Cách đây gần 59 năm, ngày 7/5/1959, Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại huyện Thuận Châu. Tại đây, Bác đã dành nhiều tình cảm, động viên dặn dò đồng bào nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Thời gian trôi qua, những lời căn dặn của Bác Hồ vẫn in đậm trong trái tim mỗi người dân nơi đây, là “kim chỉ nam” đưa đường, dẫn lối để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thuận Châu.
Đúng ngày 1 tháng 1 năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu vinh dự được đón đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; cùng các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, một số bộ, ban, ngành của Trung ương; các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến dự các hoạt động nhân dịp hoàn thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện. Đồng chí Tòng Thị Phóng và các vị đại biểu đã thành kính dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ và trồng cây lưu niệm tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại khu vực sân vận động huyện Thuận Châu, nơi cách đây 59 năm, Bác Hồ cùng Đoàn công tác của Chính phủ lên thăm đồng bào Tây Bắc. Công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên khuôn viên rộng gần 1.800 m2 gồm: nhà tưởng niệm; nhà tả vu, hữu vu và các hạng mục phụ trợ. Việc xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp ứng lòng mong mỏi, niềm kính yêu vô hạn của nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung, huyện Thuận Châu nói riêng đối với Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc.
Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu đồng chí Tòng Thị Phóng đã nhắc lại lời Bác ân cần thăm hỏi, khen ngợi đồng bào, bộ đội đoàn kết, góp phần giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Với tấm lòng yêu thương đối với đồng bào các dân tộc, Bác mong muốn đồng bào, bộ đội và cán bộ càng phải cùng nhau đoàn kết, phấn đấu giành thắng lợi to lớn hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người được hạnh phúc, yên vui... Đồng chí khẳng định, những lời Bác căn dặn cán bộ, đồng bào các dân tộc từ năm 1959 ấy còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn, khẳng định Đảng, Nhà nước, Bác Hồ đặc biệt quan tâm công tác dân tộc. Bác Hồ đã để lại muôn vàn tình yêu thương trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng. Đồng chí Tòng Thị Phóng tin tưởng rằng, nhớ lời Bác Hồ dặn, đồng bào các dân tộc Sơn La sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, anh hùng, phấn đấu xây dựng quê hương Sơn La bình yên, giàu đẹp, văn minh.
Hòa trong dòng người về tham dự các hoạt động nhân dịp hoàn thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Lường Văn Trọng, hơn 70 tuổi, ở bản Pán, xã Chiềng Ly, người vinh dự được gặp Bác Hồ năm đó, bồi hồi nhớ lại: Khi đó, tôi mới 14 tuổi, học lớp 4; đến bây giờ cảm xúc khi được nhìn thấy Bác bằng da, bằng thịt vẫn còn in đậm trong trái tim. Sáng mùng 7/5/1959, tôi có mặt ở sân vận động từ rất sớm. Khi đó, chưa ai biết được đón Bác Hồ, chỉ biết là có phái đoàn Trung ương lên. Khi phái đoàn xuất hiện, thấy mọi người hô vang “Pú Hồ, Pú Hồ xen pi; Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Tuy thời gian Bác ở thăm, nói chuyện với đồng bào không lâu, nhưng những lời dặn dò của Bác, đồng bào các dân tộc nơi đây luôn khắc ghi và truyền lại cho các thế hệ con cháu. Bởi vậy, việc xây dựng nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh là nguyện vọng thiết tha của toàn thể bà con nơi đây. Ai cũng vui mừng, phấn khởi.
Mô hình trồng cây ăn quả của người dân xã Phổng Lái (Thuận Châu).
Chào mừng hoàn thành nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với màn múa hát “Sơn La đón Bác Hồ về”, lời thơ của đồng chí Tòng Thị Phóng, do nhạc sĩ Hồ Hữu Thới phổ nhạc, với những lời ca giàu cảm xúc, rộn ràng với nhịp trống chiêng vang vọng núi rừng, mang đậm bản sắc vùng Tây Bắc. Tất cả tay trong tay trong vòng xòe đoàn kết, thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sơn La luôn đoàn kết thực hiện tốt những lời Bác dặn.
Thực hiện lời dạy của Bác, trải qua nhiều thế hệ nối tiếp, Đảng bộ, chính quyền huyện Thuận Châu luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình kinh tế, hình thành các vùng cây công nghiệp. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giải quyết hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Nổi bật trong năm 2017, kinh tế của huyện giữ được tốc độ tăng trưởng khá và chuyển dịch theo hướng tích cực; các lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tiếp tục được duy trì và phát triển; tổng giá trị sản xuất toàn huyện năm 2017 ước đạt hơn 1.548 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, là việc triển khai thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả thấp sang cây ăn quả chất lượng cao. Huyện đã hỗ trợ ghép mắt cải tạo vườn tạp cho 2.450 hộ tại 22 xã, thị trấn với 9.315 cây nhãn, xoài, nâng tổng diện tích cây ăn quả trồng mới năm 2017 hơn 1.000 ha. Thực hiện thí điểm thành công trồng cây chanh leo với diện tích 53,6 ha tại 8 xã: Chiềng Ly, Phổng Lái, Chiềng Bôm, Phổng Lập, Bon Phặng, Muổi Nọi, Chiềng Pha, Mường É với 122 hộ tham gia, bước đầu đã mang thu nhập đáng kể cho nông dân. Huyện Thuận Châu tiếp tục phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc tổ chức rà soát địa điểm và cho các hộ dân đăng ký trồng mới cây chanh leo vụ cuối năm 2017 với tổng diện tích 47 ha và trồng mới năm 2018 với diện tích khoảng 200 ha. Tại các xã vùng cao, hiện nay, diện tích cây sơn tra đã được quy hoạch, giao cho các hộ khoanh nuôi bảo vệ. Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn bà con cách trồng, chăm bón cây sơn tra đúng kỹ thuật. Toàn huyện hiện có hơn 4.178 ha cây sơn tra, trong đó, diện tích đã cho thu hoạch khoảng 500 ha, năng suất bình quân 4 tấn/ha, sản lượng ước đạt 2.000 tấn, đã mang lại mùa xuân no ấm cho người dân vùng cao. Cùng với đó, Thuận Châu còn khai thác tốt diện tích lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển nuôi cá lồng bè, đến nay, toàn huyện có 399 lồng nuôi thủy sản, tăng 5,7 lần so với cùng kỳ năm 2016. Triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 4 sản phẩm nông sản chủ lực của huyện như: Cá sông Đà, Táo Sơn Tra Sơn La. Chè Phổng Lái, Khoai sọ Thuận Châu.
Thị trấn Thuận Châu hôm nay.
Xác định doanh nghiệp, hợp tác xã là một trong những thành phần kinh tế chủ lực, tiên phong góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại địa phương. Thuận Châu luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, HTX phát triển, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, HTX. Trong năm 2017, đã thành lập mới 15 hợp tác xã, 1 doanh nghiệp; trên địa bàn huyện hiện có 76 doanh nghiệp, 31 hợp tác xã, trong đó có 7 doanh nghiệp và 26 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Theo đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp, HTX đóng trên địa bàn đã có bước phát triển nhanh về cả số lượng và chất lượng, cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động ngày càng phong phú. Nhờ vậy, tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp, HTX vào ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện luôn chiếm tỷ lệ cao, hằng năm đóng góp khoảng 40% vào tổng thu ngân sách của huyện. Đồng thời, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Huyện đã tổ chức tuyên truyền, vận động thành lập Chi hội doanh nghiệp huyện Thuận Châu với 41 thành viên là những doanh nghiệp, HTX tiêu biểu của huyện.
Một mùa xuân mới lại về, những thành quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thuận Châu là những bó hoa tươi thắm dâng lên Bác Hồ kính yêu, nguyện một lòng tiếp tục thực hiện tốt lời Bác Hồ căn dặn, đoàn kết một lòng xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc, xứng đáng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!