Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng phụ nữ Việt Nam “Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Nêu cao trách nhiệm, phụ nữ các dân tộc tỉnh Sơn La luôn thực hiện tốt lời dạy của Bác, phấn đấu xứng đáng với lời khen của Bác, góp phần xây dựng quê hương Sơn La, đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh và trường tồn.
Hội viên Chi hội phụ nữ bản Pán, xã Chiềng Ly (Thuận Châu) giữ nghề truyền thống.
Ảnh: P.V
Ngày 7 tháng 5 năm 1959, nhân kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 4 năm ngày thành lập khu tự trị Thái - Mèo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn của Đảng và Chính phủ lên thăm Tây Bắc. Đồng bào Sơn La được vinh dự tổ chức mít - tinh đón Bác tại Thuận Châu. Được tin Bác lên thăm, phụ nữ các dân tộc Sơn La từ những bản xa xôi cũng vượt suối, trèo đèo mang quà đi đón Bác.
Ghi nhớ và thực hiện lời căn dặn: “Đồng bào, bộ đội và cán bộ toàn Khu ta cần ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm, đưa Khu tự trị tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, làm cho đời sống ngày càng no ấm và vui tươi hơn nữa” của Bác, phụ nữ các dân tộc Sơn La đã quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, tích cực tham gia hoàn thành tốt cuộc vận động xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất và kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Cùng với những việc làm đó, chị em đã hăng hái tham gia cuộc vận động “Ba đảm nhiệm” (sau đổi thành Ba đảm đang) do Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.
Thời kỳ này, toàn tỉnh đã có hơn 1.500 chị tham gia dân quân tự vệ, lực lượng lao động nữ tham gia sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu ngày càng đông. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, chị em không sợ hy sinh gian khổ, bám đồng ruộng để sản xuất. Địch đánh phá ban ngày, chị em tranh thủ làm đêm. Hàng ngàn chị em các dân tộc đã ra đồng học cày, bừa, đảm nhiệm phần việc của nam giới đi chiến đấu. Mặc dù chiến tranh ác liệt, nhưng chị em phụ nữ ngày càng tham gia đông đảo trong các ngành kinh tế, khoa học kỹ thuật, nghiên cứu tổng hợp. Nhiều xí nghiệp, bệnh viện, trường học, cửa hàng, phụ nữ chiếm từ 80-90%, song vẫn đảm bảo công tác tốt.
Trong phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu, hàng nghìn phụ nữ từ già đến trẻ đã dũng cảm tham gia cứu thương, tải đạn, tiếp tế, làm đường, kéo pháo lên trận địa, đào công sự, trực tiếp tham gia bắn máy bay địch, bắt biệt kích, gián điệp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, toàn tỉnh đã có một chị được tặng danh hiệu Anh hùng lao động, hơn 30.000 chị được công nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và “Chiến sĩ quyết thắng”, 510 chị được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, đặc biệt có 43 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Sau đại thắng mùa Xuân 1975, cả nước cùng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, phụ nữ Sơn La đã giành được những kết quả to lớn, đóng góp đáng kể vào sự thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng người phụ nữ Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tiến bộ, lao động có hiệu quả để ổn định đời sống, biết làm giàu hợp pháp, xây dựng gia đình bình đẳng, hòa thuận. Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên, phụ nữ về cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; gắn 4 phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam với việc đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhiều mô hình CLB “Rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” được thành lập và hoạt động hiệu quả, thu hút hàng trăm hội viên phụ nữ tham gia như huyện Mường La, huyện Quỳnh Nhai...
Cùng với đó, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã phát động, triển khai nhiều phong trào thi đua thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, gắn với lợi ích của các chi hội phụ nữ, như phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”; tham gia triển khai tích cực, hiệu quả việc thực hiện các chủ trương mới của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cải tạo vườn tạp, trồng cây phân tán, trồng cây ăn quả trên đất dốc, gắn với việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới; thành lập các mô hình sản xuất phát triển kinh tế trên địa bàn của tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 866 mô hình phát triển kinh tế như mô hình: nuôi dê sinh sản; nuôi bò sinh sản, nuôi cá nước ngọt, nuôi gà lai ri.....; phối hợp thành lập các tổ liên kết, các hợp tác xã, toàn tỉnh có hơn 70 HTX; hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội đã nỗ lực triển khai Khâu đột phá về “xoá đói, giảm nghèo cho phụ nữ” và đã đạt kết quả tích cực; chỉ trong 5 năm (2014-2018) tập trung mở được 1.844 lớp với 80.732 học viên được tham gia lớp tập huấn về nghiệp vụ vay vốn; phối hợp mở 366 lớp dạy nghề cho 17.370 chị. Ngoài ra để giúp các hộ phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống, hội viên phụ nữ trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tuyên truyền vận động, hỗ trợ giúp đỡ được 76.503 ngày công, 172.388 con, cây giống các loại. Các cấp Hội vận động hội viên tham gia quyên góp, ủng hộ sửa chữa “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo; từ năm 2004 đến năm 2018 đã hỗ rợ xây dựng được 230 nhà “Mái ấm tình thương” trị giá hơn 3 tỷ đồng; phối hợp xây dựng được hơn 4.000 nhà “Đại đoàn kết”. Phối hợp với ngành khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, duy trì các câu lạc bộ “phụ nữ với công tác khuyến nông”, mô hình nuôi cá lồng, phát triển mới mô hình “tổ phụ nữ tự tin phát triển kinh tế”...kết quả toàn tỉnh đã tổ chức được 869 lớp với 43.448 học viên tham gia.
Thực hiện lời dạy của Bác, phong trào phụ nữ Sơn La đã trưởng thành nhanh chóng, toàn tỉnh từ chỗ chưa có tổ chức Hội, sau 60 năm thành lập đến nay đã có 204 tổ chức cơ sở hội, 3186 chi tổ hội; 154.894 hội viên, trong đó nữ công nhân viên chức là 23.000 hội viên, không có bản trắng chưa có tổ chức Hội. Từ chỗ chị em phụ nữ đa số chưa biết chữ, đến nay, hưởng ứng phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, “giỏi việc trường, đảm việc nhà”, với tỷ lệ 68,76% đội ngũ giáo viên nữ đã đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Tỷ lệ giảng viên nữ có trình độ cao ngày càng tăng, toàn tỉnh có 320 chị có trình độ thạc sỹ, 28 chị có trình độ tiến sỹ, Phó Giáo sư; 23 chị được cấp bằng lao động sáng tạo, 14 chị là nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sỹ ưu tú; hàng ngàn chị có trình độ đại học, cao đẳng. Nhiều chị đã được giao giữ trọng trách trên các lĩnh vực khác nhau đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, mặc dù Sơn La đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhưng phụ nữ các dân tộc Sơn La quyết tâm làm theo lời Bác Hồ dạy, luôn đồng lòng nêu cao truyền thống phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện có hiệu quả 02 cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và rèn luyện 4 phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội mà Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã đề ra; chung sức, chung lòng phấn đấu vươn lên về mọi mặt để phát huy và khai thác các thế mạnh về kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Sớm xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc”, đáp ứng với lòng mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng bào các dân tộc Tây Bắc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Vi Thị Bình (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!