa triển khai thi công cống rãnh đến vị trí này nên đã xảy ra hiện tượng ngập úng cục bộ. Đến nay, đơn vị thi công đã thi công hoàn thành các hạng mục theo hồ sơ thiết kế được duyệt đảm bảo mục tiêu thoát nước tốt, không có hiện tượng ngập úng xảy ra, thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông qua khu vực này.
Cử tri Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp đề nghị UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền sớm bổ sung kinh phí Dự án tổ chức thực hiện chăm sóc rừng được phê duyệt tại Quyết định số 2690/QĐ-UBND ngày 30/10/2018 của UBND tỉnh Sơn La.
UBND tỉnh trả lời: Sở Nông nghiệp và PTNT đã phân bổ kinh phí cho Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp để triển khai năm 2023 từ vốn Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngày 16/12/2022 Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định số 388/QĐ-SNN về việc giao dự toán thu, chi ngân sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 cho các đơn vị trực thuộc Sở. Trong đó, giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân cho Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp 7 tỷ 276 triệu đồng.
Ngày 16/12/2022 Sở Nông nghiệp và PTNT có Quyết định số 389/QĐ-SNN về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023 cho các đơn vị trực thuộc Sở, trong đó giao cho Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp 1 tỷ 550 triệu đồng.
Ngày 30/1/2023 Sở Nông nghiệp và PTNT có Quyết định số 27/QĐ-SNN về việc giao dự toán kinh phí sự nghiệp năm 2023 để thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022, trong đó giao cho Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp 1 tỷ 520 triệu đồng.
Cử tri xã Tú Nang, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu kiến nghị hiện nay các bản TĐC thủy điện Sơn La được hưởng chính sách theo quy định tại Quyết định 666/QĐ-TTg ngày 31/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng các bản sở tại nhường đất lại chưa được đầu tư, xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, nhà văn hóa.
UBND tỉnh trả lời: Mục tiêu của Đề án 666 là tạo sự chuyển biến về trình độ sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa có thu nhập cao; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân sau TĐC dự án thủy điện Sơn La một cách bền vững. Tổng mức đầu tư của Đề án là 5.141 tỷ đồng; trong đó, đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng 2.154 tỷ đồng cho 443 công trình trên địa bàn các huyện, thành phố (huyện Yên Châu có 20 công trình).
Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho các bản sở tại nhường đất theo kiến nghị của cử tri xã Tú Nang, xã Phiêng Khoài chưa nằm trong danh mục thuộc Đề án 666 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để sớm đầu tư, xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, nhà văn hóa cho các bản sở tại nhường đất đề nghị UBND huyện Yên Châu rà soát, cân đối từ nguồn vốn ngân sách huyện và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!