Người chiến sỹ vinh dự được tham gia bảo vệ Bác

Những ngày này, nhân dân các dân tộc tỉnh ta đang hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La (7/5/1959-7/5/2019), chúng tôi may mắn được trò chuyện với ông Thái Hữu Hoành, tổ 11, phường Quyết Thắng (Thành phố), là một trong 15 học viên ưu tú của Trường Hạ sỹ quan quân khu Tây Bắc năm xưa, được vinh dự giao nhiệm vụ bảo vệ Bác và Đoàn công tác của Trung ương.

 

Ông Thái Hữu Hoành ôn lại kỷ niệm những năm tháng trong quân ngũ.

Chậm rãi rót chén nước mời khách, ông kể về lần được gặp Bác với giọng đầy tự hào: Tháng 5/1959, khi tôi đang học tại Trường Hạ sỹ quan quân khu Tây Bắc thì được Ban Giám hiệu nhà trường triệu tập cùng với 15 học viên khác trong trường giao nhiệm vụ bảo vệ Đoàn công tác của Trung ương. Khi được giao nhiệm vụ, tôi và đồng đội chỉ được biết là bảo vệ Đoàn công tác Trung ương chứ chưa biết là trong Đoàn có Bác. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tôi và đồng đội nhanh chóng nhận quân tư trang, rồi lên 2 chiếc xe u-oát xuất phát từ đội 8 Mộc Châu (đoạn Ngã 3 Chiềng Đi) lên Thuận Châu. Cách thị trấn Thuận Châu 1 km thì xe dừng lại, Trung đội trưởng tập hợp chúng tôi lại và giới thiệu một cán bộ của Sư đoàn bảo vệ mang quân hàm Đại úy, tới giao nhiệm vụ cụ thể cho chúng tôi, đó là bảo vệ Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương lên nói chuyện với quân và dân Khu tự trị tại Thuận Châu. Từ giây phút biết sắp được gặp Bác, ai nấy đều hồi hộp, háo hức. Sáng hôm sau, di chuyển đến khu vực sân vận động huyện Thuận Châu, tôi và 5 đồng chí khác được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng trong gần khu vực khán đài nơi Bác sẽ đứng nói chuyện, các đồng chí còn lại bảo vệ vòng ngoài. Tôi nhớ hôm đó, đông đảo bà con các dân tộc với những bộ trang phục truyền thống thật đẹp đã có mặt rất sớm ở sân vận động, tay cầm cờ hoa rực rỡ, nét mặt ai cũng tươi vui, phấn khởi, hồi hộp chờ đợi... Trống ngực tôi cũng đập thình thịch, háo hức chờ Bác và Đoàn công tác đến. Bỗng tiếng vỗ tay rầm rầm, rồi tất cả nhân dân có mặt lúc đó cùng đồng thanh hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm”... Khi Bác Hồ bắt đầu nói chuyện với đồng bào dự mít tinh thì cả sân vận động im phăng phắc, lắng nghe từng lời nói của Người. Vừa phải tập trung làm nhiệm vụ, tôi vừa cố gắng lắng nghe từng lời của Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu. Tôi nhớ như in lời Bác khen: “Đảng, Chính phủ và Bác biểu dương khen ngợi nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã giúp Đảng, Chính phủ giành chiến thắng Điện Biên Phủ...”  Bác khen ngợi tinh thần đoàn kết, quyết tâm kháng chiến, hăng hái thi đua lao động sản xuất của đồng bào, bộ đội và cán bộ. Bác còn căn dặn nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu phải tiếp tục thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm lo việc học hành của con trẻ.

Sau khi Bác nói chuyện với nhân dân các dân tộc tại huyện Thuận Châu, chúng tôi được lệnh tiếp tục lên xe bảo vệ Bác đến thăm Sư đoàn 335 tại cao nguyên Mộc Châu. Do phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Bác và Đoàn công tác nên mọi người nhanh chóng lên 7 chiếc xe chuyên dụng. Đoàn xe vừa dừng trong sân của Sư đoàn 335, chúng tôi đã thấy Bác mặc bộ ka ki, nhanh nhẹn xuống xe, tiến đến khu vực nhà chỉ huy của Sư đoàn vẫy tay chào các cán bộ, chiến sỹ. Bác tươi cười, trìu mến, ân cần hỏi thăm cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn. Vị Cha già dân tộc đã để lại những tình cảm thiêng liêng, lời dạy bảo ân cần và tấm lòng yêu thương vô bờ bến đối với cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Chia tay cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 355, tôi và các chiến sỹ khác tiếp tục được bảo vệ Bác và Đoàn công tác đến thăm nông trường Mộc Châu. Lúc này, tôi được đứng ở vị trí gần Bác nhất, được thấy rõ từng lời nói, cử chỉ của Bác. Bác và đoàn công tác xuống xe đi bộ đến khu vực hội trường của nông trường để thăm và nói chuyện với công nhân nông trường. Chúng tôi đứng bên ngoài hội trường bảo vệ Bác và Đoàn công tác. Rồi Bác và Đoàn công tác lên xe về Thủ đô, cũng là lúc chúng tôi kết thúc nhiệm vụ. Tôi cùng đồng đội lên xe về đơn vị, mang trong mình những cảm xúc đặc biệt, hình ảnh Bác, giọng nói đậm chất xứ Nghệ của Bác vẫn còn in đậm trong tâm khảm tôi từ đó đến tận bây giờ. Sau khi trở về đơn vị, tôi đã truyền đạt lời Bác động viên, căn dặn đến toàn thể anh em chiến sỹ và bản thân quyết tâm không ngừng, rèn luyện, anh dũng chiến đấu trên mọi mặt trận để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

60 năm trôi qua, khắc ghi lời Bác dạy, dù thực hiện nhiệm vụ trên cương vị nào, ông Thái Hữu Hoành cũng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông phục vụ trong Quân đội đến năm 1987 mới về nghỉ chế độ khi đang giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ba năm thanh niên xung phong, 29 năm quân ngũ, với các cương vị khác nhau, ông Hoành đã trực tiếp tham gia 6 chiến dịch, cùng hàng loạt trận đánh bảo vệ quê hương, giải phóng các bộ tộc Lào. Phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, trở về đời thường, ông đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp tư nhân Duy Liêm chuyên về lĩnh vực xây dựng, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Năm 2014, ông được vinh danh Doanh nghiệp - Doanh nhân xuất sắc 3 miền. Ngoài ra, sau khi về nghỉ chế độ hưu trí ông còn tham gia công tác ở địa phương như: Bí thư chi bộ, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường, Phó Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong tỉnh, sau này là Trưởng Ban mặt trận, Chủ tịch Hội người cao tuổi tổ dân phố... Ông luôn giáo dục con cháu phát huy truyền thống cách mạng, ra sức học tập, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước.

Với những đóng góp, cống hiến, ông Thái Hữu Hoành đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý; được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp ngành, địa phương. Được vinh danh người công dân kiểu mẫu tỉnh Sơn La; người có công tiêu biểu toàn quốc; được tặng Biểu tượng Vàng Trọn nghĩa nước non - Trọn tình đồng đội...

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng trong hệ thống ngân hàng

    Thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng trong hệ thống ngân hàng

    Kinh tế -
    Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8% trở lên, hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Sơn La tập trung tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất, tiêu dùng, góp phần vào chỉ tiêu phấn đấu của tỉnh.
  • 'Sức sống mới bên dòng Đà Giang

    Sức sống mới bên dòng Đà Giang

    Xã hội -
    Nhường đất cho công trình thủy điện Sơn La, vùng quê tái định cư Chiềng Lao, huyện Mường La hôm nay đang chuyển mình, với cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, nông dân biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất gắn với thế mạnh địa phương, xây dựng thương hiệu và liên kết thành lập các HTX đa ngành nghề, đưa Chiềng Lao vươn lên.
  • 'Sông Mã chăm sóc xoài xuất khẩu

    Sông Mã chăm sóc xoài xuất khẩu

    Kinh tế -
    Cây xoài tượng da xanh đã bén rễ, gắn bó với người dân huyện Sông Mã từ nhiều năm nay. Sản phẩm được bán trên thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân. Thời điểm này, các hộ đang tập trung chăm sóc để có mùa quả bội thu.
  • 'Vân Hồ phòng bệnh cho đàn gia súc

    Vân Hồ phòng bệnh cho đàn gia súc

    Kinh tế -
    Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc ở Vân Hồ diễn biến phức tạp. Huyện đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chuyên môn và các địa phương chủ động, làm tốt việc phòng, chống dịch bệnh, nhất là đẩy mạnh tiêm vắc xin cho đàn gia súc.
  • 'Nâng cao năng lực dự báo trong phòng, chống thiên tai

    Nâng cao năng lực dự báo trong phòng, chống thiên tai

    Xã hội -
    Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai là cơ sở quan trọng, giúp chủ động các biện pháp ứng phó, giảm thiệt hại về tài sản, bảo đảm an toàn nhân dân. Những năm gần đây, dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả, góp phần giảm thiểu hậu quả do thiên tai gây ra.
  • 'Giữ rừng dựa vào cộng đồng

    Giữ rừng dựa vào cộng đồng

    Xã hội -
    Bảo vệ “lá phổi xanh”, thị xã Mộc Châu đã thành lập 144 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở các tổ, bản với 2.880 người tham gia. Phát huy sức mạnh của tập thể, cộng đồng, bảo vệ, phát triển rừng và tạo sinh kế, tăng thu nhập từ rừng.