Triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Đảng bộ xã Yên Hưng, huyện Sông Mã đã đi vào nề nếp, trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Qua đó, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.
Mô hình trồng nhãn của gia đình anh Đèo Văn Dân, bản Pảng, xã Yên Hưng.
Về bản Pảng, xã Yên Hưng, màu xanh cây trái trải trên khắp nương đồi. Thăm vườn trồng bí xanh Nova của gia đình anh Đèo Văn Dân, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pảng. Nhìn vườn bí xanh tốt, ít ai biết rằng diện tích đất này trước kia là ruộng cạn, mỗi năm chỉ cấy được 1 vụ, còn lại bỏ hoang. Phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên trong phát triển kinh tế, anh Dân đã tìm hiểu, liên kết với HTX Hải Nhung ở xã Chiềng Sơ để đưa giống bí xanh Nova vào trồng trên 1 ha ruộng cạn của gia đình. Bắt đầu trồng thử nghiệm vào vụ xuân năm 2020, nhờ có nguồn giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc từ HTX Hải Nhung truyền lại, vụ bí xanh năm đó gia đình anh Dân thu hoạch trên 10 tấn, giá bán bình quân 7.000 đồng/kg. Nhận thấy cây bí phù hợp với đồng đất, anh đã chuyển hẳn sang trồng bí xanh 2 vụ/năm. Giờ đây, mỗi năm gia đình anh thu trên 30 tấn, cùng với 2 ha nhãn ghép mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình anh Dân thu về 300 triệu đồng.
Anh Đèo Văn Dân, chia sẻ: Là đảng viên, tôi luôn xác định mình phải đi đầu trong phát triển kinh tế, để bà con học và làm theo. Hiện nay, bản Pảng có trên 30 ha nhãn ghép, 4 ha bí xanh, nhiều hộ có thu nhập từ 150-400 triệu đồng/năm, cả bản chỉ còn 5 hộ nghèo.
Còn ở bản Tin Tốc, xã Yên Hưng có 38 hộ, 214 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông, chi bộ bản có 5 đảng viên. Trước đây, do tập quán sản xuất lạc hậu, nên cuộc sống luôn bị đói nghèo. Anh Hờ A Khứ, Bí thư Chi bộ bản thông tin: Chi bộ bản đã đề ra yêu cầu mỗi đảng viên phải là người tiên phong, đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nhân dân thấy hiệu quả và học, làm theo. 5 đảng viên đã tiên phong đi trước làm trước. Kết quả là cả bản đã có 10 hộ thoát nghèo. Diện tích trồng ngô, sắn hiệu quả kinh tế thấp giảm dần, hơn 10 ha nhãn ghép đã cho thu hoạch; bà con tận dụng đồng cỏ tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi đại gia súc. Mặc dù còn khó khăn, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi, tốt lên từng ngày.
Việc học và làm theo Bác ở Yên Hưng đang có sức lan tỏa trong cộng đồng từ chính những việc làm cụ thể, thiết thực. Với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ xã khuyến khích cán bộ, đảng viên mạnh dạn đổi mới tư duy, xây dựng các mô hình kinh tế để người dân học tập và nhân rộng. Cán bộ, đảng viên luôn nêu gương, phát huy vai trò, trách nhiệm, nên từ một xã thuộc diện khó khăn của huyện Sông Mã, đến nay, diện mạo của Yên Hưng đã có sự thay đổi rõ rệt, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng lên. Hết năm 2021, Yên Hưng đã đạt 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 21,6%.
Ông Lò Văn Phiên, Bí thư Đảng ủy xã Yên Hưng, thông tin: Năm 2021, đăng ký việc học và làm theo Bác của Đảng ủy xã là “Huy động các nguồn lực xóa nhà tạm”, xã đã huy động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đóng góp được 160 triệu đồng và đã xóa 22 nhà tạm, nhà dột nát cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Những kết quả xã Yên Hưng đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, là cơ sở vững chắc và tạo động lực để Đảng bộ xã tiếp tục đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành công việc tự giác, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!