Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa được phát hiện tại Nam Phi là Omicron và phân loại nó là “biến thể đáng quan ngại”. Trước sự nguy hiểm của chủng virus mới này, nhiều nước đưa ra các biện pháp ứng phó ở mức cao.
Tất cả các virus, bao gồm cả SARS-CoV-2, virus gây ra Covid-19, đều thay đổi theo thời gian. Tùy vào mức độ nguy hiểm đối với cộng đồng mà một biến thể sẽ được phân loại thành các mức độ khác nhau, trong đó mức độ “biến thể đáng quan ngại” là mức độ nguy hiểm cao nhất.
Đây chính là mức độ được WHO xếp loại cho biến thể mới B.1.1.529 vừa được phát hiện có tên là Omicron. Biến thể Omicron được xác nhận đầu tiên từ một mẫu bệnh phẩm được thu thập vào ngày 9/11/2021 tại Nam Phi. Kết quả này được báo cáo lên WHO ngày 24/11/2021 nhưng trước đó, một số các trường hợp được ghi nhận tại các địa điểm khác nhau trên toàn cầu như Botswana, Hồng Kông (Trung Quốc). Liên tiếp sau đó có khoảng 100 trường hợp được xác định với giải trình tự cho kết quả tương tự và phần lớn đến từ Nam Phi hoặc liên quan các trường hợp đi về từ Nam Phi. Ngày 26/11, Chính phủ Bỉ cho biết một cá nhân gần đây đã đi du lịch Ai Cập và chưa được tiêm chủng, có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể này, đánh dấu trường hợp đầu tiên ở châu Âu.
Bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể này tăng lên so với các biến thể khác trước đây. Số lượng các trường hợp mắc biến thể Omicron đang tăng lên ở hầu hết các tỉnh của Nam Phi. Tại Nam Phi, biến thể Omicron chủ yếu được chẩn đoán ở tỉnh Gauteng khi ước tính có tới 90% tổng số ca nhiễm coronavirus mới ở Gauteng có thể liên quan đến Omicron.
Thông qua đánh giá so sánh, Omicron đã được chứng minh là có khả năng liên quan một hoặc nhiều thay đổi sau đây: Tăng khả năng lây truyền hoặc thay đổi bất lợi trong dịch tễ học Covid-19; tăng độc lực hoặc thay đổi biểu hiện bệnh lâm sàng; tăng mức độ nghiêm trọng (nhập viện hoặc tử vong); giảm hiệu quả của các biện pháp xã hội, sức khỏe cộng đồng và các phương pháp chẩn đoán, điều trị và vaccine có sẵn.
Chi tiết hơn, biến thể Omicron có số lượng đột biến cao bất thường, với khoảng 32 đột biến về protein gai, loại protein quyết định khả năng bám dính và xâm nhập vào các tế bào mà chúng tấn công. Đáng chú ý, biến thể Delta chỉ có 9 đột biến tại protein gai, cho nên con số 32 đột biến là hết sức lớn. Chính vì vậy, các nhà khoa học lo ngại những đột biến đó có thể làm cho biến thể này dễ lây lan hơn và có thể dẫn đến việc né tránh miễn dịch. Thực tế đã chứng minh điều này là đúng bởi so sánh với biến thể Delta, Omicron dễ lây lan hơn nhiều. Thông thường, phải mất vài tháng để một chủng biến thể chiếm ưu thế, lây lan trong một khu vực, trong khi biến thể Omicron lây lan rất nhanh chóng ở Nam Phi, chỉ trong vài ngày đến vài tuần chứ không phải vài tháng.
Liên quan đến vaccine hiện đã có bằng chứng về việc nhiễm trên những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Tuy nhiên liệu có tăng tỷ lệ nặng trên những người đã tiêm đủ mũi vaccine hay chưa thì còn cần phải theo dõi trong thời gian tới. Hiện tại, các hãng sản xuất vaccine cũng đang ráo riết thực hiện những giám sát tác động cùng với chính phủ các nước. Nhà sản xuất Moderna cho biết, họ đang khẩn trương làm việc để kiểm tra khả năng vô hiệu hóa biến thể của vaccine và dự kiến sẽ có dữ liệu trong những tuần tới. AstraZeneca đang tiến hành nghiên cứu ở các địa điểm, nơi mà biến thể đã được xác định. Pfizer cũng đang điều tra tác động của biến thể này đối với mũi tiêm của họ, với dữ liệu được dự kiến sẽ có trong vòng vài tuần tới. Johnson & Johnson tuyên bố công ty cũng đang thử nghiệm hiệu quả của vaccine chống lại Omicron.
Sau khi đưa ra khẳng định rằng Omicron là “biến thể đáng quan ngại”, trong phiên họp gần nhất, WHO đề nghị các quốc gia thực hiện ngay việc tăng cường các nỗ lực giám sát và giải trình tự để hiểu rõ hơn về các biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành; gửi trình tự bộ gien hoàn chỉnh và siêu dữ liệu liên quan cơ sở dữ liệu có sẵn công khai. Báo cáo các trường hợp/cụm ban đầu liên quan nhiễm biến thể mới này cho WHO thông qua cơ chế của điều lệ y tế quốc tế. Khi có năng lực và phối hợp cộng đồng quốc tế, thực hiện điều tra thực địa và đánh giá trong phòng thí nghiệm để nâng cao hiểu biết về các tác động tiềm ẩn của biến thể mới đối với dịch tễ học Covid-19, mức độ nghiêm trọng, hiệu quả của các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng, phương pháp chẩn đoán, đáp ứng miễn dịch, kháng thể trung hòa, hoặc các đặc điểm liên quan khác.
Mặt khác nhắc nhở, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp để giảm nguy cơ mắc Covid-19, bao gồm các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng đã được chứng minh như đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giữ khoảng cách cơ thể, cải thiện sự thông thoáng của không gian trong nhà, tránh không gian đông đúc và tiêm chủng.
Hiện nhiều quốc gia đã bắt đầu thực hiện các lệnh đóng cửa du lịch, đặc biệt với những quốc gia nguy cơ. Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đồng ý đưa ra các hạn chế tạm thời đối với tất cả các chuyến đi vào EU từ miền nam châu Phi vì lo ngại về biến thể này, gồm những nước Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe. Canada sẽ cấm nhập cảnh những công dân nước ngoài đã từng đi qua miền nam châu Phi trong 14 ngày qua...
Đối với Việt Nam, từ kinh nghiệm chiến đấu với chủng Delta trong thời gian qua cho thấy, chỉ cần lọt một trường hợp đã có thể để lại những hậu quả rất lớn. Việc dự phòng và kiểm soát đối với chủng mới là vấn đề mang tính sống còn. Do đó, trong khi còn trong giai đoạn biến chủng mới chưa xuất hiện, công tác chuẩn bị và phòng ngừa lại phải tăng cường thêm một bậc. Ngành y tế cần bám sát thông tin lưu hành của biến chủng và khuyến nghị tăng cường rà soát nhập cảnh với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến chủng mới. Ngành an ninh cần kiện toàn sớm hệ thống kiểm soát định danh để trong thời gian ngắn nhất xác định được các tiếp xúc nguy cơ nếu xác định được trường hợp đầu tiên. Công tác truyền thông cũng cần tăng cường trong thời gian tới nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức và tự dự phòng tốt hơn.
Trong mọi trường hợp, cần định kỳ giải trình tự gien theo tỷ lệ của các bệnh nhân mới ghi nhận, nhất là các ổ dịch mới phát sinh, ổ dịch có yếu tố lây về từ nước ngoài để không bỏ lọt những chủng virus nguy hiểm. Kèm theo đó, việc tiếp cận với các quốc gia, các hãng dược/vaccine để có được thông tin mã di truyền giúp điều chỉnh công nghệ vaccine trong nước là việc cũng phải nhắm tới ngay để có thể có sản phẩm vaccine trong nước cho tiêm mũi tăng cường đặc biệt cho chủng mới. Đây không phải chỉ là vấn đề về chỉ đạo mà cần có những hỗ trợ thiết thực nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất vaccine sinh phẩm chẩn đoán sớm có được sản phẩm cũng như đầu ra cho sản phẩm phục vụ chống dịch.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!