Chính phủ quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử

Ngày 23/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2024/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử. Nghị định số 137/2024/NĐ-CP gồm 5 Chương và 24 Điều, có hiệu lực kể từ ngày 23/10/2024.

Giọng nữ
Khách hàng giao dịch tại Chi cục Thuế khu vực thành phố Sơn La- Mường La.

Nghị định số 137/2024/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử bao gồm chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử; hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử quy mô lớn, rất lớn và tiêu chí tín nhiệm mạng của hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Nghị định số 137/2024/NĐ-CP áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Chuyển đổi hình thức từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu:

Thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử.

1- Yêu cầu về ký hiệu riêng và các thông tin khác tại điểm c khoản 1 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử được quy định cụ thể như sau:

a) Các thông tin trên thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy bao gồm: ký hiệu riêng bằng chữ thể hiện thông điệp dữ liệu đã được chuyển đổi từ văn bản giấy và thời gian thực hiện chuyển đổi; thông tin bao gồm tên đầy đủ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi.

Trên thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn hiển thị bổ sung mã phản hồi nhanh (QR) hoặc hình thức mã hóa khác chứa các thông tin trên để phục vụ việc tra cứu và sử dụng thông tin bằng phương tiện điện tử.

Nội dung ký hiệu riêng thể hiện thông điệp dữ liệu đã được chuyển đổi từ văn bản giấy được quy định theo pháp luật liên quan.

b) Trường hợp chuyển đổi phục vụ hoạt động công chứng, chứng thực, sao y, sao lục, trích sao, các thông tin trên thông điệp dữ liệu được thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực, công tác văn thư;

c) Trường hợp chuyển đổi văn bản là kết quả của giải quyết thủ tục hành chính, ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 25 Nghị định 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.

2- Yêu cầu về hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu phải bảo đảm các tính năng sau:

a) Chuyển đổi toàn vẹn nội dung từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu;

b) Tạo ký hiệu riêng và các thông tin khác trên thông điệp dữ liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Lưu trữ thông điệp dữ liệu;

d) Bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng theo quy định của pháp luật;

đ) Trường hợp chuyển đổi thông điệp dữ liệu từ văn bản giấy theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng ký số.

Chuyển đổi hình thức từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy:

Văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử.

1- Thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu để tra cứu tại điểm b khoản 2 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử được quy định cụ thể như sau:

a) Thông tin tối thiểu xác định hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu để tra cứu bao gồm: tên hệ thống thông tin, tên chủ quản hệ thống thông tin;

b) Thông tin để truy cập thông điệp dữ liệu trên hệ thống thông tin tạo lập, lưu trữ thông điệp dữ liệu có thể là một đường dẫn đầy đủ của thông điệp dữ liệu trên hệ thống thông tin, hoặc mã duy nhất để truy cập thông điệp dữ liệu thông qua một giao diện tìm kiếm.

2- Yêu cầu về ký hiệu riêng và các thông tin khác tại điểm c khoản 2 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử được quy định cụ thể như sau:

a) Các thông tin tối thiểu trên văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu bao gồm: ký hiệu riêng bằng chữ thể hiện văn bản giấy đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu và thời gian thực hiện chuyển đổi; thông tin về tên đầy đủ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi.

Trên văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn hiển thị bổ sung mã phản hồi nhanh (QR) hoặc các hình thức mã hóa khác chứa các thông tin trên để phục vụ việc tra cứu bằng phương tiện điện tử đối với thông điệp dữ liệu tạo lập trên hệ thống thông tin.

Nội dung ký hiệu riêng thể hiện văn bản giấy đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu được quy định theo pháp luật chuyên ngành.

b) Trường hợp chuyển đổi phục vụ hoạt động công chứng, chứng thực, sao y, sao lục, trích sao, các thông tin trên văn bản giấy được thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực, công tác văn thư;

c) Trường hợp chuyển đổi hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử sang văn bản giấy theo quy định tại Điều 18 Nghị định 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ, ký hiệu riêng và thông tin trên văn bản giấy được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.

Chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử:

1- Cơ quan nhà nước ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử các hoạt động bao gồm:cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra theo lộ trình và kế hoạch phù hợp.

Trường hợp hoạt động có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật về cơ yếu.

2- Xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử

a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi tắt là bộ, ngành), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trong đó phải có các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để đưa hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử, tối thiểu phải bao gồm các lĩnh vực hoạt động: cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra thanh tra;

b) Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử:

1- Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử:

a) Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp từ chối tiếp nhận, giải quyết phải nêu rõ lý do để tổ chức, cá nhân được biết;

b) Thiết lập các kênh giao tiếp trên môi trường điện tử và ban hành quy chế hoạt động để tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Phải thông báo kết quả xử lý yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử thông qua các phương tiện điện tử, các kênh giao tiếp, trừ trường hợp pháp luật quy định khác hoặc theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

2- Kênh giao tiếp của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử bao gồm các kênh sau:

a) Kênh cung cấp thông tin và kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử;

b) Cổng Dịch vụ công quốc gia;

c) Các kênh giao tiếp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

3- Các kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Cổng Dịch vụ công quốc gia phải bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp để sử dụng dịch vụ bằng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Việc sử dụng tài khoản đăng nhập trên kênh giao tiếp của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

1- Thủ tục hành chính và dịch vụ hành chính công quy định hoặc không quy định thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng thực hiện theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và quy định của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, trừ trường hợp luật khác quy định không được thực hiện bằng phương tiện điện tử.

2- Dịch vụ hành chính công được cung cấp trực tuyến toàn trình trên cơ sở rà soát, tái cấu trúc quy trình, đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.

3- Cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình khi đủ điều kiện thực hiện trọn vẹn từ đầu đến cuối quy trình bằng phương tiện điện tử. Trong trường hợp chưa thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử, cơ quan nhà nước phải thông báo để tổ chức, cá nhân được biết.

4- Hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện số hóa theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân được trả theo quy định pháp luật có liên quan, đồng thời trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử tại Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân, tại ứng dụng định danh quốc gia theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức ủy quyền, việc lưu kết quả điện tử thực hiện theo thỏa thuận ủy quyền.

Trong trường hợp trả kết quả bằng văn bản giấy, cơ quan có thẩm quyền thực hiện chuyển đổi sang thông điệp dữ liệu theo quy định tại Điều 4 Nghị định này và lưu trữ tại các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan theo thẩm quyền quản lý; kết quả chuyển đổi phải được chia sẻ giữa cơ quan nhà nước và được sử dụng như một thành phần của hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện dịch vụ công, thủ tục hành chính khác.

5- Dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích được rà soát, tái cấu trúc quy trình để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho cá nhân, tổ chức trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ hoặc cấp tỉnh và Cổng thông tin điện tử của tổ chức cung cấp dịch vụ công theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.

6- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích trực tuyến thuộc phạm vi quản lý.

7- Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm duy trì, vận hành, nâng cấp và bảo đảm an toàn thông tin cho Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số để thực hiện giám sát, đo lường việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; kiểm tra, đánh giá việc triển khai biểu mẫu điện tử tương tác của các dịch vụ công trực tuyến và việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

8- Văn phòng Chính phủ hướng dẫn rà soát, tái cấu trúc quy trình thủ tục để hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đánh giá chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; duy trì, vận hành, nâng cấp và bảo đảm an toàn thông tin cho Hệ thống đánh giá chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của Cổng dịch vụ công quốc gia.

Phong Lưu (TH)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới