Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 5 năm qua, tỉnh ta đã tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện khâu đột phá chiến lược về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, chú trọng ưu tiên các công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, là tiền đề quan trọng để tỉnh ta tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển xanh, nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.
Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Tây Bắc.
Thực hiện mục tiêu “Xây dựng Sơn La sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, 5 năm qua, tỉnh ta đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm ước đạt 82.010 tỷ đồng, bình quân đạt trên 16.400 tỷ đồng/năm. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, các nguồn lực cho đầu tư phát triển từng bước được nâng cao; kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm được bố trí hợp lý, đa số các dự án triển khai cơ bản đều phù hợp với khả năng thực hiện, phát huy hiệu quả. Cơ chế quản lý đầu tư xây dựng được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp trong quản lý, phát huy tính chủ động, linh hoạt của các địa phương. Đặc biệt là chú trọng đầu tư phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, như: vùng dọc Quốc lộ 6, chú trọng hạ tầng đô thị và hạ tầng du lịch để phát huy lợi thế vùng kinh tế động lực, đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; vùng dọc sông Đà phát triển khai thác thác lợi thế để nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch; vùng cao và biên giới, quan tâm ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho nhiệm vụ bảo đảm giữ vững địa bàn vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, vùng tái định cư các nhà máy thủy điện được tỉnh quan tâm, tăng cường các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, ổn định sản xuất, định canh, định cư, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân...
Trung tâm huyện Sốp Cộp.
Điểm nhấn về hạ tầng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và đóng góp của toàn xã hội, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể, trực tiếp của người dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tổng các nguồn vốn huy động, lồng ghép, bố trí cho xây dựng trên địa bàn các xã nông thôn trong 5 năm qua khoảng 25.691 tỷ đồng, chiếm 31,3% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh; trong đó, vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư xây dựng 1.275 công trình hạ tầng kỹ thuật với tổng kinh phí 868,420 tỷ đồng. Về hạ tầng giao thông nông thôn, hạ tầng thủy lợi cũng được đầu tư rất lớn theo hướng đa mục tiêu, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Phong trào làm đường giao thông nông thôn được thực hiện theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm”; được nhân dân đồng thuận cao nên chỉ trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã thực hiện cứng hóa mặt đường bằng bê tông được 9.645 tuyến/2.370 km, với tổng kinh phí đầu tư 2.519,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 798,9 tỷ đồng, chiếm 31,7%. Ước đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, không còn xã khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí về nông thôn mới; Thành phố Sơn La được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Bệnh viện Đa khoa 550 giường.
Hạ tầng kỹ thuật đô thị được mở rộng, cảnh quan đô thị thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc, tỷ lệ đô thị hóa nhanh. Thành phố Sơn La đã được công nhận là đô thị loại II; các đô thị Hát Lót và Mộc Châu được công nhận là đô thị loại IV; các khu trung tâm hành chính huyện Sốp Cộp, Quỳnh Nhai được công nhận đạt đô thị loại V. Hệ thống hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư theo hướng kết nối đồng bộ, nhiều công trình hoàn thành được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường liên kết vùng; một số dự án giao thông quan trọng được khởi động triển khai để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo, như tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La, dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản, tuyến tránh thành phố Sơn La.
Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sơn La gắn với khu căn hộ shophouse tại Thành phố.
Cùng với đó là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cũng từng bước được đầu tư hoàn thiện; hiện, Khu công nghiệp Mai Sơn và 3 cụm công nghiệp (Mộc Châu, Gia Phù, Quang Huy) đã đi vào hoạt động. Về hạ tầng năng lượng, nhất là hạ tầng điện được quan tâm đầu tư, tỷ lệ hộ được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia tăng từ 86,7% năm 2015 lên 97,5% năm 2020. Hạ tầng thương mại, bưu chính, viễn thông, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao và du lịch... được đầu tư ngày một đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và tăng khả năng tiếp cận của các tầng lớp nhân dân.
Công trình kè suối Nặm La (Thành phố).
Một trong những ưu tiên chiếm tỷ trọng lớn về đầu tư kết cấu hạ tầng là lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; đến nay hệ thống trường, lớp học được đầu tư kiên cố hóa, tỷ lệ phòng học kiên cố tăng từ 56,1% năm 2015 lên 63,4% năm 2020, riêng huyện Mộc Châu, đến cuối năm 2019 đã hoàn thành việc xóa phòng học tạm ở tất cả các đơn vị trường học. Mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp, 179 xã, phường đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Việc xây dựng, tôn tạo các khu di tích lịch sử được quan tâm thực hiện, như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Khu di tích Ngã ba Cò Nòi, Khu di tích Cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô; di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp tại bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên. Đặc biệt, công trình Quảng trường Tây Bắc và Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc hoàn thành đã trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết, phát triển của Sơn La, có ý nghĩa to lớn về lịch sử và văn hóa đối với đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng.
Quốc lộ 37 được đầu tư nâng cấp.
Những đột phá về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển theo hướng đồng bộ đã tạo ra xung lực mới, thực sự là động lực phát triển cho tỉnh Sơn La. Thành công này là lời mời hấp dẫn và thuyết phục nhất để hàng loạt nhà đầu tư lớn các tỉnh miền xuôi đến tìm hiểu và lựa chọn Sơn La là điểm lý tưởng ở khu vực Tây Bắc để bỏ vốn đầu tư. Làn sóng này cũng đang tạo ra bước ngoặt tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm, chất lượng tăng trưởng bền vững, tạo tiền đề, sức bật mới để tỉnh ta tiếp tục vươn lên tầm cao mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!