Mộc Châu làm theo lời Bác

Đếm nhịp thời gian, kể từ ngày 8/5/1959, Bác Hồ về thăm Mộc Châu đến nay vừa tròn 60 năm. Trong bài nói chuyện với cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu Bác căn dặn “...Thi đua tăng gia sản xuất..., làm thêm nhà trường cho con em có chỗ học...trong mọi công việc phải ra sức giúp đỡ đồng bào ở rẻo cao...”. Khắc ghi lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền huyện Mộc Châu luôn đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển mạnh kinh tế, xã hội và chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc.

Đồi chè của Công ty CP Chè Cờ Đỏ (Mộc Châu)

vừa cho sản phẩm chè búp, vừa thu hút nhiều khách du lịch tới thăm quan.

60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Mộc Châu đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, khai khẩn ruộng, nương, phát triển mạnh phong trào hợp tác xã nông nghiệp. Ngay từ những năm 1965, Mộc Châu đã có 126 hợp tác xã với 3.399 hộ tham gia. Thời bấy giờ đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như: Hợp tác xã bản A Má, xã Lóng Sập, lá cờ đầu của tỉnh và khu Tây Bắc về tổ đổi công và hợp tác hóa, được công nhận là một trong 7 hợp tác xã tiên tiến toàn miền Bắc.

Trong ngày về thăm cán bộ, chiến sỹ công nhân nông trường Mộc Châu, Bác tặng 16 chữ vàng: “Luôn luôn cố gắng, khắc phục khó khăn, tiến lên thật hăng; hoàn thành nhiệm vụ...”. Sau ngày Bác lên thăm, phong trào lao động sản xuất có những chuyển biến mạnh mẽ, cán bộ, chiến sỹ, công nhân nông trường ra sức cống hiến tâm trí và sức lực xây dựng Nông trường, những bãi hoang hóa đã dần biến thành đồng cỏ, nương chè, ruộng lúa bát ngát, từng bước làm cho mảnh đất cao nguyên biến đổi không ngừng, trở thành vùng thảo nguyên trù phú, giàu có, nhiều tiềm năng.

Lật lại trang sử vàng, trên thảo nguyên Châu Mộc những ngày đầu với nhiều gian khó, cả Nông trường mới đưa hơn 20 con bò sữa về nuôi, Bác Hồ đến thăm trang trại và căn dặn: “Các cô, các chú chăn nuôi bò là rất tốt, đã có con bò vắt được 7 lít sữa 1 ngày, nhưng khi xây dựng CNXH khá thì nhất định không phải là 7 lít, 27 lít hoặc hơn nữa”. Đến nay, huyện Mộc Châu đã có hơn 25.000 con bò sữa, sản lượng sữa hơn 42.500 tấn/năm, có những con bò cho sản lượng sữa 75,6 lít/ngày. Nhờ vậy, nghề chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu ngày càng phát triển, nhiều tỷ phú nông dân xuất hiện.

Từ những hạt giống chè Shan tuyết ban đầu, mồ hôi ướt đẫm vai áo, bàn tay chai sạn với mảnh đất vùng cao nguyên... cùng sự trăn trở, chắt chiu, nâng niu để hạt giống bén rễ xanh cây, đến nay cây chè đã phủ xanh gần 2.000 ha trên cao nguyên, cho năng suất gần 25 ngàn tấn mỗi năm. Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, Mộc Châu đã phát triển 889 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành lập 63 hợp tác xã kiểu mới, tập trung phát triển, nhân rộng các loại hoa chất lượng cao như hoa lan, hoa ly; các loại rau, quả ôn đới; hàng nghìn ha bơ, mận, chanh leo ngút ngàn cho những vụ mùa bội thu... làm nên một cao nguyên Mộc Châu trù phú. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được cấp bằng chỉ giới địa lý như: Chè Shan Tuyết, quả bơ; chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP cho quả chanh leo, xuất khẩu sang thị trường châu Âu, chứng nhận VietGAP cho rau an toàn, chè Ô Long đủ sức cạnh tranh, vươn ra thị trường quốc tế.

Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đưa Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và của vùng trung du miền núi Bắc Bộ đã mở ra cơ hội để Mộc Châu đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch, nhất là tập trung thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực từ vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước đầu tư phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Đến nay, 9 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn huyện với tổng mức đầu tư trên 11.000 tỷ đồng. Phát huy lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, nông nghiệp huyện đã xây dựng sản phẩm du lịch với các loại hình: Du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, thể thao; du lịch về nguồn lịch sử - văn hóa;  du lịch mạo hiểm; du lịch sinh thái; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện; du lịch nông nghiệp; du lịch trải nghiệm... Phong trào xây dựng nét đẹp văn hóa con người Mộc Châu, xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Thực hiện lời Bác dặn: “làm thêm nhà trường cho con em có chỗ học...”, từ chỗ toàn huyện có 172 lớp vỡ lòng, 13 lớp mẫu giáo, giáo dục bổ túc nông thôn với sự tham gia 1.631 người. Đến nay, 72 trường học các cấp học được mở tới tất cả các xã, thị trấn, huy động 99,9% trẻ trong độ tuổi đến trường, có 33 trường học đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có trường đã đạt chuẩn mức độ 2, mức độ 3.

Công tác an sinh xã hội được chú trọng, cả hệ thống chính trị vào cuộc đề ra các giải pháp giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo. Nhiều cách làm sáng tạo được vận dụng nên đến năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo của huyện Mộc Châu giảm còn 6,9%, giảm 1,97% so với năm 2017 và giảm 6,5% so với năm 2015. Bên cạnh đó, huyện còn vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ hàng chục tỷ đồng để chăm lo đời sống cho các hộ nghèo, từ năm 2001 đến nay toàn huyện làm được 1.053 nhà đại đoàn kết, chăm lo giúp đỡ hàng ngàn lượt người nghèo, giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai, bão lũ.

Từ trong gian khó của những năm tháng chiến tranh, mảnh đất hoang vu xưa kia nay đã thay da đổi thịt và vươn lên mạnh mẽ. Trong hành trình phát triển đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mộc Châu được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 4 tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ (huyện Mộc Châu, xã Mộc Hạ, tập thể dân quân du kích xã Tú Nang, Ban Công an xã Tân Lập) và 1 tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới (Công an huyện Mộc Châu); 6 tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 5 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay ở Nặm Giắt

    Đổi thay ở Nặm Giắt

    Kinh tế -
    Về bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, những ngày này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh của những đồi chè, vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. Nặm Giắt hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà đã biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
  • 'Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Xã hội -
    Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng, giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân ở nông thôn trên địa bàn.
  • 'Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Sơn La thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
  • 'Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Khoa Giáo -
    Trường THCS Ngọc Chiến, huyện Mường La, tập trung làm tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng III đặc biệt khó khăn.
  • 'Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Xã hội -
    Những năm qua, công tác khen thưởng của tỉnh không ngừng được đổi mới, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, coi trọng phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, góp phần động viên cổ vũ kịp thời phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực.