Còn hiện tượng né tránh những kiến nghị của cử tri

Việc phân loại kiến nghị cử tri của một số bộ, ngành còn chưa thực sự rõ ràng, còn hiện tượng né tránh những kiến nghị của cử tri cần phải tiếp thu để xử lý, giải quyết...

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.

Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 4, chiều 5/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII; báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của Quốc hội năm 2016.

Trả lời không đúng kiến nghị cần giải quyết

Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, từ sau kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tổ chức 823 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 2613 kiến nghị của cử tri gửi đến UBTVQH. Ban Dân nguyện đã giúp UBTVQH phân loại, xử lý các kiến nghị trùng lặp, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương, kiến nghị không rõ nội dung, còn 914 kiến nghị.

Theo bà Nguyễn Thanh Hải, các cơ quan của Quốc hội, của UBTVQH đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời bằng văn bản 49 kiến nghị của cử tri; 551 kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan giải trình và cung cấp thông tin; 129 kiến nghị đang được giải quyết.

Theo báo cáo, bên cạnh những mặt tích cực việc giải quyết kiến kiến nghị của cử tri còn một số tồn tại hạn chế. Cụ thể, việc phân loại kiến nghị cử tri của một số bộ, ngành còn chưa thực sự rõ ràng, còn hiện tượng né tránh những kiến nghị của cử tri cần phải tiếp thu để xử lý, giải quyết hoặc để ban hành, bổ sung, sửa đổi thay thế chính sách pháp luật có liên quan, thì lại phân loại giải quyết ở dạng nội dung thông tin giải trình cho cử tri.

Đặc biệt, bà nhấn mạnh, có những văn bản không trả lời thẳng vào nội dung kiến nghị của cử tri mà lại trả lời chung chung, trả lời không đúng kiến nghị cần giải quyết, không đưa ra lộ trình và biện pháp giải quyết. Vì vậy, cử tri lại tiếp tục có kiến nghị như: nội dung trả lời của Bộ Kế hoạch và đầu tư về bố trí vốn từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ để tiếp tục thực hiện các dự án bị đình hoãn còn dang dở; trả lời của Bộ Công Thương về quản lý thị trường, phòng chống hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại; về trách nhiệm trong triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng khu gang thép Thái Nguyên; trả lời của Bộ Y tế về nội dung quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xử lý vi phạm về phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng; trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản, khai thác cát, đá, sỏi...

Một hạn chế khác được nêu ra là việc ban hành văn bản trả lời kiến nghị cử tri là trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành. Tuy nhiên vẫn còn hiện tượng ở một số bộ, ngành, bộ trưởng, trưởng ngành không trực tiếp trả lời kiến nghị cử tri mà lại giao cho cấp phó trả lời là chưa thể hiện hết trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành đối với cử tri và nhân dân cả nước như: Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc...

Khiếu nại vẫn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai

Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải cho hay, nội dung khiếu nại về hành chính chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực đất đai; về chính sách ưu đãi người có công; về việc thực hiện chính sách nhà, đất trước ngày 01/7/1991; tố cáo cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai, thu chi tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản...

Đáng chú ý, báo cáo đề cập đến nội dung giám sát việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 06 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bình Dương). Theo đó qua đánh giá kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền cho thấy: trên 90% khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; số lượng công dân khiếu nại đúng và đúng một phần chiếm 24,9%; tố cáo đúng và đúng một phần chiếm 38,1%; số vụ việc đang giải quyết chiếm 39,4%. Bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: “Như vậy, có thể thấy rằng, công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập, làm phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, nhất là khi thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, vi phạm quy định của pháp luật về quy trình, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và áp dụng pháp luật để giải quyết; số vụ việc được giải quyết ở cấp huyện bị xem xét lại chiếm số lượng đáng kể”...

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt bày tỏ đánh giá cao báo cáo đã bước đầu phân loại rõ những vấn đề cử tri bức xúc, kiến nghị nhiều nhất. Theo ông, việc tập hợp chu đáo những vấn đề này sẽ góp phần củng cố niềm tin của người dân.

Góp ý vào báo cáo, ông đặc biệt nhấn mạnh phải lưu ý đến đội ngũ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Theo ông, đội ngũ này phải có bản lĩnh, có kiến thức và kỹ năng... bởi nhiều trường hợp người dân phản ánh “người dân đang bí nhưng nghe cán bộ nói lại bí hơn”. Mặt khác ông đề nghị, Ban Dân nguyện và các bộ, ngành liên quan phải tăng cường kiểm tra giám sát để bộ máy tinh nhuệ hơn. Đồng thời phải có chế tài xử lý người nào lợi dụng tiếp dân để gây rối, phá hoại.

Cũng đánh giá báo cáo đã gom các vấn đề song Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị, phải làm rõ vấn đề bức xúc trong từng lĩnh vực là ở đâu. Đồng thời đề nghị sau khi phân loại các vấn đề xong thì các Ủy ban của Quốc hội phải phụ trách lĩnh vực của mình...

Ngoài ra, nhiều thành viên UBTVQH đề nghị các bộ, ngành cơ quan ngang bộ cần tiếp tục thực hiện tốt công tác rà soát, nghiên cứu để giải quyết các kiến nghị tại các kỳ họp trước đã được xác định là đang giải quyết. Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý nhà nước, góp phần giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.../.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới