Quan tâm phát triển thương mại điện tử

Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ với khách hàng, đối tác trong và ngoài nước, thúc đẩy hoạt động thương mại. Đa số các doanh nghiệp hiện nay đều nhận thức được việc ứng dụng thương mại điện tử vào các hoạt động kinh doanh, góp phần giảm chi phí, tăng doanh số bán hàng, xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp và mở rộng kênh tiếp xúc khách hàng.

Khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng tại siêu thị Hapromart Sơn La. 

Là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện kế hoạch triển khai phát triển TMĐT trên địa bàn, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hạ tầng ứng dụng thương mại điện tử. Chỉ riêng năm 2016, Sở đã hỗ trợ 5 đơn vị là Công ty TNHH Bắc Sơn (Bắc Yên), Hợp tác xã Hợp Lực (Mai Sơn), HTX cơ khí Xuân Hải (Quỳnh Nhai), Công ty cổ phần thương mại Duy Khánh (Thành phố) và Trung tâm ong - Hội Ngành nghề nông nghiệp tỉnh xây dựng trang web thương mại điện tử. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại thường xuyên cập nhật, đăng tải, cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách, danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh để các doanh nghiệp cập nhật. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trang bị máy vi tính và ứng dụng thương mại điện tử trao đổi thông tin, tìm kiếm thị trường. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 98,9% doanh nghiệp sử dụng phần mềm soạn thảo văn bản, 90,4% doanh nghiệp trang bị phần mềm kế toán, phần mềm kê khai thuế và phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội...

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh, việc khai thác tiềm năng trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, như: việc sử dụng email trong các hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ chiếm 44,4%. Ngoài các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, có đến 34,8% doanh nghiệp không có cán bộ chuyên trách về TMĐT, 24,6% doanh nghiệp không có chính sách bảo vệ thông tin; chỉ có 31% doanh nghiệp thường xuyên truy cập website của các cơ quan Nhà nước, 45% thỉnh thoảng truy cập và 24% doanh nghiệp chưa bao giờ truy cập. Về sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mới có 46% doanh nghiệp đã từng sử dụng qua các dịch vụ công trực tuyến để tra cứu thông tin, quy trình, thủ tục hành chính. Về hoạt động kinh doanh thông qua các phương tiện điện tử, các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng điện thoại và Fax, rất ít doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh thông qua website của doanh nghiệp. Qua tổng hợp đánh giá doanh thu từ hàng hóa dịch vụ tiếp thị qua kênh thương mại điện tử, hằng năm chỉ có 22,5% doanh nghiệp có chiều hướng tăng; 20,3% doanh nghiệp theo chiều hướng giảm và 57,2% doanh nghiệp gần như không thay đổi.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, nguyên nhân việc triển khai TMĐT trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn là do chưa có nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu về ứng dụng chuyển giao và phát triển công nghệ. Chất lượng của hạ tầng viễn thông, đặc biệt là internet - công cụ hỗ trợ trực tiếp cho thương mại điện tử chưa cao. Nguồn nhân lực TMĐT trong các doanh nghiệp còn hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên trách TMĐT còn thiếu, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm trong việc ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực công nghệ thông tin chủ yếu là làm dịch vụ, cung cấp sản phẩm với quy mô nhỏ lẻ, chưa có chính sách đãi ngộ đối với nhân lực CNTT trong cơ quan Nhà nước cũng như doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp Sơn La tham gia vào các website chỉ xem website là kênh tiếp thị bổ sung để quảng bá hình ảnh và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, do đó chưa đầu tư khai thác hết những lợi ích TMĐT có thể mang lại cho doanh nghiệp. Thậm chí việc đầu tư marketing website để khách hàng biết đến cũng chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức, có số lượng người truy cập rất khiêm tốn.

Để khắc phục những hạn chế trong phát triển TMĐT, hiện nay, Sở Công Thương đang tiếp tục triển khai đề án: “Ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực công thương” và “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp trang thông tin điện tử đang hoạt động có hiệu quả thành website điển hình trong ứng dụng TMĐT”. Đồng thời, vận động cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đẩy mạnh ứng dụng các phương tiện điện tử vào hoạt động kinh doanh. Chủ động nắm bắt kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, điều chỉnh cơ cấu sản xuất, đầu tư thiết bị, phương thức kinh doanh, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành, nhất là các dịch vụ bưu chính viễn thông. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 100% các giao dịch giữa cơ quan hành chính Nhà nước với doanh nghiệp và công dân được thực hiện trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh hoặc qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; 40% hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở cung cấp điện, nước, viễn thông và truyền thông sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới