Bà Bế Thanh Súy, hiện đang sống tại thành phố Lạng Sơn, luôn thấy mình may mắn, vô cùng vinh dự, tự hào vì trong cuộc đời đã ba lần được gặp Bác Hồ.
Bà Bế Thanh Súy (người thứ hai từ trái sang) kể về kỷ niệm được gặp Bác Hồ năm 1959 tại huyện Thuận Châu.
Ký ức không thể nào quên
Chúng tôi gặp bà Bế Thanh Súy tại cuộc gặp mặt tọa đàm nhân chứng gặp Bác Hồ lên Sơn La năm 1959. Bà Súy trông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 73 của mình. Cầm trên tay bức ảnh được chụp cùng Bác Hồ tại Thuận Châu 60 năm về trước, bà Súy xúc động kể về 3 lần được gặp Bác Hồ với chất giọng trầm ấm. Theo bà, đó không thuần túy là một sự may mắn tình cờ, mà còn là cơ duyên đưa cuộc đời bà đến với con đường nghệ thuật sau này. Sau một hồi trầm ngâm, bà kể: Ngày 7/5/1959, khi đó tôi mới 13 tuổi, học lớp 4 tại Trường vùng cao Thuận Châu, vẫn đến lớp như mọi ngày, nhưng hôm ấy cô giáo cho nghỉ học, bảo tôi và mấy bạn trong lớp “Hôm nay các em không học mà đi tặng hoa cán bộ!”, còn tặng ai thì chính cô giáo cũng không biết. Rồi cô giáo đưa chúng tôi vào đơn vị bộ đội đóng quân gần nhà trường để xin hoa; ngày đó, các chú bộ đội trồng nhiều hoa lắm, nhưng nhiều nhất là hoa cúc, hoa thược dược. Sau khi chọn những bông hoa đẹp nhất, cô giáo lấy những tờ báo gói lại cẩn thận, rồi đưa cho mỗi đứa một bó, riêng tôi được cô cho ôm bó hoa to nhất, đẹp nhất. Sau đó, tất cả chúng tôi theo cô giáo đi ra sân vận động Thuận Châu. Tới nơi, chúng tôi thấy cả sân vận động rực rỡ cờ hoa, có rất đông người, đủ các sắc phục, ai nấy đều tươi cười. Bỗng dưng cả đám đông ào lên khi có một một đoàn cán bộ bước lên khán đài. Bất giác, tất cả mọi người trên sân vận động cùng reo vang: Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm! Tôi nhớ, lúc đó rất nhiều người đã khóc vì không kìm nén được niềm vui sướng được gặp Bác Hồ. Theo hướng dẫn của cô giáo, tôi và các bạn mang hoa lên tặng đoàn cán bộ. May mắn hơn, tôi được ôm bó hoa tặng cho Người. Khi nhận bó hoa, Bác cúi xuống cầm tay tôi, Người hỏi: Cháu dân tộc gì? Thưa Bác, cháu dân tộc Thái ạ! Cháu thích múa, hát không? Thưa Bác có ạ! Rồi Bác nói với các bạn nhỏ: Tây Bắc giải phóng rồi, các cháu, các bạn sẽ được học hành, được múa hát. Đám đông lại ồ lên. Tiếng hô: Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm! vang vang khắp sân vận động...
Khắc ghi lời Bác dặn
Chính những lời động viên, khích lệ của Bác khiến bà Súy quyết tâm đi theo con đường nghệ thuật. Cuối năm đó, bà được tuyển chọn vào học khóa đầu tiên của Trường Múa Việt Nam. Thời điểm này, nhà trường chỉ có hai hệ đào tạo: Hệ 4 năm và 7 năm. Vì nhỏ tuổi nên bà Súy được theo học hệ 7 năm. Suốt trong những năm tháng học tập, bà luôn khắc ghi những kỷ niệm đẹp được gặp Bác, được tiếp thêm nghị lực khi luyện tập những điệu múa khó, chịu đựng những đau đớn, mệt mỏi mà người diễn viên múa phải khổ luyện. Nhờ đó, bà Súy luôn là một trong những học sinh khá của trường. Và, bà càng không ngờ những năm tháng học tập ở đây, bà còn được gặp Bác Hồ kính yêu thêm hai lần nữa.
Bà xúc động kể tiếp: Đó là năm 1962. Vào cuối một buổi học, thầy giáo Hiệu trưởng thân chinh xuống thăm lớp học, kèm với thông báo cả lớp tối nay sẽ đi biểu diễn văn nghệ, phục vụ đoàn khách đặc biệt. Khi vừa hóa trang xong thì thấy mấy chiếc xe vào tận trường đón. Xe chạy qua nhiều phố rồi dừng lại trước một tòa nhà lớn, chúng tôi không hề biết đó là nơi nào? Thầy Hiệu trưởng cũng không nói. Khi mọi người vào đến nơi, thì tôi thấy Bác Hồ đã ở đó, tươi cười đón chúng tôi. Lúc này tôi mới biết mình và các bạn được biểu diễn cho Bác và đoàn đại biểu xem. Xúc động, hồi hộp lắm, nhưng tôi tự nhủ phải múa cho thật đẹp để Bác xem. Tôi còn nhớ, trước lúc chúng tôi diễn, Bác Hồ còn ân cần và trìu mến dặn dò: “Sàn nhà rất trơn, các cháu múa, hát phải cẩn thận, kẻo ngã!”. Kết thúc buổi diễn, tôi và các bạn còn được Bác chia quà. Chúng tôi ra về nhưng trong lòng vô cùng sung sướng bởi sự quan tâm hết sức đặc biệt mà Bác dành cho.
Kể đến đây, bà Súy rơm rớm nước mắt. Ngừng một lúc để trấn tĩnh, bà tiếp tục kể về lần thứ ba được gặp Bác Hồ: Mấy tháng sau, thầy giáo Hiệu trưởng lại xuống lớp của tôi và bảo tôi được đại diện cho thiếu nhi dân tộc miền núi đi công việc, lần này không phải mặc trang phục biểu diễn, mà mặc bộ váy áo truyền thống dân tộc Thái. Xe ô-tô cũng vào tận nhà trường đón. Đến nơi, tôi thấy có sáu bạn cùng tầm tuổi như tôi đã ngồi đó. Ít phút sau, tôi hết sức ngỡ ngàng khi thấy Bác Hồ xuất hiện, Người nói với chúng tôi: “Hôm nay các cháu đại diện cho thiếu nhi các dân tộc Việt Nam, giúp bác tiếp khách là các bạn thiếu nhi Cuba. Các cháu phải chủ động và thể hiện sự thân thiện, hiếu khách của chủ nhà đấy nhé!”. Rồi Bác lần lượt hỏi thăm từng bạn tên là gì? bao nhiêu tuổi? dân tộc nào? Khi Bác đến gần, tôi xúc động quá, lấy hết can đảm mới cất lên lời: “Thưa Bác, Bác còn nhớ cháu không ạ? Thật bất ngờ, Bác dừng lại một lát rồi nói: “Bác nhớ rồi, cháu tặng hoa bác khi bác lên Tây Bắc đúng không?". Rồi Bác dặn thêm: “Sau này ra trường phải về xây dựng quê hương, về dạy các bạn nhỏ những điệu múa đẹp”. Những lời dạy trìu mến, ân cần của Bác khiến tôi vô cùng xúc động và luôn khắc ghi trong lòng, Bác bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn nhớ cô học trò nhỏ tặng hoa cách đây 3 năm, vậy mình phải sống, cống hiến sao cho xứng đáng!
Sau khi tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam, bà Súy trở về Tây Bắc làm giảng viên Trường Nghệ thuật Tây Bắc, rồi lấy chồng. Chồng bà, một kỹ sư nông lâm gắn bó với xứ Lạng, cũng là người rất yêu văn hóa, văn nghệ. Theo chồng, bà trở về Lạng Sơn và công tác tại Đoàn Văn công Lạng Sơn cho đến khi nghỉ hưu. Suốt những năm tháng cuộc đời, đã có biết bao thay đổi, thăng trầm, nhưng những cử chỉ, lời nói, dặn dò của Bác luôn tiếp thêm nghị lực để bà vươn lên trong cuộc sống. 60 năm trôi qua, từ một cô học trò nhỏ đội khăn piêu ngày nào tặng hoa Bác Hồ, giờ đã là bà nội, bà ngoại, tóc bạc, da mồi, nhưng những kỷ niệm về ba lần được gặp Bác Hồ thì vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Mỗi lần về với Tây Bắc - Sơn La, nhìn bức ảnh Bác giơ tay chào, đứng cạnh là cô bé mặc trang phục dân tộc Thái thì bao nhiêu cảm xúc, kỷ niệm thiêng liêng lại ùa về, nhắc nhở bà sống và làm việc thật tốt, xứng đáng với lời Bác dạy năm xưa.
Việt Anh
(Ghi theo lời kể của nhân vật)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!