Thực hiện tốt lời Bác dạy

Đã 89 tuổi, nhưng cụ Lò Văn Tun vẫn khá minh mẫn, rạch ròi khi kể lại kỷ niệm được dự cuộc mít-tinh dịp Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương lên thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại huyện Thuận Châu hôm 7/5/1959. Cụ tự hào là một trong những người dân bản Co Ké, xã Chiềng Pấc (Thuận Châu) vinh dự được gặp Bác Hồ.

Cụ Lò Văn Tun cùng con cháu chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.

Cụ bảo, hồi ấy những người được xã chọn cử đi dự mít-tinh đón Bác Hồ đều là người có thành tích đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Còn nhớ, khi bộ đội hành quân qua địa phận Thuận Châu đều dựng kho chứa thóc, gạo của nhân dân các dân tộc đóng góp cho chiến dịch. Ngày đó, còn trai trẻ nên cụ tự nguyện giúp bộ đội vừa cân đong gạo thóc, vừa làm phiên dịch, ghi tên, địa chỉ của những người đến đóng góp, rồi trông kho, xóa dấu vết xe cộ chở vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch. Ban ngày thì cắm cành cây xanh ngụy trang, tối đến lại thu dọn cho ô-tô đi. Sáng kiến của cụ là dùng ống tre chôn dọc đường để cắm cây ngụy trang được áp dụng rộng rãi vì việc ngụy trang và thu dọn rất nhanh gọn, đỡ tốn công sức. Qua câu chuyện, được biết trong chiến dịch Điện Biên Phủ, gia đình cụ còn dùng ngựa tham gia vận chuyển nhiều chuyến hàng từ Vạn Yên (Phù Yên), Mường Chiến, Mường Trai (Mường La) về tận Mường Quai (tỉnh Lai Châu, nay là Điện Biên)..., trên đường đi, nguy hiểm nhất là qua đèo Chẹn và ngã ba Cò Nòi. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ tham gia vận chuyển lương thực sang nước bạn Lào, làm dân công mở đường trên Sìn Hồ (Lai Châu).

Với những đóng góp đó, năm 1959, cụ được xã chọn cử đi dự mít-tinh đón Bác. Mừng quá, nên cụ gói cơm lên xã Tông Lạnh ngay từ tối hôm trước. Hôm sau, chỉ mới 5 giờ sáng mà cả sân vận động đã chật kín người, vì ai nấy đều đã phong thanh tin Bác về thăm. Và rồi giây phút mong đợi đã đến, cả biển người bỗng ào lên: Bác Hồ đã đến! Bác Hồ đã đến!. Khi Bác Hồ và Đoàn đại biểu Trung ương tiến vào lễ đài, thì tiếng hô “Pú Hồ xen pi” (Bác Hồ muôn năm) càng vang lên không ngớt. Bác Hồ thân mật giơ tay vẫy chào đồng bào. Một lúc sau Người ra hiệu im lặng, cả rừng người bỗng im phăng phắc, ai nấy đều nghe rõ từng lời nói của Bác. Nét mặt hiền từ, giọng nói ấm áp, Người căn dặn: “...đồng bào, bộ đội và cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để giành lấy một thắng lợi to hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui”...

Trở về nhà sau sự kiện trọng đại đó, cụ Tun khắc sâu trong tâm trí từng lời dạy của Người, vì biết chữ nên cụ tình nguyện tham gia dạy xóa mù chữ cho bà con ở lớp bình dân học vụ tại xã Chiềng Pấc, rồi làm giáo viên bổ túc văn hóa. Đến năm 1978, thực hiện hợp nhất HTX, được bà con bầu làm đội phó HTX, cụ liền tập hợp những thanh niên khỏe mạnh, khai mở những bãi đất trống để làm ruộng. Nhờ thế mà diện tích lúa nước của xã ngày càng mở rộng. Năm sau, tách HTX, cụ được bầu làm chủ nhiệm HTX Dân Chủ cho đến năm 1991 mới chuyển sang làm Chủ tịch Hội Nông dân xã và năm 1996 thì về nghỉ hưu. Ở cương vị nào, cụ cũng luôn gương mẫu, tích cực tham gia vào mọi hoạt động, phong trào của bản, của xã, luôn tìm tòi đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, phù hợp địa phương vào sản xuất, chăn nuôi. Các thành viên gia đình cụ hiện đang thâm canh 2.000 m2 ruộng lúa, 120 gốc xoài, trồng nhiều cà phê, sa nhân, nuôi 5 con bò..., thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.

Với những công lao đóng góp, cụ vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”; Huy chương “Vì sự nghiệp giai cấp nông dân Việt Nam” và nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp tặng thưởng.

(ghi theo lời kể của nhân vật)

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới