BÁO CÁO
Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin trân trọng báo cáo Quốc hội kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri (KNCT) gửi đến Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV như sau:
I. Kiến nghị và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri
Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.640 KNCT. Trong đó, có 62 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,4%); 2.524 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành (chiếm 95,6%); 32 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chiếm 1,2%); 22 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương (chiếm 0,8%). Các kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.
Nội dung KNCT liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội (229 kiến nghị); Y tế (227 kiến nghị); Tài nguyên và Môi trường (210 kiến nghị); Nội vụ (198 kiến nghị); Nông nghiệp, nông thôn (194 kiến nghị); Giáo dục, đào tạo (181 kiến nghị); Giao thông, vận tải (179 kiến nghị)…
Đến nay, có 2.596/2.640 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 98,3%. Sau đây là kết quả giải quyết cụ thể đối với các KNCT gửi đến Kỳ họp thứ ba:
1. Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH
Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH đã có nhiều đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác. Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH đã tiếp nhận và trả lời 62/62 kiến nghị, đạt 100%, cụ thể như sau:
- Về công tác xây dựng pháp luật
Tiếp thu KNCT về đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng pháp luật, tiếp tục thực hiện Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV của Đảng đoàn Quốc hội, Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV của UBTVQH, UBTVQH đã tổ chức 2 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Tại phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại phiên họp để có thêm ý kiến đa dạng, nhiều chiều giúp cơ quan hữu quan nhận diện thêm các vấn đề mới phát sinh, nắm bắt toàn diện, giải trình thấu đáo hơn, bảo đảm chất lượng cao nhất của các dự án luật, nghị quyết. Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, UBTVQH đã xem xét, cho nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý, lý luận và thực tiễn, có tính khả thi cao... Ngoài ra, UBTVQH đã yêu cầu các Ủy ban của Quốc hội xin ý kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với hồ sơ dự án luật.
UBTVQH đã tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tư. Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các vị ĐBQH cho ý kiến toàn diện vào các dự án Luật, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau; cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp cơ quan soạn thảo đã báo cáo giải trình, tiếp thu để xin ý kiến Hội nghị ĐBQH chuyên trách nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua...
Ngoài ra, tiếp thu KNCT về tăng cường tổ chức thực hiện giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được UBTVQH nhấn mạnh ngay trong các Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri thời gian qua, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh giám sát văn bản quy phạm pháp luật gắn với việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật...
- Về hoạt động giám sát
Tiếp thu KNCT về nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát, thực hiện các kiến nghị sau giám sát, trong đó, tập trung vào giám sát những vấn đề bức xúc cử tri đang quan tâm, Tổng Thư ký Quốc hội đã thông tin đến cử tri về việc thời gian qua, Quốc hội đã không ngừng cải tiến, đổi mới hoạt động giám sát phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, qua đó giúp hoạt động giám sát tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả. Trong năm 2022, những vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm đã được Quốc hội, UBTVQH tiến hành giám sát, cụ thể Quốc hội đã giám sát tối cao 2 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. UBTVQH giám sát 2 chuyên đề: “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”, “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”. Qua giám sát đã đánh giá những kết quả đạt được cũng như chỉ ra các tồn tại, hạn chế và kiến nghị giải pháp khắc phục.
Dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới mạnh mẽ, huy động Hội đồng nhân dân, Đoàn ĐBQH các địa phương tổ chức giám sát, mời đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tham gia các đoàn giám sát. UBTVQH đã tổ chức chất vấn trực tiếp và trực tuyến tới 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố đối với Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nhiều vấn đề có ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất-kinh doanh, đời sống của nhân dân, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm như: Công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia; giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân…; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch… Qua hoạt động chất vấn, UBTVQH đánh giá cao phần trả lời chất vấn, đồng thời ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như ý kiến của các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn. UBTVQH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Nhìn chung, cử tri và nhân dân cho rằng các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại phiên họp đúng và trúng, phù hợp với diễn biến thực tế đời sống, được cử tri và nhân dân quan tâm. Cử tri đánh giá cao và tin tưởng việc chất vấn tại các phiên họp của UBTVQH sẽ đem lại hiệu quả cao cùng với chất vấn của Quốc hội tại các kỳ họp sẽ tạo sự chuyển biến tích cực, khắc phục được những hạn chế trong các lĩnh vực.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát các văn bản quy phạm pháp luật, giám sát chuyên đề về những vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách, nhất là những vấn đề được cử tri quan tâm, như: việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2021 (Hội đồng Dân tộc); tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (Ủy ban Pháp luật); việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân (Ủy ban Tư pháp); theo dõi, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Ủy ban Kinh tế); triển khai hoạt động của Đoàn giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng (Ủy ban Tài chính, Ngân sách); khảo sát tuyến đường Trường Sơn Đông (Ủy ban Quốc phòng và An ninh); việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet; việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non tại các khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ (Ủy ban Văn hoá, Giáo dục); việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2021; tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2021 (Ủy ban Xã hội); việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc; việc thực hiện chính sách, pháp luật về Hàm, cấp ngoại giao và Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban Đối ngoại); việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; việc thực hiện chính sách, pháp luật về chuyển đổi số; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử (Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường).
Đồng thời, tiếp thu KNCT, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước tăng cao, UBTVQH đã kịp thời tổ chức phiên họp bất thường ngày 6/7/2022 để xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Chính phủ, theo đó đã giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn.
2. Chính phủ, các Bộ, ngành
Chính phủ, các Bộ, ngành đã tiếp nhận và trả lời 2.482/2.524 kiến nghị (đạt 98,3%).
2.1. Các kiến nghị của cử tri được Bộ, ngành giải trình và cung cấp thông tin tới cử tri
Các Bộ, ngành đã giải trình và cung cấp thông tin về 2.176/2.482 KNCT, chiếm 87,6% tổng số KNCT được xem xét, giải quyết, trả lời, cụ thể như:
(1) Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã trả lời cử tri về việc đã ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thủy sản và chăn nuôi để nâng cao thu nhập của người dân như: các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp: hỗ trợ giống vật nuôi (Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014); hỗ trợ sản xuất giống gốc, giống đầu dòng (Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020); hỗ trợ hoạt động khuyến nông (Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018)… Ngoài ra, hỗ trợ gián tiếp thông qua chính sách đầu tư, đất đai, tài chính, tín dụng ưu đãi, phát triển thị trường: hỗ trợ phát triển thủy sản (các Nghị định: số 67/2014/NĐ-CP, số 89/2015/NĐ-CP, số 17/2018/NĐ-CP); khuyến khích doanh nghiệp đầu tư (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP), khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ (Nghị định số 98/2018/NĐ-CP); khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ (Nghị định số 109/2018/NĐ-CP); giảm tổn thất trong nông nghiệp (Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg); bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Nghị định số 75/2015/NĐ-CP); tín dụng nông nghiệp, nông thôn (các Nghị định: số 116/2018/NĐ-CP, số 55/2015/NĐ-CP)….
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã trả lời kiến nghị cụ thể của cử tri ở một số địa phương như: giải pháp xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất; các chính sách hỗ trợ, bình ổn giá vật tư nông nghiệp; việc đầu tư và cải tạo lại hệ thống đê bao dọc sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây để phòng, chống sạt lở, xâm nhập mặn…
(2) Về thực hiện chính sách người có công, an sinh xã hội
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) trả lời cử tri tỉnh Bạc Liêu về việc hướng dẫn thủ tục, hồ sơ giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ, chế độ mai táng phí: Quy định về hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ được quy định tại Điều 28 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, phải có Giấy ủy quyền nhằm xác định được người ủy quyền thờ cúng liệt sĩ, tránh tranh chấp trong gia đình liệt sĩ, đồng thời, Nghị định đã có quy định đối với trường hợp không xác định được người ủy quyền thờ cúng liệt sĩ nhằm bảo đảm quyền lợi chế độ của thân nhân người có công với cách mạng…
Bộ LĐTB&XH trả lời cử tri một số địa phương về việc xem xét điều chỉnh lại một số tiêu chí rà soát hộ nghèo và cận nghèo giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí đa chiều phù hợp với thực tiễn: Trên cơ sở kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 trên phạm vi toàn quốc và tiếp thu ý kiến của địa phương, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18/7/2021 hướng dẫn phương pháp phân loại, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có các nội dung cử tri kiến nghị như: điều chỉnh điểm về nhân khẩu, số người lao động phù hợp với tình hình thực tế, điều chỉnh điểm về nhà ở, tiêu thụ điện, xe máy, điều hòa, máy giặt, bình tắm nước nóng, lò vi sóng và đất đai, chăn nuôi phù hợp với đặc thù vùng miền…
Một số vấn đề khác mà cử tri kiến nghị được Bộ LĐTB&XH trả lời với cử tri như: tăng mức trợ cấp đối với đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân, người cao tuổi; tiếp tục hỗ trợ các nhóm đối tượng khó khăn sau đại dịch Covid-19; giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu; chú trọng công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn, thanh niên xuất ngũ...
(3) Về văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông, giáo dục, y tế
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã trả lời với cử tri về đề nghị có giải pháp, chính sách ưu tiên tập trung phát triển, phục hồi kinh tế du lịch sau đại dịch Covid-19 như sau: Thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu tiên, phục hồi, phát triển du lịch tập trung vào các chính sách thuế, phí, chính sách về tín dụng, chính sách an sinh xã hội. Do đó, ngành du lịch 7 tháng qua bước đầu đã ghi nhận kết quả phục hồi tích cực...
Ngoài ra, Bộ VHTT&DL trả lời kiến nghị cụ thể của cử tri ở một số địa phương về một số vấn đề khác như: cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng các khu phố kiểu mẫu, thị trấn kiểu mẫu trở thành đô thị văn minh; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động tại các cơ sở tâm linh; gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống cho giới trẻ; thiết lập hệ thống thông tin, thông báo về các hành vi bạo lực gia đình…
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thông tin cho cử tri về việc phối hợp chấn chỉnh tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng với công dụng của sản phẩm trên mạng xã hội và sóng truyền hình. Bộ TT&TT đã nắm bắt được thực trạng và triển khai một số biện pháp chấn chỉnh trong phạm vi và quyền hạn như: Tổ chức họp và chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài, nhà mạng nước ngoài; phối hợp với Bộ Y tế xác minh sự phù hợp của nội dung quảng cáo so với thực tế để chuyển đơn vị chuyên môn ngăn chặn, xử lý quảng cáo trái pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ đã cung cấp thông tin về chủ thể đăng ký của 10 tên miền đăng thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật cho Bộ Y tế để làm việc và xử lý, kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm và công bố 25 website vi phạm pháp luật không được gắn quảng cáo.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT trả lời kiến nghị của cử tri ở một số địa phương về một số vấn đề khác như ngăn chặn, xử lý các trường hợp tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; quy định về chức danh, bổ nhiệm và xếp lương cho viên chức tuyên truyền viên; tăng cường công tác chuyển đổi số ở địa phương; quản lý và kiểm soát thông tin trên không gian mạng...
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã trả lời cử tri về việc quản lý công tác đào tạo sau đại học, đào tạo tiến sĩ: để nâng cao chất lượng luận án tiến sĩ, chất lượng đào tạo tiến sĩ nói riêng và công tác đào tạo sau đại học nói chung, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện đồng bộ những giải pháp sau: hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong đào tạo sau đại học trên tinh thần thực hiện tự chủ đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo theo Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 2199/BGDĐT-GDĐH ngày 27/5/2022 chỉ đạo các cơ sở đào tạo về việc tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về đào tạo sau đại học các cơ sở đào tạo và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành....
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã trả lời kiến nghị cụ thể của cử tri ở một số địa phương về bổ sung biên chế nhân viên y tế cho trường học; giảm tải chương trình học tập cho học sinh lớp 1; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch dạy bơi cho học sinh trong trường học; công tác tư vấn tâm lý học đường; biện pháp cải thiện, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường; chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non…
Bộ Y tế đã giải đáp khi cử tri bày tỏ lắng về những biến chứng sau tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi mà một số báo, đài đã đăng tải trong thời gian qua: Theo Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch; bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ để chống lại Covid-19, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản để triển khai công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 được an toàn, hiệu quả, tổ chức các lớp tập huấn quy trình thực hiện tiêm chủng cho các điểm tiêm chủng toàn quốc… Đồng thời, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế thường xuyên họp, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 phù hợp với thực tế và kinh nghiệm qua các đợt dịch của Việt Nam và thế giới…
Ngoài ra, Bộ Y tế đã trả lời cử tri các địa phương về một số nội dung như hỗ trợ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng; việc thanh, quyết toán vật tư y tế đã vay, mượn để phục vụ khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch; tăng định mức chi, bổ sung danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả; thông tuyến khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho thương bệnh binh, người có công, người nhiễm chất độc màu da cam; bố trí đủ vaccine phòng Covid-19…
(4) Về kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân hàng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã trả lời cử tri về các cơ chế chính sách để các Khu kinh tế có điều kiện chủ động thu hút đầu tư, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các Khu kinh tế; đặc biệt các chính sách về thuế, hải quan, tài chính, ngân hàng; quy hoạch khu dân cư cho các chuyên gia, nhà ở xã hội cho công nhân như: các dự án đầu tư tại khu kinh tế thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư, được hưởng các mức ưu đãi đầu tư cụ thể theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán và đất đai (Điều 15 Luật Đầu tư); các dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng trong khu kinh tế, xây dựng chung cư cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư (Điều 19 và Phụ lục II của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP). Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật về đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế là cơ quan đăng ký đầu tư, thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư trong khu kinh tế...
Bộ KH&ĐT trả lời kiến nghị cụ thể của cử tri ở một số địa phương về một số nội dung như: ban hành một số chính sách đối với xã an toàn khu, phân bổ kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân; hoàn thiện Quy hoạch vùng, Quy hoạch quốc gia, làm căn cứ xây dựng nội dung Quy hoạch tỉnh đúng định hướng, tránh trường hợp phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần…
Bộ Tài chính đã trả lời cử tri về tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine kéo theo nhiều hệ lụy như tăng giá xăng dầu, giá vàng, giá cả hàng hóa tiêu dùng. Trong đó nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2022, trước bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng, nhất là tại khu vực Bắc Mỹ và châu Âu do ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine đã tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu về lương thực, nguyên, nhiên, vật liệu chiến lược, từ đó gây áp lực lên mặt bằng giá cả trong nước. Trong bối cảnh đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng và cập nhật các kịch bản, tham mưu các biện pháp quản lý điều hành giá phù hợp. Đến nay, mặt bằng giá cơ bản vẫn được kiểm soát, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021 tuy cao hơn mức tăng 1,19% của 6 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020, lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm tăng 1,25%. Trong thời gian tới, áp lực lạm phát từ xu hướng tăng giá của các mặt hàng xăng dầu, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải và một số nhóm dịch vụ như giáo dục, y tế được điều chỉnh theo lộ trình… đặt ra những thách thức trong công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm gặp nhiều khó khăn. Bộ Tài chính, thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá đã phối hợp các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính trả lời kiến nghị cụ thể của cử tri ở một số địa phương về các nội dung như: tháo gỡ một số khó khăn đối với vấn đề tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập khoa học và công nghệ; phân bổ kinh phí cho địa phương để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự; mức thuế suất áp dụng đối với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá; quy định thuế suất cao đối với những trường hợp đầu cơ bất động sản; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản…
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) đã giải trình, thông tin đến cử tri về việc sửa đổi Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 19/5/2013 của NHNNVN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo đó, giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu hoặc các khoản nợ xấu của 1 khách hàng vay hoặc các khoản nợ xấu của 1 nhóm khách hàng vay vào thời điểm bán nợ không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với nhóm khách hàng vay và khách hàng vay là tổ chức; không thấp hơn 1 tỷ đồng đối với khách hàng vay là cá nhân hoặc mức khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định. Quy định này nhằm bảo đảm mục tiêu VAMC - là công cụ đặc biệt của Nhà nước góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp với yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, hàng năm, VAMC xây dựng phương án mua nợ xấu trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thực tế nợ xấu của hệ thống các TCTD, nhu cầu mua bán nợ xấu của các TCTD, năng lực của VAMC… để dự kiến khối lượng, giá trị, đối tượng nợ xấu cần mua và tổ chức bán nợ...
Ngoài ra, NHNNVN trả lời một số nội dung mà cử tri quan tâm, như: giải quyết nợ xấu cho các chủ tàu vay đóng mới, cải hoán tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; giảm lãi suất vay với đối tượng là nông dân; quy định chặt chẽ hơn trong việc mở tài khoản ngân hàng cho các cá nhân…
(5) Về sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường
Bộ Công Thương đã trả lời cử tri về giải pháp để bảo vệ quyền lợi của người dân, người tiêu dùng, người sản xuất, không phụ thuộc vào việc xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp thực phẩm vào Trung Quốc. Trong thời gian qua, ngoài công tác hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ, lưu thông và xuất khẩu nông sản, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong quá trình đàm phán quản lý chất lượng nông sản, kiểm dịch để mở cửa thị trường. Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa và đa phương hóa (thông qua 17 FTA mà Việt Nam tham gia) đã giúp mở rộng quy mô, số lượng nông sản xuất khẩu. Hiện nay, nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu đến hầu hết các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… và cơ cấu thị trường cũng có những chuyển dịch tích cực khi giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và tăng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm sau đều cao hơn năm trước, cụ thể: năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước đạt 28,04 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020, trong đó, riêng mặt hàng hoa quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020. Theo Bộ Công Thương, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT đàm phán về các vấn đề kỹ thuật để mở cửa thị trường. Đây là nội dung quan trọng trong Đề án thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc theo hình thức chính ngạch.
Ngoài ra, Bộ Công Thương trả lời về một số vấn đề mà cử tri một số địa phương quan tâm, như: xây dựng và đưa vào sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu về vật liệu nổ công nghiệp; tăng định mức giá điện sinh hoạt cho hộ gia đình; chuyển đổi mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp từ đơn vị sự nghiệp nhà nước (đã đầu tư một phần hoặc toàn bộ hạ tầng kỹ thuật từ ngân sách nhà nước) sang chủ đầu tư là doanh nghiệp; ban hành cơ chế giá mua điện gió sau ngày 1/11/2021 nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; hỗ trợ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và xử lý vấn đề môi trường của các cụm công nghiệp được thành lập trước khi Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực thi hành...
(6) Về xây dựng, giao thông, vận tải
Bộ Xây dựng đã trả lời cử tri về các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm giá cả căn hộ ở mức vừa phải để công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện mua nhà ở ổn định cuộc sống như: miễn tiền sử dụng đất; được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp… Với các cơ chế chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội nêu trên, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ luôn có giá thấp hơn nhà ở thương mại tại cùng thời điểm trên cùng địa bàn.
Bộ Xây dựng trả lời cử tri một số địa phương về các nội dung liên quan đến các chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm tại các dự án nhà chung cư để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân…
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thông tin đến cử tri về công tác kiểm tra, giám sát các công trình giao thông đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước: Bộ GTVT khẳng định luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng công trình là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn thực hiện và hoàn thành các dự án xây dựng công trình giao thông. Nhìn chung các dự án xây dựng công trình giao thông hoàn thành đã bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng, đã phát huy được hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Bên cạnh đó, vẫn còn một số dự án triển khai chậm tiến độ, chất lượng chưa đạt yêu cầu quy định. Cá biệt, đối với một số công trình còn để xảy sự cố, hư hỏng, chất lượng kém. Việc dẫn đến những sự cố, hư hỏng một số công trình giao thông thời gian qua do nhiều nguyên nhân về khách quan và chủ quan, trong đó có phần là do năng lực các chủ thể tham gia thực hiện các dự án giao thông yếu kém. Để khắc phục tình trạng nêu trên, thời gian qua, Bộ GTVT đã chủ động xây dựng trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng công trình giao thông...
Bộ GTVT trả lời với cử tri một số địa phương về việc: đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống thu phí tự động (thu phí không dừng - ETC); đầu tư mở rộng và nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 12C Việt Nam-Lào (đoạn qua các xã Kỳ Tân, Lâm Hợp, Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh) và Quốc lộ 8A (đoạn qua thị trấn Phố Châu, Hương Sơn); tăng cường đèn chiếu sáng trên Quốc lộ 5; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E; ban hành quy định cho phép các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom rác thải được sử dụng xe điện 3 bánh hoặc xe gắn máy 3 bánh phục vụ công tác thu gom rác thải...
(7) Về tài nguyên, môi trường, khoa học, công nghệ
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã trả lời KNCT về tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, đề nghị quan tâm, có các giải pháp xử lý hiệu quả những vấn đề này: Thời gian qua, Chính phủ, Bộ TN&MT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường từ việc hoàn thiện chính sách pháp luật, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; thay đổi mạnh mẽ về phương thức quản lý, chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, tiếp cận mô hình phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường, hài hòa giữa vấn đề môi trường với vấn đề kinh tế-xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo vệ môi trường; tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường. Qua đó, đã tập trung quản lý tốt 20-30% cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhưng gây ra 70-80% các vấn đề môi trường để khoanh vùng, áp dụng các biện pháp phòng ngừa sự cố, giám sát chặt chẽ việc xả thải. Chủ động triển khai các biện pháp giám sát trong quá trình thử nghiệm và vận hành kết nối trực tuyến với hệ thống giám sát của Sở TN&MT không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay, cả Trung ương và địa phương đã đầu tư lắp đặt 1.234 trạm quan trắc nguồn thải có kết nối số liệu trực tiếp về Sở TN&MT và Bộ TN&MT. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã triển khai rà soát, đánh giá thực trạng, xác định các vấn đề bất cập về chính sách và xây dựng các quy định mới tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.
Bộ TN&MT thông tin với cử tri các địa phương về việc sửa đổi Luật Đất đai: Thực hiện Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội, Bộ TN&MT được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XV trên cơ sở bám sát, thể chế hóa nội dung tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ TN&MT sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bảo đảm tính đồng bộ thống nhất trong quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…
Bộ TN&MT trả lời kiến nghị cụ thể của cử tri một số địa phương về: chuyển Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện quản lý; sớm trình ban hành Luật Biến đổi khí hậu; quy trình, thủ tục để cấp phép khai thác các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tương đối phức tạp, thời gian dài; sửa đổi Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc cải tạo đất vườn; nguyên nhân, mức độ nguy cơ ảnh hưởng của động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum...
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã trả lời cử tri về việc đã ban hành các Thông tư quy định chung về quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và Chương trình KH&CN cấp quốc gia: Với mỗi Chương trình quốc gia đặc thù đều có văn bản quản lý Chương trình và quản lý tài chính riêng. Hệ thống văn bản này đã tạo điều kiện để các cá nhân, các tổ chức khoa học dễ dàng tiếp cận đăng ký, tổ chức triển khai, quản lý, nghiệm thu đánh giá. Đối với loại hình nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở trong các Thông tư, Bộ KH&CN đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương việc vận dụng tổ chức triển khai và quản lý các nhiệm vụ KH&CN. Ngoài ra, Bộ đã xây dựng nhiều chính sách cụ thể và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu đa dạng về công nghệ của doanh nghiệp, qua đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, như: trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành các Chương trình quốc gia (Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030), phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”...
(8) Về tổ chức bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức
Bộ Nội vụ đã trả lời với cử tri về việc xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút cán bộ, công chức đến công tác, làm việc tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ngành giáo dục, y tế gồm: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục…
Ngoài ra, Bộ Nội vụ trả lời một số vấn đề cụ thể cử tri quan tâm: về việc bổ sung chức danh Văn phòng Đảng ủy xã, quy định đặc thù riêng về diện tích, số lượng hộ, quy mô hộ gia đình để thành lập xóm biên giới; các chế độ chính sách khi nghỉ việc của cán bộ hoạt động tại thôn; xây dựng Đề án phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và giải quyết hồ sơ khen thưởng các cấp để triển khai thực hiện trong toàn quốc; thanh tra, kiểm tra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng của các Bộ, ngành, địa phương…
(9) Về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội
Bộ Quốc phòng đã trả lời cử tri về việc giải quyết chế độ chính sách cho những đối tượng bị mất giấy tờ theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc: Theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì việc giải quyết chế độ, chính sách theo Quyết định nêu trên được thực hiện cả với những trường hợp không còn giấy tờ. Đối với hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp 1 lần, đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (đối với đối tượng đã từ trần) chỉ cần làm 1 bản khai theo mẫu nộp cho Trưởng thôn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, sau đó nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân cấp xã; không nhất thiết đối tượng phải có giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan. Riêng hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, đối tượng cần có giấy tờ gốc hoặc được coi như giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan đủ yếu tố chứng minh đúng đối tượng, đủ điều kiện hưởng chế độ và thời gian công tác theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng trả lời cụ thể một số vấn đề cử tri quan tâm như: về chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho lực lượng dân quân tự vệ và đội dân phòng; chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhập ngũ từ ngày 30/4/1975 trở về trước, có dưới 15 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ; chế độ cho đối tượng là quân nhân, dân công được biên chế như lực lượng vũ trang tham gia bảo vệ Tổ quốc biên giới phía bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp nước bạn Lào sau ngày 30/4/1975, đóng quân trong vùng chiến tranh nhưng không trực tiếp tham gia chiến đấu…
Bộ Công an đã trả lời cử tri về biện pháp ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, cho vay nặng lãi: Trước diễn biến phức tạp của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, cho vay nặng lãi, Bộ Công an đã chủ động phát hiện, triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Lực lượng Công an các cấp đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Nhìn chung, các biện pháp quyết liệt của lực lượng Công an và các ngành trong những năm qua đã góp phần từng bước đẩy lùi tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen”, nhất là nhiều hành vi vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen” như bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, “khủng bố” tinh thần bằng thủ đoạn đổ chất bẩn, chất thải, nhắn tin, gọi điện đe dọa... đã giảm nhiều, không còn công khai, manh động như trước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen” dự báo sẽ có diễn biễn phức tạp ở một số nơi, biến tướng dưới các hình thức khác nhau, nhất là thông qua sử dụng công nghệ cao và trên không gian mạng như cử tri phản ánh. Để tiếp tục phòng ngừa đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm này, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo toàn lực lượng đẩy mạnh công tác nghiệp vụ tổ chức phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý nghiêm tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, cho vay nặng lãi…
Bên cạnh đó, Bộ Công an trả lời một số vấn đề cụ thể cử tri quan tâm như: xử lý nghiêm việc lừa đảo mua bán qua điện thoại, việc mua bán thông tin cá nhân và các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng, nhận hối lộ; giải pháp ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen”; về giải pháp phòng, chống đua xe trái phép; tăng cường công tác kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy…
(10) Xây dựng, thi hành và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Bộ Tư pháp đã trả lời cử tri về việc tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân: Trong thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện để người dân tiếp cận toàn diện thông tin và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã tham mưu các cấp có thẩm quyền triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ: Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”, Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL”. Đặc biệt, trong kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư đã đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu tổ chức, triển khai hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Đề án nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL như đã nêu trên; tổ chức triển khai công tác PBGDPL toàn diện, rộng khắp đến các đối tượng, địa bàn trong phạm vi cả nước, có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung PBGDPL phù hợp với nhu cầu của người dân, yêu cầu quản lý nhà nước, bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các vấn đề nổi cộm.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị cụ thể của cử tri ở một số địa phương về việc xem xét nghiên cứu trình sửa đổi quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 126 Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo hướng rút ngắn thời gian ban hành Quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; thủ tục thay đổi hộ tịch cho người đã chuyển đổi giới tính; thay đổi quê quán của người được đăng ký khai sinh; việc thống nhất mẫu Giấy khai sinh để bảo đảm thuận tiện khi công dân tham gia các giao dịch; xem xét, nghiên cứu trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng mức hình phạt đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, nhất là đối với hành vi sử dụng các chất độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng…
(11) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã trả lời cử tri về việc đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng đối với các thành phần kinh tế, đặc biệt là mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước: Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, các tổ chức khu vực ngoài nhà nước, các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được chú trọng nhằm quán triệt, tổ chức, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công khai minh bạch; thực hiện văn hóa ứng xử, PCTN trong doanh nghiệp; nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN khu vực ngoài nhà nước được tăng cường. Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều chủ trương rất quan trọng. Trong đó, yêu cầu phải từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Thời gian tới, việc tăng cường công khai minh bạch; thực hiện văn hóa ứng xử, PCTN trong các tổ chức khu vực ngoài nhà nước tiếp tục là nội dung trọng tâm được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc…
Bên cạnh đó, TTCP trả lời một số vấn đề cụ thể cử tri quan tâm về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản, thu nhập; việc ban hành quy định cụ thể về trường hợp đình chỉ việc giải quyết khiếu nại; hướng dẫn cụ thể về trường hợp giải quyết khiếu nại đối với văn bản hành chính thông thường…
2.2. Các kiến nghị của cử tri được nghiên cứu, xem xét và giải quyết
Các Bộ, ngành đã nghiên cứu, xem xét, giải quyết 61 kiến nghị, chiếm 2,5% tổng số KNCT được xem xét, giải quyết, trả lời, cụ thể như sau:
2.2.1. Tiếp thu KNCT, các Bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung và ban hành một số văn bản QPPL; triển khai thực hiện một số giải pháp trong quản lý, điều hành đã kịp thời hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống như:
- Tiếp thu KNCT về sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, Bộ TN&MT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022.
- Tiếp thu KNCT về việc xem xét nâng mức lương tối tiểu vùng để người lao động trong khu vực doanh nghiệp bảo đảm mức sống trước tình hình lạm phát, Bộ LĐTB&XH đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (áp dụng từ ngày 1/7/2022), trong đó điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng tăng từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng, bình quân 4 vùng tăng 6%.
- Tiếp thu KNCT về việc xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp thu KNCT đề nghị ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 11/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25/7/2022 về hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
- Tiếp thu KNCT về việc cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành TT&TT; Thông tư số 08/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin (thay thế Thông tư số 45/2017/TT-BTTTT); Thông tư 13/2022/TT-BTTTT ngày 26/8/2022 quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành TT&TT. Các Thông tư nêu trên đã bảo đảm cắt giảm tối đa các loại chứng chỉ không cần thiết, mang tính hình thức theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp thu KNCT về việc xem xét, điều chỉnh Quy định 5K trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các hoạt động kinh tế-xã hội đã gần như bình thường trở lại, triển khai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan triển khai chiến dịch truyền thông 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) + Vaccine + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp khác để phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong trường hợp xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm, Bộ Y tế sẽ có những điều chỉnh phòng chống dịch phù hợp.
2.2.2. Tiếp thu phản ánh của cử tri, một số Bộ, ngành đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm
- Tiếp thu KNCT về việc cần có các biện pháp hữu hiệu hơn để ngăn chặn triệt để tội phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc trên không gian mạng, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai kế hoạch chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện hơn 70 chuyên án, xử lý trên 300 vụ việc, khởi tố trên 1.100 đối tượng và xử lý hành chính trên 400 đối tượng hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc trên không gian mạng.
- Tiếp thu KNCT về việc đẩy mạnh công tác thanh tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật, trong 6 tháng đầu năm 2022, TTCP tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc toàn ngành triển khai 3.260 cuộc thanh tra hành chính và 80.723 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 31.025 tỷ đồng, 1.760ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 7.017 tỷ đồng và 644ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 24.008 tỷ đồng, 1.116ha đất; ban hành 65.857 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.501 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 132 vụ, 63 đối tượng...
2.2.3. Tiếp thu KNCT, một số vấn đề cử tri đã kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được xem xét, giải quyết:
- Tiếp thu KNCT nhiều địa phương qua nhiều kỳ họp Quốc hội, Bộ Công an đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, trong đó quy định cụ thể một số nội dung về: xác lập danh mục, cơ chế phối hợp, điều kiện an ninh mạng bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng; triển khai một số hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở Trung ương và địa phương… Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/10/2022.
- Tiếp thu KNCT nhiều địa phương qua nhiều kỳ họp Quốc hội về tăng các chế tài xử lý đối với các hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, nâng mức xử phạt đối với các hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự, Bộ Quốc phòng đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý bảo vệ biên giới quốc gia, quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định có hiệu lực từ ngày 22/7/2022.
2.3. Các kiến nghị đang trong quá trình xem xét để giải quyết
Các Bộ, ngành đang trong quá trình xem xét để giải quyết 245 KNCT gửi đến Kỳ họp thứ ba, chiếm 9,9 % tổng số KNCT được xem xét, giải quyết, trả lời. Nhiều KNCT đã được các Bộ, ngành nêu rõ sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số văn bản QPPL như:
- Tiếp thu KNCT về xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 36/2008/NĐ-CP, ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, cụ thể bổ sung thiết bị bay không người lái vào danh mục cần thiết được phép sử dụng đối với cơ quan quản lý ngành lâm nghiệp và đơn vị chủ rừng được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ, Bộ Quốc phòng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 36/2008/NĐ-CP, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong năm 2022, nội dung điều chỉnh các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong các lĩnh vực, trong đó có hoạt động ứng dụng trong lâm nghiệp.
- Tiếp thu KNCT về ban hành mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương và gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan. Sau khi có ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu, giải trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý IV/2022 để triển khai thực hiện.
- Tiếp thu KNCT về ban hành chính sách mới thay thế Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 vì Quyết định này đến nay đã hết hiệu lực, Bộ NN&PTNT đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi đến năm 2030 nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi. Dự kiến, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định này trình Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2022.
- Tiếp thu KNCT về rà soát, sửa đổi những nội dung về xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng còn tồn tại nhiều điểm bất cập với các quy định hiện hành về xây dựng, Bộ VHTT&DL đang nghiên cứu, rà soát và xây dựng hồ sơ đề xuất, sửa đổi Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 2/10/2013 về hoạt động mỹ thuật do hiện nay Nghị định không còn phù hợp với các quy định của Luật Xây dựng năm 2014, dự kiến trình Chính phủ vào quý I/2023.
- Tiếp thu KNCT về điều chỉnh các Thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho phù hợp với quy định của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, theo đó Bộ GD&ĐT đã sửa đổi quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên để bảo đảm các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT phù hợp với quy định của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP. Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ GD&ĐT từ ngày 20/5/2022, đồng thời lấy ý kiến của các địa phương từ ngày 24/5/2022. Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý và dự kiến ban hành vào tháng 11/2022.
- Tiếp thu KNCT về đề nghị có hướng dẫn cụ thể đối với việc bố trí người làm việc tại trạm y tế do sắp xếp đơn vị hành chính, địa bàn rộng, để có cơ sở bố trí thêm nhân lực tối thiểu 3 người/trạm ngoài biên chế hiện có (5 người/trạm), Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5/5/2007. Thông tư sẽ hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp tối thiểu trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc các Bộ, ngành và địa phương. Do vậy, khi Thông tư được ban hành thì theo thẩm quyền Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, căn cứ quy định và tình hình thực tế của địa phương để quyết định việc bố trí số lượng người làm việc cho các trạm y tế xã, phường trên địa bàn cho phù hợp.
- Tiếp thu KNCT về việc xem xét nâng mức hỗ trợ và có chế độ chính sách phù hợp cho nhân viên y tế ở thôn, bản, đặc biệt là việc hỗ trợ cho lực lượng y tế thôn, bản khi tham gia phòng, chống, dập dịch, Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, nâng mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bệnh viện đa khoa tuyến huyện.
Mặc dù đã rất cố gắng, nỗ lực trong giải quyết các KNCT, tuy nhiên có nhiều vấn đề mà cử tri kiến nghị chưa thể giải quyết được ngay trong một thời gian ngắn (giữa 2 kỳ họp) mà cần thêm thời gian để tổng kết, đánh giá thực tiễn, cần có nguồn lực để tổ chức thực hiện nhất là những kiến nghị liên quan đến việc xây dựng và ban hành văn bản QPPL. Do vậy còn 796 kiến nghị tại các kỳ họp trước đã được Chính phủ, Bộ, ngành trả lời sẽ xem xét tiếp thu, giải quyết. Đến nay, kết quả giải quyết như sau: 182 kiến nghị (chiếm 22,9%) đã được giải quyết xong (111 KNCT đã được giải quyết và 71 KNCT được giải trình); 100 kiến nghị được tiếp thu khi xây dựng văn bản QPPL, đang trình Chính phủ; 476 kiến nghị đã xác định được lộ trình cụ thể để giải quyết; chỉ còn 38 kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết.
3. Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC)
TANDTC, VKSNDTC tiếp nhận và trả lời 32/32 KNCT của các địa phương (đạt 100%). Nội dung các kiến nghị liên quan đến việc bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phục vụ tổ chức phiên tòa trực tuyến cho Tòa án địa phương; việc ban hành văn bản hướng dẫn việc khởi tố hình sự đối với đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 216 của Bộ Luật hình sự; sửa đổi, bổ sung Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg ngày 5/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ bồi dưỡng đối với Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, cán bộ, chiến sĩ công an, cảnh vệ bảo vệ phiên toà, công an dẫn giải bị can, bị cáo và dẫn giải người làm chứng; người giám định, người phiên dịch được Tòa án mời; người làm chứng được Tòa án triệu tập khi tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự; việc tập trung chỉ đạo giải quyết các đơn đề nghị, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật, tránh để xảy ra tình trạng nhiều vụ án bị kéo dài…
Tiếp thu KNCT, Viện trưởng VKSNDTC đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Phân công Kiểm sát viên, công chức có năng lực, kinh nghiệm để nghiên cứu, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tập trung nghiên cứu và giải quyết kịp thời đối với những đơn sắp hết thời hạn kháng nghị, đơn bức xúc kéo dài; phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc VKSNDTC với các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khắc phục tình trạng đơn tồn đọng, nâng tỷ lệ giải quyết đơn. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Tòa án trong việc chuyển hồ sơ vụ án để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền như tổng hợp ban hành kiến nghị với Tòa án về việc Tòa án chậm chuyển hoặc không chuyển hồ sơ vụ án… Kết quả, từ ngày 1/10/2021 đến ngày 31/3/2022, VKSNDTC và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đã thụ lý 872 đơn/480 việc đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hình sự; đã giải quyết 572 đơn/346 việc (đạt tỷ lệ 72,1% số việc, vượt 12,1% so với chỉ tiêu của Quốc hội). Thông qua công tác giải quyết đơn theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hình sự, đã ban hành 70 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (tăng 86% so với cùng kỳ). TANDTC đã có Công văn số 26/TANDTC-KHTC ngày 17/2/2022 về việc đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình Chính phủ để xin bổ sung dự án “Trang bị phương tiện phục vụ tổ chức phiên toà trực tuyến của hệ thống Tòa án nhân dân” với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của hệ thống Tòa án nhân dân giai đoạn 2021-2025. Khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Tòa án nhân dân tối cao sẽ triển khai trang bị đồng bộ cho Tòa án nhân dân các cấp ; VKSNDTC đã có Văn bản số 1102/VKSTC-C3 ngày 4/4/2022 về việc đánh giá thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp gửi tới các đơn vị trong toàn ngành để đánh giá, VKSNDTC đã tổng hợp báo cáo của 63/67 đơn vị, xây dựng dự thảo văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị chủ trì phối hợp TANDTC, VKSNDTC trình Chính phủ ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg ngày 5/10/2012…
TANDTC, VKSNDTC đã giải đáp các kiến nghị cụ thể của cử tri như: Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về Tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự; giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời gian tới…
4. Các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan, tổ chức khác
Các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan, tổ chức khác đã tiếp nhận 22 KNCT của các địa phương. Nội dung các kiến nghị liên quan đến việc triển khai việc thành lập và tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nâng độ tuổi cán bộ làm công tác đoàn thanh niên; tăng phụ cấp cho cán bộ công đoàn; phân bổ ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, thủ lĩnh thanh niên; hạ lãi suất cho vay đối với hội viên Hội nông dân; tăng cường, phát huy công tác của Mặt trận theo nội dung của Quy chế phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Đến nay, 20/22 KNCT đã được giải quyết, trả lời (đạt 90,9%).
II. Đánh giá chung
1. Kết quả đạt được
Nhìn chung, các KNCT đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, có nhiều giải pháp hữu hiệu để quản lý, điều hành. Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống của nhân dân về cơ bản ổn định.
Về cơ bản, các Bộ, ngành, cơ quan khi nhận được KNCT đã khẩn trương xem xét, nghiên cứu giải quyết, trả lời với thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm, đúng thời gian theo quy định. Nội dung văn bản trả lời đã tập trung vào trọng tâm vấn đề cử tri kiến nghị. Trong văn bản trả lời, các Bộ, ngành cũng đã nêu rõ những khó khăn vướng mắc của Bộ, ngành mình để cử tri hiểu và các địa phương cũng thấy rõ trách nhiệm phối hợp trong việc giải quyết nên được cử tri đánh giá cao. Nhiều KNCT được giải quyết như đã nêu ở phần trên đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân. Sự giải quyết nhanh chóng, kịp thời của các Bộ, ngành thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống của người dân cũng như trách nhiệm cao của các Bộ, ngành trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.
Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri địa phương quan tâm, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri như: trả lời của Bộ Công Thương về các giải pháp bình ổn giá xăng dầu , về việc dừng thực hiện dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I và nhiệt điện Quỳnh Lập II và đưa 2 dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập ra khỏi Quy hoạch điện VIII; Bộ Nội vụ về giải pháp tinh giản biên chế phù hợp đối với ngành Giáo dục, về hướng dẫn vị trí việc làm, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo ngành của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, việc thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập; Bộ TN&MT về xem xét giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước, tiếng ồn tại khu vực giáp ranh giữa huyện Ý Yên, Nam Định và các nhà máy, khu công nghiệp của tỉnh Ninh Bình; Bộ Quốc phòng về việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về nghĩa vụ quân sự quy định tại Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 và về giải quyết vướng mắc trong đầu tư xây dựng đường Đông Trường Sơn; Bộ GTVT về việc đầu tư kinh phí xây dựng cầu Đại Nội qua sông Ninh Cơ, về việc giải quyết lún nứt nhà dân do thi công công trình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Phả Lại-Uông Bí và việc tăng cường đèn chiếu sáng trên Quốc lộ 5; Bộ Tài chính về bình ổn giá xăng dầu; Bộ NN&PTNT về giải pháp quản lý, kiểm soát, bình ổn giá cả các mặt hàng liên quan đến sản xuất nông nghiệp, về việc xuất khẩu sầu riêng của Lâm Đồng nói riêng và một số tỉnh, thành phố khác nói chung theo đường chính ngạch sang Trung Quốc; Bộ Công an về xem xét, giữ lại chức danh Trưởng công an ấp và tăng thêm lực lượng công an cấp xã lên từ 10 đến 12 người/xã để bảo đảm việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội ở địa phương, nhất là các xã có địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa; Bộ LĐTB&XH về xem xét nâng mức trợ cấp hằng tháng cho Cựu Thanh niên xung phong; Bộ KH&ĐT về giải quyết những bất cập liên quan đến việc thực hiện lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 29 Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ KH&ĐT áp dụng đối với cả những gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu, Bộ GD&ĐT về việc quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình học trung học phổ thông; Bộ TT&TT về việc giảm bớt thời lượng quảng cáo trên truyền hình hay việc kiểm duyệt các nội dung quảng cáo; NHNNVN về giải quyết vướng mắc trong quá trình hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân…
2. Hạn chế
2.1. Đối với việc tập hợp, tổng hợp KNCT
Việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp của một số Đoàn ĐBQH còn chưa bảo đảm đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị nội dung còn chung chung, chưa cụ thể nên các cơ quan gặp khó khăn khi nghiên cứu để giải quyết, trả lời KNCT; một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết.
2.2. Đối với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương
Thứ nhất, một số Bộ, ngành còn trả lời KNCT chưa đúng thời hạn nên ĐBQH chưa có thông tin để báo cáo trước cử tri khi tiếp xúc cử tri
Mặc dù từ nhiều kỳ họp trước UBTVQH đã kiến nghị các Bộ, ngành cần nhanh chóng nghiên cứu, giải quyết, trả lời KNCT đúng thời hạn theo quy định của pháp luật nhưng vẫn còn một số Bộ, ngành còn chưa trả lời đúng thời hạn KNCT với số lượng lớn như: Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT...
Thứ hai, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, không kịp thời nên một số KNCT chưa được giải quyết
Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí thẩm định các đồ án quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thu, nộp, quản lý và sử dụng loại phí này.
Qua giám sát cho thấy, để giải quyết kiến nghị này của cử tri cần có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng. Mặc dù từ năm 2018 đến nay, Bộ Tài chính đã 5 lần có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị xây dựng đề án thu phí thẩm định các đồ án quy hoạch gửi Bộ Tài chính ban hành văn bản quy định thu phí theo quy định của Luật Phí và Lệ phí. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng vẫn chưa đề xuất phương án thu phí thẩm định các đồ án quy hoạch nên kiến nghị của cử tri vẫn chưa được giải quyết. Kiến nghị Bộ Xây dựng nhanh chóng đề xuất phương án thu phí thẩm định các đồ án quy hoạch gửi Bộ Tài chính để ban hành.
Thứ ba, một số văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chưa rõ ràng gây khó khăn khi triển khai thực hiện
(1) Cử tri tỉnh Bến Tre đề nghị làm rõ khái niệm về “Khu dân cư” tại Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/1/2019 của Bộ Công Thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió (Thông tư số 02) để có cơ sở áp dụng.
Qua giám sát cho thấy, tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02 quy định: “Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m”. Tuy nhiên, trong Thông tư này chưa giải thích khái niệm “Khu dân cư”, bên cạnh đó pháp luật cũng chưa có quy định thống nhất thế nào là “Khu dân cư” nên các địa phương gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. Kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, quy định rõ về “Khu dân cư” để các địa phương có cơ sở áp dụng thống nhất về khoảng cách an toàn giữa “Khu dân cư” và công trình điện gió.
(2) Cử tri tỉnh Phú Yên cho rằng Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước (Thông tư số 55) chưa quy định cụ thể số ngày công của từng chức danh, của từng nội dung công việc và đề nghị quy định rõ để triển khai thực hiện.
Qua giám sát cho thấy, mặc dù Thông tư số 55 là thông tư hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước nhưng lại chưa quy định cụ thể về số ngày công của từng chức danh, từng nội dung công việc khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Vì vậy việc triển khai thực hiện Thông tư số 55 về vấn đề này còn gặp khó khăn như cử tri đã phản ánh. Kiến nghị Bộ KH&CN phối hợp với Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, có quy định phù hợp về việc tính số ngày công khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước để áp dụng thống nhất, tránh xảy ra tình trạng lợi dụng để dự toán và quyết toán kinh phí không đúng gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Thứ tư, KNCT chưa được giải quyết do còn có sự vướng mắc, thiếu thống nhất giữa các quy định trong các văn bản QPPL
(1) Cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 4 Điều 2 Thông tư số 04/2022/TT-BCT ngày 28/1/2022 của Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Thông tư số 04) bảo đảm thống nhất với quy định tại Điều 32 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010.
Qua giám sát cho thấy, tại Điều 32 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định: “Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hằng năm”. Trong khi đó, tại Điểm c Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 04 lại quy định trách nhiệm của Sở Công Thương: “Tổng hợp danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, đăng tải trên website www.dataenergy.vn và gửi văn bản về Bộ Công Thương”. Như vậy, mặc dù Luật quy định Thủ tướng Chính phủ là người có thẩm quyền ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hằng năm nhưng tại Thông tư số 04 lại giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt. Quy định của Thông tư số 04 không phù hợp với quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04 phù hợp với quy định của Luật.
(2) Cử tri tỉnh Cao Bằng kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn quy định mức thu, quản lý, sử dụng phí thẩm định đề án đóng cửa mỏ, nghiệm thu thực hiện đề án đóng cửa mỏ.
Qua giám sát cho thấy, tại khoản 4 Điều 45 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản (Nghị định số 158) đã giao: “Bộ Tài chính quy định mức thu, quản lý, sử dụng phí thẩm định đề án đóng cửa mỏ, nghiệm thu thực hiện đề án đóng cửa mỏ”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4, Luật Phí và Lệ phí thì các cơ quan có thẩm quyền được quy định các khoản phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí nhưng trong Danh mục này không có tên phí thẩm định đề án đóng cửa mỏ, nghiệm thu thực hiện đề án đóng cửa mỏ và trong Luật Khoáng sản cũng không quy định về loại phí này. Đồng thời, Luật Phí và Lệ phí đã nghiêm cấm việc cơ quan nhà nước tự đặt và thu các loại phí, lệ phí; thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật. Vì vậy, không có cơ sở để giao Bộ Tài chính ban hành quy định phí thẩm định đóng cửa mỏ, nghiệm thu thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Quy định nêu trên tại Nghị định số 158 là không phù hợp với quy định của Luật Phí và Lệ phí. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ khoản 4 Điều 45 Nghị định số 158; đồng thời, nghiên cứu xác định rõ sự cần thiết phải có kinh phí thẩm định đề án đóng cửa mỏ, trên cơ sở đó đề xuất phương án trình Chính phủ xem xét.
III. Kiến nghị
1. Đối với các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội
Thứ nhất, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản QPPL, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thứ hai, các Đoàn ĐBQH nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý KNCT; bảo đảm tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp KNCT sau khi ĐBQH tiếp xúc cử tri theo quy định.
2. Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương
2.1. Đối với Chính phủ:
(1) Chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương:
- Rà soát, khẩn trương giải quyết các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, bảo đảm giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết, trả lời cử tri, khắc phục những hạn chế đã nêu trong báo cáo.
- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản QPPL của các Bộ, ngành; bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản QPPL do các Bộ ban hành hoặc xây dựng trình ban hành.
(2) Chỉ đạo Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ khoản 4 Điều 45 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; đồng thời, nghiên cứu xác định rõ sự cần thiết phải có kinh phí thẩm định đề án đóng cửa mỏ, trên cơ sở đó đề xuất phương án trình Chính phủ xem xét.
2.2. Đối với các Bộ, ngành Trung ương: tập trung giải quyết các hạn chế đã nêu tại mục II của Báo cáo này, đồng thời chú trọng giải quyết dứt điểm một số KNCT, cụ thể:
(1) Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất phương án thu phí thẩm định các đồ án quy hoạch gửi Bộ Tài chính để ban hành.
(2) Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, quy định rõ về “Khu dân cư” để các địa phương có cơ sở áp dụng thống nhất về khoảng cách an toàn giữa “Khu dân cư” và công trình điện gió; sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 4 Điều 2 Thông tư số 04/2022/TT-BCT ngày 28/1/2022 của Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
(3) Bộ KH&CN phối hợp với Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, có quy định phù hợp về việc tính số ngày công khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước để áp dụng thống nhất, tránh xảy ra tình trạng lợi dụng để dự toán và quyết toán kinh phí không đúng gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Trên đây là kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng báo cáo Quốc hội./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!