Giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp - TTCN phát triển

Hướng tới mục tiêu đưa công nghiệp Sơn La phát triển, là chỗ dựa vững chắc, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh... Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, cùng với những nỗ lực đã và đang triển khai, cần phải có nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy công nghiệp - TTCN phát triển bền vững...

Công nhân Xí nghiệp giầy Ngọc Hà (Phù Yên) trong ca làm việc.

Bà Phạm Thị Doan, Phó Giám đốc Sở Công thương, thông tin: Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, những năm gần đây, định hướng phát triển công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là công nghiệp điện, công nghiệp chế biến nông sản như chè, cà phê, sữa, đường, tinh bột sắn... Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động như sản xuất giầy da, may công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành các nhà máy tập trung tại các huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Phù Yên và Thành phố Sơn La; các cơ sở công nghiệp cũng đã bắt đầu được hình thành, được định hướng và có những bước đi rõ nét, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, để lĩnh vực này phát triển thực sự bền vững, chúng ta cần phải tập trung đầu tư có trọng điểm vào phát triển sản phẩm chủ lực có tiềm năng, lợi thế gắn với đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ quản lý nhằm gia tăng giá trị của các sản phẩm công nghiệp. Đồng thời, tập trung vào nâng cao chất lượng các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, tạo ra sản phẩm xuất khẩu và thu hút nhiều lao động, như các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, thủy điện, vật liệu xây dựng và may mặc, giầy da. Cùng với đó, cần quan tâm phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống và thủ công mỹ nghệ ở các vùng nông thôn để giải quyết việc làm, thúc đẩy nhanh công nghiệp hóa nông thôn gắn với khai thác du lịch; phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ với ngành nghề đa dạng. Hằng năm, cần phải rà soát, bổ sung các dự án phát triển công nghiệp phù hợp với thực tế và giai đoạn phát triển. Trong đó, cần quan tâm tới việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước của các nhà đầu tư thực hiện các dự án cụ thể để phát triển công nghiệp theo quy hoạch, định hướng của tỉnh.

Cùng với các giải pháp trên, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp - TTCN theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, hàm lượng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, cần phải tập trung đổi mới công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật theo hướng chính là hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất; không đầu tư, nhập khẩu thiết bị, công nghệ lạc hậu. Tập trung thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp vào các cụm đã được quy hoạch; ưu tiên thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động, các dự án chế biến gắn với vùng nguyên liệu, góp phần công nghiệp hóa nông thôn, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động. Đồng thời, các huyện, thành phố cần tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và bố trí một phần ngân sách của địa phương để tập trung hoàn chỉnh hạ tầng các cụm công nghiệp đã được phê duyệt, đáp ứng mặt bằng và hạ tầng thiết yếu nhằm khai thác hiệu quả diện tích đất công nghiệp đã quy hoạch. Ông Nguyễn Đắc Tĩnh, Bí thư Huyện ủy Phù Yên, cho biết: Trên địa bàn huyện đã hình thành  2 cụm công nghiệp, đến năm 2018 sẽ tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động. Hiện tại, các cụm công nghiệp với xí nghiệp giầy da, nhà máy gạch tuynel đã tạo được việc làm cho gần 2.000 lao động và đang hình thành cụm công nghiệp Gia Phù với nhà máy may Tâm Việt. Quan điểm của huyện là đồng hành cùng với doanh nghiệp, vướng mắc ở đâu huyện sẽ cùng giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đến với huyện. Đến nay, đã ứng từ nguồn ngân sách huyện gần 8 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, làm đường, kéo điện...

Giải pháp tiếp theo trong lộ trình phát triển công nghiệp - TTCN cần phải quan tâm, đó là: Đổi mới việc hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho người lao động, đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với các nhà máy, đảm bảo cho người lao động có thể làm việc tại các cơ sở sản xuất sau khi được đào tạo. Cùng với đó, cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, quảng bá sản phẩm, đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp trong nước và nước ngoài. Tạo điều kiện cho các hội ngành nghề được hình thành, hoạt động và phát triển nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục theo hướng nhanh gọn, đề nghị bãi bỏ các khâu, các thủ tục không cần thiết, hoàn thiện và thực hiện tốt trong lĩnh vực đầu tư...

Để những năm tới công nghiệp - TTCN tỉnh ta phát triển, có bước tiến vững chắc, hình thành được các dự án bền vững, tiếp tục giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương, tăng thu nhập cho người lao động, ngoài các giải pháp trên thì cần có sự chung tay, quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp để đẩy mạnh mở rộng quy mô phát triển các cơ sở công nghiệp hiện có, thu hút các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực công nghiệp. Qua đó, sẽ góp phần thúc đẩy, hình thành nhanh đô thị, phát triển dịch vụ, sẽ tác động trở lại thúc đẩy công nghiệp, thương mại phát triển nhanh hơn, nhiều ngành nghề, sản phẩm hơn, tạo nhiều việc làm, góp phần thực hiện thắng lợi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động theo nghị quyết mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Ngọc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới