Trong những ngày gần đây, số ca tử vong do Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đều dưới 200 ca/ngày. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy chiến lược điều trị F0 trên địa bàn thành phố đang đi đúng hướng và đạt kết quả khả quan.
Trong giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát với biến chủng Delta, số ca mới mắc tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn đã gây quá tải hệ thống điều trị của thành phố, do đó số ca nặng và tử vong tăng cao. Trước thực trạng này, TP Hồ Chí Minh đã có những điều chỉnh kịp thời trong chiến lược phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có những mô hình mới lần đầu được triển khai đã mang lại những dấu hiệu tích cực trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.
Từ ngày 16/8, thành phố đã triển khai thí điểm chăm sóc F0 tại nhà. Số F0 đang cách ly tại nhà tăng dần, nhất là từ ngày 26/8 và đã có nhiều trường hợp hồi phục, hoàn thành cách ly tại nhà. Sở Y tế thành phố cũng đã xây dựng, ban hành hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0; trong đó có việc xây dựng các gói thuốc điều trị mẫu. Giải pháp này đã giúp giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến; đồng thời giúp giảm sang chấn tâm lý, người bệnh hồi phục nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đã xây dựng đội ngũ bác sĩ tư vấn F0 tại nhà, giúp các F0 ổn định về tâm lý, không còn cảm giác hoang mang, lo sợ và biết cách chăm sóc sức khỏe trong thời gian cách ly.
Bên cạnh đó, từ trung tuần tháng 8, 428 trạm y tế lưu động do Bộ Quốc phòng hỗ trợ nhân lực đã đi vào hoạt động, giúp công tác chăm sóc và quản lý F0 tại nhà tốt hơn, nhất là hoạt động thăm khám và cấp cứu. Lực lượng này đã góp phần “chia lửa” với hệ thống y tế cơ sở để chăm lo F0 tại nhà đang ngày càng nhiều hơn. Khi phát hiện các trường hợp dương tính qua test nhanh, các bác sĩ tại trạm y tế lưu động sẽ cấp túi thuốc ngay cho F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà. Người bệnh được tiếp cận thuốc sớm, được chăm sóc thường xuyên đã giảm chuyển biến nặng.
Điều chỉnh quan trọng dẫn đến giảm số ca tử vong là thành phố đã hoàn thiện hệ thống điều trị tháp ba tầng. Hiện nay, thành phố đã có 10 bệnh viện, trung tâm hồi sức cấp cứu với quy mô khoảng 4.600 giường hồi sức và 81 bệnh viện tầng 2 với 60.400 giường bệnh. Đồng thời, đã cập nhật nhiều thuốc điều trị mới vào phác đồ điều trị cho F0 như thuốc kháng vi-rút (Molnupiravir, remdesivir), thuốc kháng viêm, kháng đông.
Bác sĩ CKII Phạm Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 7, phường An Khánh, TP Thủ Đức cho biết: Số lượng các ca chuyển nặng tại bệnh viện đã giảm nhiều so với thời gian đầu, một phần nhờ sự liên thông tốt hơn giữa các tầng điều trị, những ca chuyển nặng được chuyển kịp thời lên tầng trên. Bên cạnh đó, việc đưa vào phác đồ các loại thuốc điều trị mới đã góp phần ngăn chặn bệnh tiến triển nặng. Thời gian qua, thành phố đã đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19, với hơn 90% số người dân 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, và hơn 20% mũi 2, góp phần hạn chế số ca nhiễm mới, giảm ca chuyển nặng, tử vong.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: giảm tỷ lệ tử vong là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tiếp theo. Thành phố sẽ củng cố hệ thống y tế cơ sở để bảo đảm chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng, làm giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị tại các cơ sở điều trị để giảm tỷ lệ tử vong.
Cùng với đó, thành phố sẽ củng cố chất lượng điều trị của các cơ sở y tế trong hệ thống ba tầng điều trị Covid-19, bảo đảm nguồn nhân lực y tế có đủ về số lượng và kiến thức chuyên môn cần thiết, cung cấp đầy đủ thiết bị hồi sức tối thiểu theo phân tầng điều trị, đồng thời bảo đảm chuyển tuyến hai chiều thông suốt kịp thời. Ngoài ra, ngành y tế thành phố tiếp tục giám sát dịch tễ, đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc-xin theo đúng kế hoạch đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!