Đề nghị sửa đổi quy chuẩn phù hợp theo từng tuyến đường; có giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến đăng kiểm phương tiện thủy nội địa • Giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc liên quan đến quản lý đất đai • Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Cử tri tỉnh Sơn La đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi quy chuẩn phù hợp theo từng tuyến đường, vị trí cụ thể và xem xét việc phân cấp quản lý hạ tầng giao thông các tuyến quốc lộ tại địa phương; có giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn.
Bộ GTVT trả lời: Sở GTVT Sơn La được phân cấp ủy thác quản lý 9 tuyến quốc lộ, với tổng chiều dài 668 km (trừ quốc lộ 6 qua địa bàn tỉnh). Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa định kỳ; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và sửa chữa đột xuất khác để đảm bảo an toàn giao thông. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát các nội dung có thể phân cấp, phân quyền trong quản lý kết cấu hạ tầng hệ thống quốc lộ cho địa phương, đảm bảo nguyên tắc quản lý thống nhất, tập trung, mỗi nhiệm vụ chỉ do một cơ quan quản lý, phát huy được tiềm lực, lợi thế để đạt hiệu quả cao hơn.
Đối với kiến nghị tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn: Từ Điều 24 đến Điều 28 của Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định phương tiện phải được cơ quan có thẩm quyền đăng ký, đăng kiểm; khi đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện phải có hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng kiểm thẩm định; về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ được quy định tại QCVN 25:2015/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ; trong đó hồ sơ thiết kế là điều kiện bắt buộc để làm cơ sở cho cơ quan đăng kiểm đánh giá, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thông qua việc tính toán, so sánh với các giá trị kỹ thuật quy định.
Đối với vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của người dân liên quan tới công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát, hướng dẫn các cơ sở đóng tàu, chủ phương tiện khắc phục vi phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 19 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021; chủ phương tiện liên hệ đơn vị thiết kế để lập hồ sơ cho phương tiện đã đóng không có sự giám sát của đăng kiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22/9/2015 được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Thông tư số 16/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân.
Đồng thời, Bộ GTVT giao Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về hồ sơ thiết kế tại QCVN 25:2015/BGTVT trình Bộ GTVT ban hành trong thời gian tới.
Cử tri kiến nghị cần nghiên cứu, đề xuất những giải pháp chấn chỉnh, khắc phục và giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý đất đai; xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến quản lý đất đai và trật tự xây dựng đô thị.
UBND tỉnh trả lời: Ngày 14/9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý vi phạm đối với các tổ chức chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn tỉnh; ngày 21/9/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1866/QĐ-UBND về quy chế phối hợp thực hiện thu hồi đất đối với trường hợp dự án đầu tư đã chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Đối với công tác giải quyết tồn đọng, vướng mắc liên quan đến đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đang rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi bổ sung Quyết định số 50/2021/QĐ-UBND về bồi thường, hỗ trợ TĐC khi nhà nước thu hồi đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn của địa phương. Trong đó, định hướng sửa đổi, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ khác đối với các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường. Ngày 5/10/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1997/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình cá nhân sử dụng”.
Cử tri kiến nghị tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
UBND tỉnh trả lời: Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính, công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực; nhận thức của nhân dân được nâng cao, chất lượng dân số từng bước được cải thiện, không còn trường hợp kết hôn cận huyết thống, tỷ lệ tảo hôn giảm xuống còn 10,8%. Tuy nhiên, mức giảm tỷ lệ tảo hôn bình quân giai đoạn 2021-2023 chưa đạt mục tiêu theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Để khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!