Gắn thực hiện việc làm theo Bác với các phong trào thi đua của Hội phụ nữ

Những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các phong trào, cuộc vận động của Hội, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động, thu hút hội viên tham gia công tác hội, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức hội các cấp.

 

 

 

Phụ nữ bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu) chăm sóc vườn rau sạch.

Ảnh: Khải Hoàn

                 

Hằng năm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, đồng thời, tổ chức cho cán bộ, hội viên đăng ký những việc làm theo Bác gắn với các phong trào, hoạt động công tác Hội. Trong đó, đưa vào chỉ tiêu thi đua: “Mỗi cơ sở hội lựa chọn ít nhất 1 hành động cụ thể làm theo Bác gắn với nhiệm vụ được giao để tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện”. Đặc biệt, xây dựng và duy trì 17 loại mô hình “làm theo Bác”, như: Tiết kiệm chi tiêu hằng ngày; tiết kiệm trong ma chay, cưới xin; tiết kiệm điện, nước; làm vườn rau sạch; nuôi lợn đất tiết kiệm; ống tre tiếp sức; hũ gạo tình thương; tiết kiệm giấy, mực, văn phòng phẩm... Trong 5 năm (2015-2020), đã tiết kiệm được hơn 30 tấn gạo, thóc; trên 20 tỷ đồng giúp trên 5.000 lượt hội viên vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình là các Hội LHPN: Mộc Châu tiết kiệm được 8 tỷ đồng; Thuận Châu gần 5 tỷ đồng; Sông Mã gần 2 tỷ đồng; Mường La 600 triệu đồng; Quỳnh Nhai tiết kiệm được hơn 3 tấn gạo và trên 500 triệu đồng… Nhiều mô hình duy trì việc sửa đổi lề lối làm việc đã tạo sự chuyển biến rõ nét, như: Hội Phụ nữ Công an tỉnh, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội LHPN các huyện: Mộc Châu, Phù Yên, Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu, Sông Mã...

                 

Gắn thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, trong giai đoạn 2015-2020, các cấp hội đã phối hợp tổ chức được 314 lớp xóa mù chữ và giáo dục sau biết chữ cho 9.630 phụ nữ. Đồng thời, khai thác các nguồn lực nâng cao kiến thức toàn diện cho hàng trăm nghìn lượt hội viên, về các nội dung: Quy định pháp luật về an toàn giao thông; vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức tập huấn theo Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”; tuyên truyền kiến thức giới tính, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

                 

Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã hỗ trợ thành lập và duy trì 406 mô hình phát triển kinh tế gia đình. Riêng Hội LHPN tỉnh xây dựng 10 mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt tại các huyện, với 226 thành viên tham gia, tổng vốn hỗ trợ trên 1 tỷ đồng. Phối hợp thành lập 11 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, hoạt động trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, dịch vụ du lịch cộng đồng, dịch vụ ăn uống - nhà nghỉ cộng đồng... tạo sự liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh giữa các thành viên. Cùng với đó, hỗ trợ 2.333 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; liên kết đào tạo nghề trên 6.800 lao động phụ nữ và có hơn 1.000 phụ nữ có việc làm sau đào tạo... Nhờ vậy, đã giúp được 1.096 gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo.

                 

Những việc làm theo Bác ở cơ sở còn được hội viên các cấp hội đăng ký gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và cùng với địa phương thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đã có 612 phần việc đăng ký làm theo Bác được thực hiện hiệu quả. Trong đó, vận động đào trên 30.000 hố chứa rác tại gia đình; xây dựng 818 lò đốt rác mini; duy trì và trồng mới 150 tuyến đường hoa; góp trên 37.000 ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn... Ngoài ra, xây dựng được 15 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”; duy trì và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ “5 không 3 sạch” ở cơ sở, 265 mô hình “Tuyến đường phụ nữ tự quản”, 22 mô hình “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”, 307 mô hình “Nhà sạch, vườn xanh”, “Nhà sạch, vườn đẹp”...

                 

Học Bác về thực hiện công tác dân vận, Hội đã xây dựng và duy trì 608 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó 344 mô hình tập thể và 264 mô hình cá nhân trên tất cả các lĩnh vực: Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng củng cố hệ thống chính trị. Thông qua các mô hình “Dân vận khéo” đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong hội viên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho hội viên và cùng với địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Điển hình trong phong trào thi đua “dân vận khéo” là Hội Phụ nữ xã Tú Nang (Yên Châu), nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả lên gần 1.200 ha. Hội viên Lò Thị Thi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Huổi Một (Sông Mã), có nhiều sáng kiến trong việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó xây dựng được 809 triệu đồng cho hội viên vay đầu tư sản xuất; tặng 470 kg gạo từ “hũ gạo tình thương”; vận động 81 phụ nữ tham gia học lớp xóa mù chữ...

                 

Học và làm theo Bác từ những việc làm thiết thực, phụ nữ trong toàn tỉnh đã và đang phấn đấu rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

 

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới