Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố diễn biến hết sức phức tạp; số ca F0 ngày càng tăng cao, đã có ca tử vong vì Covid-19. Có 10/12 xã, phường ở cấp độ 3; bình quân mỗi ngày Thành phố phát hiện hàng trăm ca F0. Dịch bùng phát trên diện rộng đang gây tình trạng quá tải cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Sơn La. Trân trọng thông tin tới bạn đọc!
Nhân viên Trạm Y tế xã Chiềng Cọ, Thành phố test nhanh Covid-19 cho người dân.
Ảnh: Phạm Tuấn
PV: Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đang diễn biến ra sao? Nguyên nhân và những khó khăn áp lực với Trạm y tế xã phường, hiện nay? Thưa bác sỹ.
BS Nguyễn Mạnh Hà: Trong 4 ngày gần đây (từ 25 đến 28/2), trung bình 1 ngày trên địa bàn Thành phố phát hiện trên 500 trường hợp bệnh nhân F0. Tính đến 28/2/2022, trên địa bàn Thành phố tổng số bệnh nhân F0 điều trị tại nhà là 5.376, đang điều trị 3.876 người, đã khỏi bệnh 1.500 trường hợp. Có 508 người phải vào viện điều trị và đã có 2 trường hợp tử vong, hiện còn 6 bệnh nhân nặng, phải thở máy tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Do số ca bệnh F0 tăng cao nên một số địa phương lúng túng, bị động trong công tác chỉ đạo rà soát, nắm tình hình dịch và triển khai áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý. Việc kiểm soát quản lý các ca bệnh F0 và tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe những trường hợp tiếp xúc gần (F1) ở một số địa bàn thiếu chặt chẽ; việc hướng dẫn cho người bị cách ly có lúc chưa kịp thời.
Nguyên nhân số ca F0 tăng cao là do: Một số người dân, trong đó có các lái xe khách, chủ phương tiện không chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, dẫn đến việc chậm phát hiện các trường hợp F0, F1 di chuyển qua hoặc vào địa bàn, gây khó khăn cho công tác khoanh vùng, truy vết của lực lượng chức năng. Một bộ phận không nhỏ người dân còn chủ quan nên không chấp hành khai báo y tế, không tự giác áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, việc dự trữ trang thiết bị, vật tư để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 còn hạn chế, bị động khi các ca nhiễm được phát hiện hàng ngày tăng cao đột biến. Hơn nữa, lực lượng y tế tuyến đầu cũng bị tác động, như người thân là F0, bản thân trở thành F1 phải cách ly, đã có cán bộ y tế bị lây nhiễm Covid-19 phải cách ly, điều trị (hiện đã có 10 cán bộ y tế nhiễm virus SARS-CoV-2 và 16 người là F1)… cùng với số bệnh nhân F0 điều trị tại nhà tăng cao trên 3.000 trường hợp.
PV: Vai trò của trạm y tế các xã, phường trong công tác phòng chống dịch bệnh thời điểm hiện tại thế nào?
BS Nguyễn Mạnh Hà: Hiện các trạm y tế xã, phường trên địa bàn Thành phố có tổng số hơn 100 cán bộ y tế. Với vai trò là y tế tuyến cơ sở thực hiện nhiệm vụ chống dịch gần dân nhất, trạm y tế xã, phường thuộc Trung tâm Y tế Thành phố đã quyết liệt triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự an toàn cho người dân trên địa bàn.
Công việc của cán bộ trạm y tế trong thời điểm hiện nay không tính bằng giờ hành chính mà tùy thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh cụ thể mỗi ngày. Trạm y tế giúp người dân khai báo y tế; theo dõi giám sát chặt chẽ người trở về địa phương và quản lý người đang thực hiện biện pháp cách ly y tế tại nhà.
Đồng thời, tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát việc cách ly y tế các trường hợp F1, điều trị F0 tại nhà. Bố trí nhân lực hợp lý trong phân công theo dõi, giám sát người cách ly y tế tại nhà, tham gia tiêm chủng, lấy mẫu và thực hiện thường trực bảo đảm các hoạt động chuyên môn khác tại trạm. Phối hợp tuyên truyền sâu rộng để người dân chủ động chấp hành các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của các cấp và của địa phương. Tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, lực lượng công an, đội ngũ cộng tác viên và các tổ Covid -19 cộng đồng quản lý tốt người về địa phương nhằm rà soát, nắm bắt, theo dõi và xác minh thông tin cụ thể từng trường hợp, báo cáo Ban chỉ đạo để có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả.
Cán bộ Trạm Y tế phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.
PV: Việc điều trị, hỗ trợ thế nào đối với bệnh nhân F0 điều trị tại nhà? Thưa bác sỹ.
BS Nguyễn Mạnh Hà: Đối với các bệnh nhân F0 mà không có triệu chứng hoặc có biểu hiện sốt nhẹ, ho, nhưng không khó thở tiếp tục thực hiện tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại nhà. Khi có biểu hiện khó thở, thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít vào thì được hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế để được hỗ trợ theo các số điện thoại in sẵn trên quyết định cách ly điều trị hoặc số điện thoại của tổ Covid -19 cộng đồng tại nơi cư trú. Cùng với việc duy trì hướng dẫn, điều trị tại nhà cho các bệnh nhân F0 nói chung, cán bộ y tế tuyến đầu tập trung ưu tiên những bệnh nhân F0 là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, trẻ em chưa được tiêm chủng.
PV: Trung tâm Y tế Thành phố đã đề ra những giải pháp gì để ứng phó với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp?
BS Nguyễn Mạnh Hà: Trung tâm đã chỉ đạo thành lập 12 trạm y tế lưu động phòng, chống dịch trên địa bàn, mỗi trạm có từ 5 đến 8 thành viên, có nhiệm vụ triển khai các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, như: Hỗ trợ tư vấn về phòng, chống dịch Covid-19 từ xa, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện; phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến các bệnh thông thường cho người dân; sẵn sàng, chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện nghiêm túc công tác điều trị các bệnh nhân Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 7/10/2021 về việc ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19” và Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 1/12/2021 kèm hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị.
Để sớm khống chế dịch bệnh, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, rất mong người dân nâng cao ý thức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch là chia sẻ khó khăn với lực lượng tuyến đầu tại địa phương.
PV: Cảm ơn bác sỹ.
Hồng Luận (thực hiện)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!