Luôn xứng với niềm vinh dự, tự hào

Thực hiện nhiệm vụ chuyến công tác tại huyện Mộc Châu lần này, chúng tôi tìm gặp ông Đặng Đức Vinh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Xí nghiệp Liên hợp Mộc Châu, người từng vinh dự gặp Bác Hồ khi Người về thăm Nông trường Mộc Châu năm 1959.

 

Ông Đặng Đức Vinh và bức ảnh chụp Bác Hồ cùng Đoàn công tác của Trung ương vào thăm Nông trường Mộc Châu ngày 8/5/1959.

Ông Vinh giờ đã 83 tuổi, sống cùng gia đình tại Tiểu khu 40, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Trò chuyện cùng ông, chúng tôi mới biết ông quê gốc Nam Định; cuối năm 1952, ông tham gia bộ đội và được biên chế ở Trung đoàn 280, thuộc Sư đoàn 335 chiến đấu trên chiến trường Lào. Năm 1954, theo Trung đoàn 280 trở về nước và ngày 8/4/1958, ông nhận chỉ thị của cấp trên tham gia thành lập Nông trường quân đội 280 tại Mộc Châu (Nông trường quốc doanh đầu tiên thành lập tại Sơn La). Ông công tác tại đây cho đến năm 1988 thì được nghỉ chế độ hưu trí.

Kể về những kỷ niệm ngày đầu thành lập Nông trường, ông Vinh rành rọt: Ngày đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đến Sư đoàn 335 huấn thị cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Đại tướng nhấn mạnh: “Đây là nơi chiến lược, có ngã ba Mộc Châu án ngữ, vừa có thế công và thế thủ. Vì vậy, việc thành lập nông trường là các đồng chí vừa làm kinh tế, nhưng cũng phải luôn sẵn sàng chiến đấu!”. Mộc Châu lúc đó chỉ toàn rừng núi cao, cây cối rậm rạp và lau lách. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị ở lại xây dựng Nông trường đến từ nhiều tỉnh, thành phố, như: Nam Định, Thái Bình, Hải Hưng, Nghệ an, Thanh Hóa...

Ông xúc động khi kể lại với chúng tôi lần được gặp Bác Hồ khi Người cùng Đoàn công tác của Trung ương đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và công nhân Nông trường quân đội 280 tại huyện Mộc Châu ngày 8/5/1959 sau hơn 1 năm Nông trường được thành lập. Ông kể: “Lúc đó, tôi làm ở tổ phục vụ của Nông trường. Trước hôm Bác Hồ tới thăm, cấp trên có đến và nói ngày mai sẽ có thượng khách tới thăm, đồng thời giao cho chúng tôi phân công nhau dựng kỳ đài”. Không biết “thượng khách” là ai, nhưng cánh lính trẻ chúng tôi rất háo hức, bảo nhau thực hiện các nhiệm vụ cấp trên giao một cách tốt nhất. Khoảng 10 giờ sáng hôm 8/5, tất cả chúng tôi đều ngỡ ngàng, bất ngờ khi Bác Hồ cùng Đoàn cán bộ Trung ương đến thăm Nông trường. Bác mặc bộ quần áo màu nâu gụ giản dị, rời khỏi xe ôtô, Bác bước tới ân cần hỏi thăm mọi người. Bác cũng không lên kỳ đài nói chuyện mà xuống thẳng Nông trường, đi tới khu chuồng nuôi bò sữa. Tại đây, thấy mọi người đều mặc quần áo gọn gàng, chuồng bò cũng rất sạch sẽ, Người hỏi: Thế mọi ngày anh em có ăn mặc và vệ sinh sạch sẽ như thế này không? Tất cả không ai dám nói dối Bác đành chỉ cười. Có người thật thà: Không ạ! Bác bảo: Các cô, các chú phải luôn luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, chứ chốc khách đi, các cô, các chú lại làm ăn luộm thuộm là không được đâu nhé! Bác lại dặn: Ta chưa làm được sữa, các cô, các chú phấn đấu làm được sữa chứ không mua sữa nước ngoài nữa nhé. Mọi người đồng thanh: Vâng ạ! Nói rồi, Người ra một bãi đất trống, hơi dốc, ngồi xuống để nói chuyện với mọi người, anh em cán bộ, chiến sĩ chạy ào theo Bác, vây quanh Người, ai cũng cố chen vào để được gần Người nhất. Bác cười hiền hậu: Bây giờ Bác muốn nói chuyện mà các cô, các chú cứ ồn ào như thế này thì Bác không thể nào nói được. Thế các cô, các chú có im lặng được không? Nói rồi Người ngồi xuống, mọi người liền bảo nhau ngồi theo. Bác ân cần: Mọi người ở bên trong cùng ngồi xuống, bên ngoài không thấy thì đứng lên. Mọi người nghe theo đứng, ngồi thành hình tròn quanh Bác. Bác hỏi: Mọi người như thế đã ổn chưa? Tất cả đồng thanh: Thưa Bác ổn rồi ạ! Bác bảo: Thế ai ngồi chỗ nào thì vẫn ngồi chỗ đó, ai đứng chỗ nào thì vẫn đứng nguyên chỗ đó nhé, mọi người không được ồn ào để Bác nói chuyện.

Rồi Người ân cần: Bác và phái đoàn Chính phủ lên Thuận Châu thăm đồng bào và ghé thăm các cô, các chú. Bác biết các cô, các chú cũng vất vả lắm. Sau 1 năm thành lập Nông trường, các cô, các chú đã làm được như thế này là rất tốt, nhưng vẫn phải cố gắng hơn nữa. Nhà nước còn đang khó khăn, các cô, các chú cũng phải cố gắng nhé. Sau này ổn định rồi, ai có vợ thì đưa các cô ấy lên. Phải cố gắng hơn nữa làm tròn nhiệm vụ Nhà nước giao cho. Bác tin tưởng các cô, các chú sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Thế các cô, các chú có làm được không? Mọi người hô vang: Thưa Bác, chúng cháu quyết tâm làm được ạ.

Cũng trong chuyến công tác tại huyện Mộc Châu, Bác còn ghi vào sổ vàng truyền thống động viên cán bộ, đảng viên và công nhân Nông trường:

“Luôn luôn cố gắng

Khắc phục khó khăn

Tiến lên thật hăng

Làm tròn nhiệm vụ”.

Sau ngày Bác Hồ lên thăm, cả Nông trường bừng lên khí thế thi đua lao động sản xuất, cải tạo thảo nguyên. Những lời dạy ân cần của Bác đã trở thành Nghị quyết của Đảng ủy, thành nhiệm vụ của Nông trường, là mục tiêu hành động, thể hiện ý chí của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và công nhân. Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, thử thách, với những bàn tay và khối óc của cán bộ, chiến sỹ, công nhân, bộ mặt Nông trường biến đổi từng ngày. Từ một Nông trường quân đội nhỏ bé ban đầu, đến nay đã thành nhiều doanh nghiệp với đa dạng ngành nghề khác nhau. Các công ty, doanh nghiệp đã làm ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, đóng góp to lớn cho ngân sách Nhà nước, biến vùng thảo nguyên hoang vu xưa kia thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, sầm uất, tràn đầy sức sống.

   

(Ghi theo lời kể của nhân vật)

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới