Trong tình hình mới, công tác tuyên truyền biển đảo (TTBĐ) của quân đội vừa mang những đặc điểm chung của công tác tuyên truyền của Đảng, vừa thể hiện những đặc điểm riêng do yêu cầu, tính chất nhiệm vụ quân đội quy định.
Công tác tuyên truyền biển, đảo (TTBĐ) của quân đội là tổng thể các hoạt động có mục đích và nguyên tắc, có tổ chức, kế hoạch của các chủ thể trong quân đội; là công tác truyền bá, phổ biến, giáo dục tri thức về biển, đảo và những vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Tọa đàm "Sỹ quan trẻ với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc" (Nguồn: qdnd.vn)
Thứ nhất, mục tiêu công tác TTBĐ của quân đội tập trung vào vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Là một bộ phận công tác TTBĐ của Đảng, công tác TTBĐ của quân đội hướng đến mục tiêu chung của Đảng theo chỉ đạo Ban Tuyên giáo Trung ương. Tuy nhiên, do đặc thù vị trí, vai trò và tính chất nhiệm vụ, mục tiêu công tác TTBĐ của quân đội hướng chủ yếu vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, do đó, công tác TTBĐ của quân đội tập trung vào những nội dung về lịch sử, cơ sở pháp lý chủ quyền, quan điểm của Đảng về bảo vệ chủ quyền, thực trạng chủ quyền và hoạt động bảo vệ chủ quyền của lực lượng vũ trang nhân dân là chính; định hướng tư tưởng và thông tin nhanh chóng, chính xác về tình hình biển đảo, góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng, tình cảm cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân...
Thứ hai, chủ thể công tác TTBĐ của quân đội là cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, được biên chế thành các quân, binh chủng, quân khu, quân đoàn... hoạt động theo nguyên tắc chỉ huy - phục tùng theo điều lệnh, điều lệ. Hoạt động TTBĐ được tiến hành bởi nhiều cấp, nhiều tầng, có tổ chức, kế hoạch cao, dựa trên nền tảng công tác Đảng, công tác chính trị của quân đội. Chủ thể trực tiếp tuyên truyền biển, đảo của quân đội có số lượng đông đảo, loại hình chuyên môn phong phú, chất lượng khá đồng đều. Đa số có trình độ văn hoá từ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Cán bộ, chiến sỹ trong quân đội thường xuyên được giáo dục chính trị, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị. Khi được tuyên truyền, giáo dục về công tác TTBĐ thì đều có khả năng chuyển hoá thành chủ thể tuyên truyền biển, đảo trong đơn vị và ngoài địa phương.
Chủ thể tuyên truyền biển đảo trong quân đội còn là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa là đối tượng chủ yếu, vừa là chủ thể có ưu thế về tri thức kinh nghiệm thực tiễn sinh động phong phú và có sức thuyết phục cao. Hơn nữa, lực lượng quân đội lại có mặt trên mọi địa bàn dân cư, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo, quần đảo với mối quan hệ truyền thống “quân với dân như cá với nước”, với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây là điều kiện rất quan trọng để công tác TTBĐ của quân đội đạt được hiệu quả tuyên truyền, giáo dục cao.
Thứ ba, đối tượng và phạm vi TTBĐ của quân đội rộng lớn, đa dạng. Là một bộ phận của công tác TTBĐ của Đảng, Nhà nước, công tác TTBĐ của quân đội có lớp đối tượng tuyên truyền rộng lớn, đa dạng, trong đó đối tượng cơ bản trước hết là lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động... các cấp trong quân đội. Đối tượng còn bao gồm các cấp chính quyền, đoàn thể và tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên địa phương, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài...
Trong đó, đối tượng cán bộ, chiến sĩ trong quân đội là đối tượng cơ bản, chủ yếu của công tác TTBĐ của quân đội. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương là đối tượng trực tiếp. Quân đội, nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới là đối tượng tác động thông qua tiếp xúc đối ngoại quân sự, các diễn đàn quốc tế, khu vực và phương tiện thông tin đại chúng như: Báo chí, truyền hình, phát thanh, Internet, phim ảnh, giao lưu văn hoá hoặc thực hiện các nhiệm vụ quốc tế cũng như khu vực.
Thứ tư, hình thức, phương pháp TTBĐ của quân đội rất phong phú, sáng tạo, linh hoạt. Sự đa dạng về đối tượng, phạm vi, địa bàn hoạt động quy định hình thức, phương pháp TTBĐ của quân đội. Công tác TTBĐ của quân đội phải kết hợp với các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội để tuyên truyền, giáo dục quân nhân, viên chức quốc phòng trong quân đội. Phối hợp với cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và các đoàn thể xã hội để tuyên truyền nội dung, định hướng tư tưởng cho các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên. Tranh thủ các diễn đàn quốc tế, khu vực, trong nước; sử dụng các phương tiện, kênh truyền thông, Internet, các hoạt động thực hiện nghĩa vụ quốc tế, khu vực, giao lưu văn hoá, quan hệ đối ngoại để tuyên truyền đến các đối tượng... Do vậy, muốn tiến hành có hiệu quả các hoạt động TTBĐ, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phải hết sức chủ động, linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo, bám sát thực tiễn, nắm chắc đặc điểm, nhu cầu tìm hiểu về thông tin tình hình biển, đảo của đối tượng tuyên truyền, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTBĐ của quân đội trong tình hình mới.
Thứ năm, công tác TTBĐ của quân đội luôn gắn với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ mới. Công tác TTBĐ của quân đội được tiến hành trong những hoàn cảnh nhất định. Khi tình hình quan hệ giữa các nước và sự tranh chấp chủ quyền trên biển không có những điểm nóng, các nước có thể đối thoại với nhau để giải quyết mọi vấn đề mâu thuẫn thì trạng thái tâm lý xã hội và dư luận xã hội diễn ra bình thường, khi đó nhiệm vụ tuyên truyền biển, đảo cũng diễn ra trong điều kiện bình thường với nhiệm vụ xác định. Mỗi khi hoàn cảnh thay đổi theo chiều hướng có sự bất đồng trong quan hệ giữa các nước về chủ quyền biển, đảo, xuất hiện điểm nóng có nguy cơ dẫn đến xung đột, thì trạng thái tâm lý và dư luận xã hội cũng biến động mạnh mẽ, đòi hỏi công tác TTBĐ của quân đội cũng phải có những nhiệm vụ mới, với những đặc điểm mới.
Trong bối cảnh hiện nay, tư duy bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc đã có bước phát triển mới. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc không chỉ được tiến hành bằng sức mạnh quân sự mà phải bằng sức mạnh tổng hợp của tất cả các mặt trận: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, ngoại giao, với sự đồng thuận, đại đoàn kết toàn dân tộc và sự ủng hộ quốc tế. Tuyên truyền biển, đảo để tạo nên sự đồng thuận toàn dân tộc và sự đoàn kết quốc tế trở thành phương thức quan trọng để tạo sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Đảng, Nhà nước ta đã nhận rõ vị trí vai trò, tầm quan trọng của công tác TTBĐ và thực sự quan tâm đến công tác này, coi đó là công tác quan trọng, thường xuyên, trở thành nhiệm vụ của toàn Đảng, của hệ thống chính trị xã hội. Quân đội được Đảng, Nhà nước tin cậy giao trọng trách nòng cốt trong toàn bộ mạng lưới tuyên truyền biển, đảo của cả nước.
Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới đặt quân đội vào một nỗ lực mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đó là nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Thế và lực trên biển của chúng ta có bước phát triển mới. Niềm tin của nhân dân vào khả năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc của quân đội ta nâng lên. Tình cảm nhân dân dành cho quân đội ngày càng sâu sắc hơn. Điều đó trực tiếp tác động đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của công tác TTBĐ của quân đội trong tình hình mới. Tuy nhiên, tình hình mới cũng đặt ra cho công tác TTBĐ của quân đội những thời cơ và thách thức mới, nặng nề hơn, cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và kịp thời.
Thứ sáu, công tác TTBĐ của quân đội gắn liền và phục vụ trực tiếp sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
Hoạt động TTBĐ đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Nói và làm theo Nghị quyết Đảng, tuân thủ những quy định của Đảng là nguyên tắc, phương châm hành động của mọi chủ thể công tác TTBĐ của quân đội. Thực hiện đúng đường lối của Đảng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; đồng thời giữ gìn môi trường hoà bình, quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng để phát triển kinh tế. Hơn lúc nào hết, công tác TTBĐ của quân đội phải kịp thời, đi sâu phổ biến, giáo dục, quán triệt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội, làm cho bộ đội nâng cao lòng yêu nước, yêu biển, yêu đảo và nhà giàn, nâng cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu quên mình vì Tổ quốc. Xây dựng lý tưởng cao đẹp, chăm lo lợi ích của đất nước. Thông tin và biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt, những kinh nghiệm điển hình, tiên tiến; động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân phát huy tinh thần tích cực tự giác, năng động, sáng tạo trong đấu tranh, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc và làm kinh tế biển; tuyên truyền vận động nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài có những hành động thiết thực, hướng về biển, đảo quê hương, tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển, xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt... Thực hiện tốt các nhiệm vụ đó là góp phần thiết thực vào việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Công tác TTBĐ là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, linh hoạt, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và các lĩnh vực. Do đó phải bám sát, nắm chắc đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chung, đặc điểm nổi bật của công tác TTBĐ của quân đội, xây dựng kế hoạch, triển khai phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội; tích cực, chủ động, kiên trì đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, có hệ thống, nhằm nâng cao và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò chiến lược của biển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn mới./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!