Chế định xử lý hình sự đối với pháp nhân là vấn đề mới, phức tạp chưa có nhiều thực tiễn, vì vậy, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu thận trọng, quy định bảo đảm tính khả thi, tránh đánh đồng giữa pháp nhân và thể nhân trong cách ứng xử…
Bảo đảm tính khả thi trong xử lý trách nhiệm hình sự pháp nhân.
Bộ luật Hình sự năm 2015 lần đầu tiên quy định chế định trách nhiệm hình sự về pháp nhân. Đây là điểm đổi mới nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách hình sự của nước ta, nhằm góp phần khắc phục những hạn chế trong xử lý các vi phạm của pháp nhân thương mại, nhất là các vi phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường.
Nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội. Trong đó, bổ sung nội dung quy định về phân loại tội phạm, đồng phạm, phạm tội có tổ chức, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, tái phạm, tái phạm nguy hiểm áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội vào một số điều của BLHS năm 2015 (các Điều 9, 17, 27, 29 và 53 của BLHS năm 2015).Đồng thời, bổ sung vào Điều 86 của BLHS năm 2015 nội dung quy định về việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội, trong đó có hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn cũng như trường hợp các hình phạt đã tuyên đều là đình chỉ hoạt động có thời hạn về cùng một lĩnh vực để bảo đảm bao quát các trường hợp, tạo thuận lợi cho việc áp dụng quy định này trên thực tế.
Bổ sung vào Điều 89 của BLHS năm 2015 nội dung quy định về xóa án tích cho pháp nhân thương mại bị phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực; theo đó, pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn 05 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án.
Tại phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội về Dự thảo Luật này mới đây, đa số ý kiến tán thành cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân. Tuy nhiên, đề cập đến quy định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Nếu quy định về hình phạt như vậy thì sẽ dẫn đến điều gì?. Khi chúng ta áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động đối với doanh nghiệp có thời hạn hoặc vĩnh viễn thì dẫn đến hệ quả trong doanh nghiệp pháp nhân sẽ có những người lao động không thể chịu trách nhiệm với việc do một nhóm người lãnh đạo của doanh nghiệp đó thực hiện. Đồng thời, liệu có mâu thuẫn với quy định về trình tự phá sản và giải tán doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp hay không? Điều này chúng ta đã tính chưa? Vấn đề nữa, khi một doanh nghiệp có lý lịch tư pháp về vấn đề phạm tội, vậy khi đầu tư ra nước ngoài hoặc khi xuất khẩu nước ngoài hoặc hợp tác với nước ngoài chắc chắn phía đối tác sẽ xem xét vấn đề điểm yếu. Đó là lý lịch tư pháp thì liệu có được sẵn sàng hay không?
“Chúng tôi trân trọng và tha thiết đề nghị Quốc hội xem xét quy định này để rất thận trọng và đây là Bộ luật rất quan trọng để khi đưa vào thực tế nó có tính khả thi”, đại biểu kiến nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, đối với pháp nhân, còn có Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rất cụ thể về các hình phạt, về xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền, đình chỉ có thời hạn, đình chỉ vĩnh viễn. Chế tài xử lý hành chính đối với pháp nhân cũng rất nặng là gấp đôi so với cá nhân.
Theo đại biểu Lê Quân (TP Hà Nội), những hình phạt đề ra trong dự thảo Luật liên quan đến pháp nhân thương mại thì cân nhắc về hình phạt đình chỉ, bởi vì có những vấn đề trên thực tiễn rất đa dạng. Dự thảo có một số quy định là cho phép đình chỉ hoặc phạt tiền thì dẫn đến tình trạng nhiều pháp nhân hoặc sẵn sàng nhận đình chỉ vì không có tiền để nộp phạt hoặc thủ tục thành lập một số pháp nhân hiện nay tương đối dễ.
Đại biểu Lê Quân cũng đề nghị việc miễn trách nhiệm hình sự liên quan đến pháp nhân thương mại cũng nên quy định rõ theo một quan điểm thống nhất là lần đầu và trước khi phát hiện đã có giải pháp xử lý ngăn chặn hay là đã phát hiện rồi và có những giải pháp xử lý khắc phục. “Tôi đề nghị thì khi pháp nhân thương mại với rất nhiều tội liên quan như tội trốn thuế, tội bảo hiểm xã hội... thì chúng ta thấy khắc phục hậu quả có thể miễn trách nhiệm”, đại biểu Quân nói.
Mặt khác, đại biểu Lê Quân cũng chỉ ra Dự thảo luật chưa đề cập đến trường hợp pháp nhân thương mại bị phát hiện vi phạm nhưng đã sáp nhập mua bán lại và chuyển đổi chủ doanh nghiệp hoặc vấn đề xóa án tích khi những vấn đề sau mua bán, chuyển nhượng. Bởi vì, có những vấn đề một số pháp nhân đã cố tình chuyển đổi chủ hoặc một nhà chủ, nhà đầu tư mua lại một số doanh nghiệp khác nhưng sau đó gặp phải những vấn đề thì có thể rủi ro cho các nhà đầu tư.
Theo quy định tại Điều 89, trong trường hợp pháp nhân thương mại bị đình chỉ hoạt động có thời hạn đến 3 năm và pháp nhân thương mại bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực đều có thời hạn bị ngừng hoạt động đến khi được xoá án tích là như nhau, ở đây là 5 năm. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, cần nghiên cứu xác định lại thời hạn xóa án tích trong trường hợp pháp nhân thương mại bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực theo hướng lâu hơn so với thời hạn xóa án tích trong trường hợp pháp nhân thương mại bị đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Phân tích khoản 5, Điều 17 quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4, đại biểu Nguyễn Văn Hiển nêu Dự thảo Luật chưa phản ánh được chính xác tính chất đồng phạm của pháp nhân thương mại, vì khái niệm người đồng phạm ở đây chỉ phù hợp cho việc giải thích các loại người đồng phạm là thể nhân, không phù hợp để giải thích cho khái niệm người của pháp nhân thương mại đồng phạm. Mặt khác, quy định trên cũng không giải thích được trường hợp 1 người và 1 pháp nhân thương mại cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì có phải là đồng phạm không, do vậy cần nghiên cứu đưa ra một khái niệm bao quát và chính xác hơn.
Thống nhất nội dung sửa đổi thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 27), song đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) lưu ý, để công tác điều tra, truy tố, xét xử không để xảy ra việc lạm quyền, quan sai, sót lọt tội phạm, cần làm rõ khái niệm pháp nhân thương mại phạm tội cố tình trốn tránh, cản trở việc truy cứu trách nhiệm hình sự như quy định tại Khoản 4 để bảo đảm thực hiện trong thực tiễn./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!