Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh, ngành Y tế Sơn La đã chủ động triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 năm 2021 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ ngày 26-29/4 và tiếp tục triển khai thực hiện tại 06 Bệnh viện đa khoa tuyến huyện (Thảo Nguyên, Mộc Châu, Phù Yên, Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La). Việc tổ chức thực hiện tiêm chủng đúng quy trình, đảm bảo an toàn, đến ngày 30/4, tổng số người được tiêm là 2.120 người. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp khi tiêm còn “e ngại” hoặc bị tâm lý. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phóng viên trao đổi với Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La.
Phóng viên: Vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19 là loại vắc xin đã được nhiều nước với hàng trăm triệu người sử dụng, song vẫn còn nhiều người còn “e ngại” khi tiêm. Xin ông tư vấn thêm về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19?
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng: Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, có nhiều biến thể mới và lây lan nhanh tại một số nước trên thế giới, đặc biệt, các nước ở Đông Nam Á như Lào, Cam pu chia, Thái Lan. Vì vậy, Việt Nam chúng ta có nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Việc tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 lần này là cần thiết.
Việc tiêm vắc xin sẽ giúp bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng và tử vong. Vắc xin sẽ cung cấp cho cơ thể khả năng miễn dịch, nhờ đó không có nguy cơ mắc bệnh. Một người sau khi tiêm vắc xin có thể gặp một số tác dụng phụ nhẹ, đó là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang được bảo vệ. Gặp phải các phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin có nghĩa là vắc xin đã kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để sản sinh ra kháng thể bảo vệ. Điều này là do hệ thống miễn dịch đang hướng dẫn cơ thể phản ứng lại theo những cách nhất định, như làm tăng lưu lượng máu để các tế bào miễn dịch có thể lưu thông nhiều hơn và làm tăng nhiệt độ cơ thể để tiêu diệt vi-rút.
Các tác dụng phụ thường ở mức độ nhẹ đến trung bình, như sốt nhẹ hoặc đau nhức cơ là bình thường và không phải là dấu hiệu đáng báo động. Các tác dụng phụ này là những dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của cơ thể đang phản ứng với vắc-xin, cụ thể là kháng nguyên (một chất kích hoạt đáp ứng miễn dịch), và đang chuẩn bị để chống lại vi-rút.
Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm được yêu cầu ở lại 15–30 phút tại điểm tiêm chủng để nhân viên y tế có mặt ngay lập tức trong trường hợp có bất kỳ phản ứng tức thời nào. Người được tiêm vắc xin phải thông báo kịp thời cho cán bộ y tế nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn hoặc các sự cố sức khỏe khác - chẳng hạn như tác dụng phụ kéo dài hơn 3 ngày.
Tại Sơn La, tổng số các đối tượng được tiêm chủng đợt I trên địa bàn toàn tỉnh là 6.700 người, đến thời điểm này, công tác tiêm chủng đã thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo công tác phòng chống dịch, trong quá trình tiêm không xảy ra sai sót, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Theo dõi phản ứng sau tiêm tính đến thời điểm này mới chỉ có 3 trường hợp phản ứng nhẹ, sau theo dõi 30 phút tại điểm tiêm không có trường hợp nào bị phản ứng nặng sau tiêm.
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên Mộc Châu tiêm vắc xin AstraZeneca cho các đối tượng ưu tiên.
Phóng viên: Qua những ngày đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, theo ông cần lưu ý những nội dung nào, những bài học kinh nghiệm gì để đạt được mục tiêu của chiến dịch?
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng: Nhìn một cách tổng quát thì đến hôm nay, chiến dịch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 của tỉnh Sơn La đang diễn ra thuận lợi, đúng kế hoạch và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên khối lượng công việc trong những ngày tiếp theo còn rất nặng nề, do đó toàn bộ các điểm tiêm cần lưu ý các nội dung sau:
Một là, cần tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng vắc xin để các đối tượng ưu tiên trong đợt này nói riêng, mọi người dân nói chung hưởng ứng, tin tưởng, tránh tâm lý e ngại vắc xin. Trên thực tế chúng ta chưa gặp sự cố bất thường nào do tiêm vắc xin AstraZeneca.
Hai là, cần tiếp tục rà soát kế hoạch, rà soát đối tượng theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh để đảm bảo nguyên tắc tiêm đúng đối tượng, an toàn tiêm chủng và đạt tiến độ của từng điểm tiêm, từng huyện và tiến độ chung của toàn tỉnh.
Ba là, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị y tế (Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế) trong việc sắp xếp lịch tiêm, bố trí nhân lực… và thường xuyên có sự kiểm tra giám sát của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Ban chỉ đạo các cấp. Ưu tiên đảm bảo qui trình chuyên môn để đạt mục tiêu “Tiêm đến đâu an toàn đến đó”.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: Minh Tuấn
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!