Năng động, sáng tạo biến đồi hoang thành vườn cây ăn quả

Ông Nguyễn Như Biển, người nông dân ở bản Long Phú, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu) một trong những điển hình thực hiện Chỉ thị 05 về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bằng sự năng động, sáng tạo, cần cù trong lao động sản xuất, ông đã biến đồi hoang thành đồi cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Như Biển bao trái cho quả xoài.

Biến đồi hoang thành vùng trồng cây ăn quả

Gặp ông Biển đúng lúc ông vừa đi bao trái cho quả xoài về, áo ướt đẫm mồ hôi, ông chất phác: Xoài bây giờ cũng được “mặc áo” đấy nhà báo ạ! Khách hàng bây giờ không chỉ đòi hỏi chất lượng cao mà còn phải có mẫu mã đẹp nữa. Làm nông dân bây giờ cũng khác xưa nhiều lắm, phải có kiến thức, hiểu biết mới áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được. Pha nước chè mời khách, rồi ông kể chúng tôi nghe về duyên cớ gắn bó với mảnh đất Chiềng Hắc này. Năm 1977, ông theo bố mẹ rời quê hương xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) lên Chiềng Hắc để khai hoang, mở đất. Ngày đó, vùng đất này còn hoang sơ lắm, chủ yếu là đồi lau lách; vậy mà chỉ bằng những dụng cụ thô sơ, cả nhà ông cứ cần mẫn ngày lại ngày khai hoang hơn 10 ha để trồng lúa, ngô, sắn..., nhờ cần cù nên dần dần cũng có của ăn của để. Bước ngoặt đến vào năm 2013, nhận thấy trồng ngô, sắn, hoa màu cho thu nhập thấp, ông bàn bạc trong gia đình chuyển đổi dần sang trồng cây ăn quả. Hiện giờ, gia đình ông đã có 7 ha các loại cây ăn quả, như: bưởi Diễn, xoài Đài Loan (Trung Quốc), nhãn ghép, bơ, na, hồng giòn. Ông Biển đang nghiên cứu trồng 10 ha cây gáo vàng, một loại cây lấy gỗ cho giá trị kinh tế cao.

Để hiểu kỹ hơn mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, chúng tôi theo ông Biển lên đồi. Cây ăn quả của ông được phân chia khá khoa học theo từng loại cây khác nhau, theo đúng các chỉ dẫn tiếp thu được qua các lớp tập huấn và tự nghiên cứu tìm hiểu qua sách báo, đến tham quan các mô hình trồng cây ăn quả trong và ngoài tỉnh để học hỏi, lựa chọn cây giống phù hợp thổ nhưỡng. Theo ông, để thành công thì làm việc gì cũng phải đầu tư công sức, trí tuệ; trồng cây gì, nuôi con vật nào cũng phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc mới đạt hiệu quả. Tính đến năm 2018, từ 3 ha cây ăn quả, nhà ông thu hoạch 25 tấn xoài, 10 tấn bơ, 6 tấn na, 18 tấn bưởi và hồng giòn, tổng thu nhập từ tiền bán hoa quả được ngót 900 triệu đồng. Dự kiến, năm nay sản lượng quả còn tăng nhiều hơn.

Liên kết để phát triển bền vững

Từ hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả và để phát triển bền vững, tháng 3/2018, ông Biển và một số hộ trồng cây ăn quả trong bản quyết định thành lập HTX hoa quả Thành Đạt, ông trực tiếp làm Giám đốc. Vẫn phong cách giản dị, chân chất của người nông dân, ông chân thành: Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giữ uy tín đối với khách hàng, từng bước xây dựng thương hiệu cho HTX, ngoài sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, Ban Giám đốc HTX cùng nhau bàn bạc tìm hướng đi, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, lựa chọn các loại cây trồng thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường; đặc biệt chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

HTX hoa quả Thành Đạt hiện có 17 thành viên tham gia trồng 80 ha cây ăn quả các loại, trong đó 40 ha đã cho thu hoạch. HTX luôn sử dụng giống ghép có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng phân bón đúng cách, thực hiện nghiêm ngặt yêu cầu kỹ thuật, HTX hiện có 40 ha được cấp mã vùng trồng, 35 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2018, HTX thu hoạch khoảng 800 tấn quả các loại; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 30 tấn nhãn ghép, 25 tấn xoài. Năm 2019, dự kiến thu trên 1.000 tấn hoa quả các loại, HTX đang liên kết tìm thị trường để bán sản phẩm; chủ động đăng ký với huyện xuất khẩu 150 tấn quả các loại ra thị trường một số nước...

Dám nghĩ, dám làm, cộng với ý chí và nghị lực vươn lên, ông Nguyễn Như Biển đã phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, làm giàu cho gia đình và cộng đồng, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới