Những ngày cuối năm 2022, đầu năm 2023, tôi may mắn được cùng gần 60 phóng viên các báo Trung ương và địa phương, tham gia cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân đến thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1; cơ quan dân chính Đảng huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vượt qua hàng trăm hải lý giữa lúc biển động cấp 6, cấp 7 sóng to, gió lớn, khắc nghiệt và chống trọi với những cơn say sóng, lần đầu tiên bước lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, đối với tôi là một dấu ấn không thể nào quên.
Trong chuyến hải trình lần này, hầu hết phóng viên, nhà báo đều lần đầu tiên tác nghiệp tại Nhà giàn DK1, vì vậy, ai cũng háo hức, máy ảnh, máy quay phim được các nhà báo hết sức quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng. Đúng 9 giờ ngày 26/12/2022, sau 3 hồi còi tàu chào tạm biệt đất liền, hai tàu Trường Sa-10 và Trường Sa-21, theo hai tuyến để vận chuyển quà tết từ đất liền đến 15 Nhà giàn DK1. Tôi được bố trí đi tàu Trường Sa-21, gồm cán bộ, chiến sĩ thủy thủ tàu và gần 30 phóng viên, nhà báo đến chúc tết 5 Nhà giàn DK1 (gồm DK1/10, DK1/11, DK1/12, DK1/14, DK1/15) và huyện Côn Đảo.
Ra khỏi cảng chưa bao lâu, sóng biển đã bắt đầu chồm lên, tràn vào boong tàu; con tàu nặng 2 nghìn tấn chao đảo liên hồi giữa những cơn sóng bạc đầu cấp 6, cấp 7. Tiếng nói, tiếng cười và tác nghiệp của các nhà báo thưa dần vì say sóng. Bữa cơm đầu tiên, không mấy ai ăn. Phóng viên Lê Văn Quang, Đài PT-TH tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: Mặc dù đã quen tác nghiệp tại vùng biển thuộc vịnh Bắc Bộ, nhưng chưa bao giờ tôi lại say sóng như thế này.
Sau hai ngày, một đêm vận lộn với các cơn say sóng, 7 giờ tối, tiếng còi tàu Trường Sa 21 vang lên báo hiệu đã đến Nhà giàn DK1/15 thuộc cụm Phúc Nguyên. Quên đi những cơn say sóng, mệt mỏi, tất cả các phóng viên bật dậy, trên tay sẵn sàng máy ảnh, máy quay, chạy hết lên mũi tàu tác nghiệp. Cảm xúc bồi hồi, xúc động khó tả khi nhìn thấy Nhà giàn DK1/15 hiện lên sừng sững, vững chãi giữa biển khơi nghìn trùng sóng gió; những ánh đèn từ Nhà giàn chiếu sáng một vùng mênh mông sóng nước.
Đêm đó, cánh phóng viên hầu như không ngủ, chỉ mong trời mau sáng để được lên Nhà giàn tác nghiệp. 5 giờ sáng, các phóng viễn đều đã dậy, tranh thủ ghi lại cảnh bình minh trên Nhà giàn DK1. Đến 6 giờ, các thành viên trong đoàn công tác tàu Trường Sa-21 có mặt đông đủ trên boong để thực hiện nghi lễ tưởng niệm các các chiễn sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Do biển động mạnh, không thể thả xuồng đưa người lên Nhà giàn DK1/15, nên chỉ chuyển quà qua dây và chúc tết qua bộ đàm. Lúc này, từng cơn gió mạnh và đợt sóng cao 6-7 m liên lục ập đến, khiến còn tàu lắc lư mạnh, rồi chồm lên, ụp xuống. Mặc cho sóng đánh vào người, ai cũng ướt sũng, các phóng viên vẫn mặc áo phao, bọc máy ảnh, máy quay trong những túi nilon, bám trụ ghi lại những hình ảnh thủy thủ tàu thực hiện chuyển hàng tết lên cho các đồng đội trên Nhà giàn. Phóng viên Phạm Bá Nha, Đài PT-TH tỉnh Bình Thuận, cho biết: Không giống như ở đất liền, tác nghiệp trên biển giữa lúc sóng to, gió lớn biển động mạnh, trơn trượt nên rất dễ ngã và máy quay, máy ảnh rất hay bị hỏng do hơi nước muối mặn.
Giây phút khiến đội ngũ phóng viên không giấu nổi niềm xúc động khi chứng kiến lời chúc tết qua bộ đàm; rồi nghe giọng nói của Thiếu tá Phạm Văn Hoàng, Chính trị viên nhà giàn DK1/15 cất lên dõng dạc, quyết tâm qua bộ đàm: Đơn vị sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng biển, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc “còn người, còn nhà giàn”…
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các đợt sóng, gió cấp 7, cấp 8, có lúc giật cấp 9 liên tục ập đến, khiến chúng tôi tiếp tục lỡ hẹn với cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1/11, DK1/14 và DK1/12 tại bãi Tư Chính; chỉ chuyển quà qua dây và qua bộ đàm gửi những lời chúc tốt đẹp, lời ca, tiếng hát thấm đượm tình cảm đến với người lính Nhà giàn.
Sau 8 ngày đánh vật với sóng to, gió lớn, chúng tôi đến Nhà giàn DK1/10, tại bãi cạn Cà Mau, sóng nhỏ hơn, thuận lợi cho việc chuyển quà và đưa người lên Nhà giàn. Tất cả các bộ chiến sĩ, thủy thủ trên tàu Trường Sa 21 lên boong làm nhiệm vụ vận chuyển hàng lên Nhà giàn DK1/10. Các phóng viên, nhà báo cũng khẩn trương bọc máy ảnh, máy quay trong các bao bảo quản chống nước; chuẩn bị sẵn sàng tư trang lên Nhà giàn.
Bước lên Nhà giàn DK1/10, được cán bộ, chiến sĩ chào đón bằng những cái bắt tay, những cái ôm xiết thật chặt, nồng ấm tình cảm như những người thân trong gia đình lâu ngày gặp lại. Các phóng viên tranh thủ thời gian đi khắp Nhà giàn để phỏng vấn, tìm hiểu cuộc sống của các chiến sĩ và khai thác những tư liệu quý cho các bài phóng sự. Phóng viên Đặng Đình Đức, Đài PT-TH tỉnh Sơn La, chia sẻ: Rất vinh dự và tự hào, vì mong ước một lần được đến Trường Sa, đến Nhà giàn DK1 của tôi đã thành hiện thực, giúp tôi có những hình ảnh chân thực nhất về cuộc sống, sự hy sinh, vất vả của cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1.
Tự hào hơn khi chúng tôi là các phóng viên, nhà báo được tham gia Lễ chào cờ cùng cán bộ, chiến sĩ trên nóc Nhà giàn DK1/10; càng thêm yêu biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; cảm phục trước sự hy sinh lặng thầm mà vô cùng cao cả của những chiến sĩ Hải quân luôn chắc tay súng, bám trụ đến cùng, chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Rời Nhà giàn DK1/10, các thành viên trong đoàn công tác rưng rưng xúc động, lòng tự hào dân tộc dâng trào. Một lần được đến Nhà giàn DK1, được nghe, được thấy các chiến sĩ nhà giàn, chúng tôi thấu hiểu được những vất vả, hy sinh của các chiến sĩ. Những câu chuyện về các chiến sĩ hải quân cùng những Nhà giàn DK1 sừng sững, kiên cường giữa muôn trùng sóng gió được chúng tôi truyền tải, chia sẻ ngay cùng bạn đọc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!