“Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!” - những tiếng hô vang của đồng bào các dân tộc huyện Mộc Châu khi đón Bác Hồ về thăm cách đây đã 60 năm, nhân dịp Người cùng Đoàn công tác của Trung ương lên dự Lễ kỷ niệm 5 năm Ngày giải phóng Điện Biên Phủ và 4 năm thành lập Khu tự trị Thái- Mèo (7/5/1959), như vẫn còn văng vẳng bên tai; giây phút đặc biệt hạnh phúc được gặp Bác Hồ còn mãi in đậm trong tâm trí ông Lường Minh Thít, cựu học sinh Trường cấp 1 Mường Sang, huyện Mộc Châu.
Ông Lường Minh Thít chăm sóc vườn hoa cây cảnh của gia đình.
Gia đình ông Lường Minh Thít hiện ở bản Nà Bó 2, xã Mường Sang (Mộc Châu). Biết chúng tôi muốn ông chia sẻ về những kỷ niệm lần được đón Bác, ông Thít không giấu niềm tự hào: Giờ đây tuổi đã cao, nhưng hình ảnh và giọng nói Bác Hồ thì tôi không thể nào quên. Được gặp Bác, đó là điều may mắn, hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi... Rồi ông xúc động kể, ngày 8/5/1959, khi đó ông mới 13 tuổi, đang học lớp 3, được giao nhiệm vụ cùng một số bạn đã được nhà trường chọn đi đón đoàn cán bộ Trung ương. Ông Thít cùng các bạn diện những bộ trang phục dân tộc truyền thống đẹp nhất, quàng khăn đỏ, đến khu làm việc của Uỷ ban Hành chính huyện (nay thuộc tiểu khu 11 thị trấn Mộc Châu) để đón Đoàn. Không ngờ, khi đến đây, đã thấy rất đông đồng bào các dân tộc trong huyện có mặt từ bao giờ, nét mặt ai cũng tươi tắn, phấn khởi xen lẫn hồi hộp, tay cầm cờ hoa rực rỡ. Thời gian cứ chầm chậm trôi, rồi bất ngờ cả rừng người sôi động hẳn lên khi một đoàn xe xuất hiện; những tràng pháo tay vang lên không ngớt khi Bác Hồ từ trên xe bước xuống tiến về kỳ đài. Nhiều người rưng rưng nước mắt xúc động, vừa vỗ tay vừa hô to “Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm”, Bác giơ tay vẫy chào đồng bào, rồi Người nhanh nhẹn đi lên kỳ đài. Người ân cần hỏi thăm sức khoẻ của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh. Bác ân cần dặn dò: Tây Bắc có vị trí rất quan trọng. Mộc Châu là cửa ngõ của Tây Bắc, vì vậy Mộc Châu phải phấn đấu xây dựng để phát triển hơn nữa. Muốn vậy, cán bộ và nhân dân các dân tộc Mộc Châu phải đoàn kết, phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục và chăm lo sức khoẻ nhân dân...
Khắc sâu lời Bác, cậu học trò Lường Minh Thít ra sức học tập, tu dưỡng rèn luyện, luôn đạt kết quả khá, giỏi. Năm 1969, ông theo học Trường Trung cấp Y Sơn La (nay là Cao đẳng Y tế Sơn La). Sau hai năm học, ông về công tác tại Ty Y tế Sơn La. Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năm 1978, ông theo học tại Đại học Y Bắc Thái (nay là Đại học Y Thái Nguyên), ra trường, dù được giữ lại làm giảng viên, nhưng ông vẫn xin về làm việc tại quê hương, nhận nhiệm vụ tại Sở Y tế Sơn La. Năm 1986, ông được giao nhiệm vụ Trưởng phòng Y tế huyện Mộc Châu, phụ trách Bệnh viện Đa khoa huyện, theo dõi các quầy bán thuốc và công tác y tế dự phòng. Tới năm 1997, ông được phân công giữ chức vụ Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện. Năm 2003 được nghỉ chế độ. Về nghỉ hưu, nhưng ông vẫn cùng con cháu tích cực phát triển kinh tế, chăm lo trang trại rộng 4 ha, trồng nhiều loại cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm thu lãi khoảng 400 triệu đồng; hiện ông là thành viên HTX nông sản Mộc Châu.
Với ông Thít, lần được gặp Bác Hồ thực sự là niềm vinh dự, tự hào, kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời. Những lời căn dặn của Bác đã tiếp thêm nghị lực, sức mạnh để ông phấn đấu học giỏi, trở thành bác sĩ, cống hiến cho nhân dân. Ông càng mừng hơn, 60 năm qua, đồng bào các dân tộc Mộc Châu luôn đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với lời dạy ân cần của Bác Hồ kính yêu khi Người về thăm.
(Ghi theo lời kể nhân vật)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!