Lập và gửi hồ sơ Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho cơ quan thuế là việc doanh nghiệp, tổ chức (gọi chung là cơ sở kinh doanh) bắt buộc phải thực hiện thường niên để xác định tổng số thuế TNDN phải nộp vào NSNN. Nhằm hỗ trợ cơ sở kinh doanh trong việc lập và gửi hồ sơ nêu trên, cơ quan thuế giới thiệu một số nội dung cơ bản khi thực hiện Quyết toán thuế TNDN năm 2022:
Thời hạn nộp hồ sơ Quyết toán thuế TNDN
Doanh nghiệp có năm tài chính trùng năm dương lịch: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (ngày 31/3/2023).
Doanh nghiệp có năm tài chính khác năm dương lịch: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.
Mẫu biểu khai Quyết toán thuế TNDN
Căn cứ theo thực tế phát sinh, cơ sở kinh doanh lựa chọn mẫu biểu được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, một số lưu ý như sau:
Tờ khai thuế TNDN mẫu số 04/TNDN, áp dụng đối với phương pháp tỷ lệ trên doanh thu.
Tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu số 03/TNDN và một số các mẫu quy định, áp dụng đối với phương pháp doanh thu - chi phí.
Hình thức gửi hồ sơ Quyết toán thuế TNDN: Điện tử.
Một số nội dung cơ bản khi xác định doanh thu, chi phí
Về doanh thu tính thu nhập chịu thuế
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Đối với doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế là doanh thu chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Đối với doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng là doanh thu bao gồm cả thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh dịch vụ mà khách hàng trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc được xác định theo doanh thu trả tiền một lần. Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế việc xác định số thuế được ưu đãi phải căn cứ vào tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của số năm thu tiền trước chia (:) cho số năm thu tiền trước.
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế
Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định như sau:
Đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.
Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua trừ trường hợp nêu tại Khoản 3, Điều 5, Thông tư số 78/2014/TT-BTC, Khoản 1, Điều 6, Thông tư số 119/2014/TT-BTC.
Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Về chi phí được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
Cơ sở kinh doanh được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế năm 2022 nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau (trừ 37 khoản chi không được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC), cụ thể:
Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt
Cơ sở kinh doanh khi thực hiện khai khai quyết toán TNDN năm 2022 cần lưu ý các nội dung cơ bản nêu trên, đồng thời nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo khai, nộp thuế TNDN đúng quy định của pháp luật hiện hành./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!