Ngày 8/8, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh năm 2024.
Dự hội thảo có các đồng chí: Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Năm 2023, chỉ số PAPI của tỉnh Sơn La đạt 42,3 điểm, đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2022, thuộc nhóm điểm trung bình cao của cả nước. Tuy tăng bậc nhưng các chỉ số nội dung có mức độ gia tăng điểm số không đều, kết quả chưa mang tính ổn định, bền vững. Trong 8 chỉ số nội dung có đến 5 chỉ số ở nhóm trung bình thấp, như: Tham gia của người dân cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Qua phân tích cho thấy, có nhiều nguyên nhân, trong đó, việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước đến người dân chưa thường xuyên, mức độ chưa sâu; việc lựa chọn mẫu điều tra chỉ số chưa thật sự phù hợp để đánh giá hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính quyền các cấp của tỉnh; nhiều địa phương được chọn điều tra còn nằm trong diện điều kiện kinh tế khó khăn. Việc giải quyết TTHC còn nhiều hạn chế, vẫn còn hồ sơ TTHC chậm xử lý; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng internet còn thấp; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ chưa cao, chưa giải đáp kiến nghị, khúc mắc của người dân kịp thời, đầy đủ…
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ và trao đổi những nội dung về chỉ số PAPI, kinh nghiệm thực tiễn của các tỉnh, thành, khuyến nghị một số giải pháp cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Sơn La. Trong đó, nhấn mạnh, tỉnh Sơn La cần thực hiện đầy đủ nhiệm vụ niêm yết công khai kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất trực tiếp tại UBND xã và trực tuyến trên cổng thông tin điện tử; áp dụng các biện pháp giảm thiểu những tồn tại, hạn chế trong xử lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nâng cao chất lượng bệnh viện công tuyến huyện, tăng khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ y tế từ cơ sở. Ngoài ra, tỉnh cần hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc qua dịch vụ công lưu động đến tận thôn, bản; cải thiện khả năng tiếp cận và độ thân thiện với người dùng của các cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công địa phương…
Trên cơ sở chia sẻ, phân tích của chuyên gia, đồng chí Lê Hồng Minh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia để tham mưu đề xuất các giải pháp. Trong đó, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm giải trình, đối thoại với người dân; kịp thời giải quyết dứt điểm các kiến nghị và hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thường xuyên khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng các dịch vụ công; đẩy mạnh việc công khai minh bạch các thông tin, số liệu thuộc phạm vi quản lý; tổ chức lấy ý kiến của người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin, nộp hồ sơ trực tuyến, đảm bảo hiệu quả, chất lượng… góp phần cải thiện, nâng cao hơn nữa chỉ số PAPI trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!