Những ngày tháng 4, chúng tôi về bản Phiêng Bông, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu để được trò chuyện cùng ông Lò Văn Ó - nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn châu ủy Thuận Châu- người được vinh dự phụ trách đoàn thiếu niên nhi đồng diễu hành đón Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương tham gia Lễ mít-tinh kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo tại Thuận Châu ngày 7/5/1959.
Ông Lò Văn Ó giới thiệu với phóng viên Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng.
Niềm nở tiếp đón chúng tôi, ông sôi nổi kể lại những kỷ niệm về Lễ mít-tinh tại Thuận Châu ngày 7/5/1959, kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo. Khi đó, ông là cán bộ Ban Tuyên huấn được giao nắm tình hình địa bàn xã Chiềng Ly, đảm bảo an ninh trật tự cho Lễ mít-tinh và phụ trách đoàn thiếu niên nhi đồng diễu hành. Vào khoảng 20 giờ ngày 6/5/1959, khi đang tất bật chuẩn bị các điều kiện cho buổi lễ ngày mai, bất ngờ Bác Hồ xuống hội trường thăm hỏi, động viên anh em chúng tôi. Bác căn dặn cán bộ phải quan tâm chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy tinh thần đoàn kết, cùng bộ đội, công an diệt phỉ, xây dựng cuộc sống ấm no cho đồng bào. Tiếp đó, Bác bắt nhịp để mọi người cùng hát bài “Kết đoàn”.
Nói rồi, ông Lò Văn Ó cất giọng hào sảng: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh. Kết đoàn chúng ta là sắt gang. Đoàn kết ta bền vững. Dù sắt hay là gang, mà sắt với gang còn kém bền vững. Chúng ta thề phá tan quân thù, thực dân, đế quốc, sài lang với phe phản động, ta đập tan hoang. Tiến tiến mau mau kìa tự do đang reo, bừng trong ánh dương, xây đời mới trong dân chủ mới!”. Ngừng một lát, ông Ó trầm giọng: Các anh em có mặt trong buổi tối ngày 6/5 được Bác xuống thăm, ai nấy đều xúc động. Bác gần gũi, giản dị lắm!
Kể về lễ mít-tinh buổi sáng 7/5/1959, ông bảo vẫn thấy như mới xảy ra ngày hôm qua. Ngay từ sáng sớm, ước khoảng mấy chục nghìn người từ khắp các vùng đã đổ về sân vận động huyện Thuận Châu ngóng chờ giây phút được gặp Bác Hồ kính yêu. Trong không khí hân hoan, khi Bác và Đoàn đại biểu tiến vào lễ đài, thì những tiếng hô “Pú Hồ xen pi!” (nghĩa là Cụ Hồ muôn năm!) vang lên không ngớt, từng đợt, từng đợt dội vào vách núi. Bác giơ tay vẫy chào đồng bào rồi Người ra hiệu cho mọi người im lặng. Cả rừng người bỗng im phăng phắc, lắng nghe từng lời của Bác. Bác khen ngợi bộ đội, cán bộ và nhân dân Tây Bắc đã có công lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và phong kiến, truy quét bọn phỉ, tham gia khôi phục kinh tế, xây dựng đất nước... Nét mặt hiền từ, giọng nói ấm áp, truyền cảm của Người thấm sâu vào con tim từng người, ai ai cũng trào dâng cảm xúc lạ kỳ. Bác ân cần dặn dò đồng bào và bộ đội, cán bộ Tây Bắc ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm, đưa Tây Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cho đời sống ngày càng ấm no và vui tươi hơn nữa. Khi nói xong, Bác hỏi bằng tiếng Thái: “Pi noọng hụ báu?” (anh em có hiểu không?). Một phút im lặng ngỡ ngàng, rồi chợt cả rừng người cùng reo lên không ngớt: Bác Hồ muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!. Nhiều người già, em nhỏ thấm vội những giọt nước mắt sung sướng trước sự quan tâm sâu sắc của Bác. Mong đợi nhất là các đoàn trong khối diễu hành qua lễ đài, đi đầu là đoàn đại biểu đại diện hơn 30 vạn dân tộc Tây Bắc; tiếp đến là đội ngũ anh hùng, chiến sỹ thi đua; các khối công nhân, nông dân, bộ đội, cán bộ, học sinh, văn nghệ sỹ, thể dục, thể thao... ai ai cũng hướng đến Bác để được nhìn Người rõ hơn, kỹ hơn.
Nhấp ngụm trà nóng, ông Ó tiếp mạch câu chuyện: Vui mừng nhất lúc đó là chúng tôi cùng với các cán bộ, chiến sỹ được phân công nhiệm vụ đã bảo đảm an toàn tuyệt đối trong những ngày đón Bác về thăm. Vui sướng khi được gặp Bác, nhưng chúng tôi không quên nhiệm vụ, tất cả anh em được giao đều từng ngày, từng giờ theo dõi, nắm tình hình an ninh trật tự ở địa bàn, bảo đảm an ninh tuyệt đối cho Bác và Đoàn công tác của Trung ương cũng như các hoạt động kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi Bác Hồ và Đoàn công tác di chuyển xuống Yên Châu, Mộc Châu, tôi cùng một số anh em được phân công ở lại tiếp tục giữ an ninh trật tự trên địa bàn.
Sau lần vinh dự được gặp Bác, ông Ó luôn khắc ghi những lời Bác dạy, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bản thân ông đã trải qua nhiều chức vụ, như: Cán bộ Ban Tuyên huấn, Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện phụ trách Khối tài nguyên, Phòng Nông nghiệp Thuận Châu; Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Hành chính, Chủ tịch HĐND huyện; Bí thư huyện ủy Thuận Châu và Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khóa III. Ở cương vị nào, ông cũng luôn gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hồi tưởng những ngày đầu tiên giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Thuận Châu, ông bảo, lúc đó huyện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cả cơ sở vật chất, lẫn đội ngũ cán bộ, rồi trình độ hạn chế, đời sống của nhân dân còn nghèo... ông cùng tập thể lãnh đạo huyện phân chia các xã thành 3 vùng: Các xã dọc quốc lộ 6; các xã vùng cao và các xã vùng ven sông Đà. Phân vùng các xã để có định hướng chỉ đạo phát triển sản xuất phù hợp. Các xã dọc quốc lộ 6 thì tập trung phát triển cây lúa nước, nuôi lợn; các xã vùng cao phát triển kinh tế rừng, trồng ngô, lúa nương; các xã ven sông Đà phát triển lúa nước, chăn nuôi trâu, bò, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Trong những năm tháng ấy, khó khăn nhất là làm đường lên vùng cao Co Mạ. Tuyến đường dài hơn 40 km từ trung tâm huyện Thuận Châu lên xã Co Mạ. Đây là tuyến đường của sự đoàn kết, hàng nghìn người được huy động để đào núi, mở đường, kết nối trung tâm huyện với các xã vùng cao, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống người dân cụm các xã vùng cao.
Với những công lao đóng góp, ông Lò Văn Ó đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Sơn La, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
(Ghi theo lời kể nhân vật)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!