Năm 2023, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đứng đầu trong khối các sở, ngành của tỉnh về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), tỷ lệ đạt 100%. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đã và đang được đơn vị tập trung triển khai, tạo sự hài lòng với tổ chức, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cho biết: Năm 2018, triển khai thực hiện cơ chế “một cửa tại chỗ”, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã thành lập, kiện toàn bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; điều động cán bộ có đủ năng lực, trình độ; đầu tư hệ thống tra cứu văn bản pháp luật, thiết bị đăng ký, lấy số thứ tự giải quyết TTHC tự động. Khi các doanh nghiệp đến nộp hồ sơ giải quyết TTHC, ngoài bộ phận “một cửa”, các phòng chuyên môn trực tiếp giải quyết TTHC cùng phối hợp tiếp nhận, hướng dẫn doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp kịp thời hoàn thiện hồ sơ, thay vì nộp hồ sơ và chờ kết quả xử lý, bổ sung, giảm thời gian đi lại cho doanh nghiệp; công khai, minh bạch chất lượng giải quyết TTHC.
Đẩy mạnh cải cách TTHC, đơn vị đã tập trung nâng cao trách nhiệm, đổi mới tác phong phục vụ của công chức, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Đồng thời, thường xuyên rà soát, thực hiện chuẩn hóa, thống nhất quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền. Mỗi cán bộ, công chức được quán triệt nâng cao trách nhiệm phục vụ với tinh thần “kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả”. Thực hiện phân cấp, phân quyền đến các phòng chuyên môn trong tiếp nhận, quyết định xử lý hồ sơ. Nhờ vậy, hồ sơ TTHC đều được giải quyết đúng và trước hạn; các tổ chức, cá nhân đánh giá mức độ “rất hài lòng” trong quá trình giải quyết TTHC.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hệ thống văn bản quản lý điều hành, hộp thư điện tử công vụ, chữ ký số, phần mềm một cửa điện tử... được quan tâm đẩy mạnh. Rà soát, xây dựng quy trình, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai, kết quả giải quyết TTHC tạo điều kiện nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Cập nhật, công khai TTHC dưới nhiều hình thức khác nhau; đăng tải công khai toàn bộ TTHC, các nội dung cụ thể của từng thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết và phạm vi quản lý của cơ quan vào cơ sở dữ liệu của tỉnh, trên cổng dịch vụ công của tỉnh, đảm bảo thống nhất, chính xác, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức tra cứu.
Là trung tâm đầu mối để doanh nghiệp tiếp cận thông tin, nghiên cứu đầu tư dự án vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết bằng nhiều kênh, như tư vấn trực tiếp, công khai trên cổng thông tin điện tử, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn, giải đáp từng nội dung nhà đầu tư quan tâm. Nhiều dự án, trong đó có dự án của nhà đầu tư FDI chỉ cần cung cấp các thông tin cần thiết, bộ phận chuyên môn sẽ hỗ trợ lập, hoàn thiện hồ sơ đầu tư dự án cho nhà đầu tư.
Năm 2023, có 2 nhà đầu tư được tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát đề xuất dự án vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vân Hồ của Công ty cổ phần hạ tầng và bất động sản Việt Nam và Dự án tổ hợp nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến nông sản Mavin Mai Sơn của Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp cùng các nhà đầu tư khảo sát hiện trạng, vị trí dự kiến đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Mai Sơn (giai đoạn I) và Khu công nghiệp Vân Hồ. Đồng thời, hướng dẫn các nhà đầu tư trình tự hồ sơ, thủ tục, những ưu đãi đầu tư khi đầu tư vào khu công nghiệp; triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tích cực đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin Mai Sơn, cho biết: Tập đoàn Mavin dự kiến lựa chọn Sơn La trở thành địa phương chủ chốt tại khu vực Tây Bắc để đầu tư các lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi và chế biến. Trước mắt, sẽ đầu tư 1 tổ hợp, gồm các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhà máy chế biến nông sản phục vụ thức ăn chăn nuôi, tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, trên diện tích hơn 14 ha tại Khu công nghiệp Mai Sơn. Doanh nghiệp đã được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện về thủ tục đầu tư, tiến độ lập hồ sơ và giải quyết các vướng mắc, hy vọng dự án sẽ sớm được khởi công xây dựng.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng cường cải cách hành chính, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của tỉnh, tạo đòn bẩy thu hút đầu tư, đưa khu công nghiệp trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!