Cấp phó có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

Đây là một trong những nội dung mới được quy định tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đang được lấy ý kiến rộng rãi cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ảnh minh họa.

Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) đã quy định giao quyền cho cấp phó về xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tạm giữ người theo thủ tục hành chính nhưng chưa có quy định cụ thể về việc cấp trưởng được giao quyền cho cấp phó áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC. 

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP theo hướng: Quy định thống nhất hình thức của văn bản giao quyền (là quyết định giao quyền); trách nhiệm của cấp phó được giao quyền phải thực hiện công việc theo quyết định giao quyền và phải báo cáo cấp trưởng về việc thực hiện công việc được giao quyền; khi giao quyền cho cấp phó, cấp trưởng không thực hiện thẩm quyền xử phạt của mình và phải chịu trách nhiệm liên đới về các quyết định do cấp phó được giao quyền thực hiện trong phạm vi giao quyền.Dự thảo Nghị định bổ sung khoản 6 vào Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, theo đó, người được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì cũng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, quyết định cưỡng chế theo quy định của Luật XLVPHC.Theo Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo, hiện nay có 02 ý kiến khác nhau về vấn đề này:Ý kiến thứ nhất: Cấp trưởng không được giao quyền cho cấp phó trong bất kỳ trường hợp nào khác ngoài các trường hợp đã được quy định trong Luật XLVPHC.Ý kiến thứ hai cho rằng cấp trưởng được giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền của mình trong tất cả các quyết định liên quan đến việc XLVPHC. Riêng trường hợp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC và tạm giữ người theo thủ tục hành chính Luật quy định chặt chẽ hơn theo hướng chỉ cho phép cấp trưởng giao quyền cho cấp phó “khi cấp trưởng vắng mặt” vì đây là những biện pháp trực tiếp ảnh hưởng đến quyền tự do thân thể, quyền tài sản của tổ chức cá nhân.Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nói trên, dự thảo Nghị định hiện đang quy định theo ý kiến thứ hai: Bổ sung quy định về việc người được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì cũng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Khoản 6 Điều 5  Dự thảo Nghị định quy định:

“6. Người được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì cũng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, quyết định cưỡng chế theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Việc áp dụng biện pháp tạm giữ người, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt theo quy định tại khoản 2 Điều 87 và khoản 2 Điều 123 Luật xử lý vi phạm hành chính.”Mọi ý kiến đóng góp gửi  về Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp, địa chỉ số 58 - 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc hộp thư điện tử: nhamltl@moj.gov.vn.
Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới