Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là sự kiện trọng đại mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam. Đây cũng là mốc lịch sử lớn lao của đồng bào các dân tộc Sơn La, từ thân phận nô lệ đã vươn lên thành người làm chủ bản mường.
Nói về sự kiện trọng đại này, nhiều học giả Pháp thừa nhận: “Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính lô-gíc trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam...”[1]. Thế nhưng, một số thế lực luôn tìm cách xuyên tạc những thành quả và giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Tám.
Có luận điểm cho rằng, khi quân Nhật đầu hàng, lực lượng Đồng minh chưa kịp vào Đông Dương, nhờ “khoảng trống quyền lực” xuất hiện vào tháng 8/1945 mà nhân dân ta đã giành được độc lập một cách dễ dàng. Đối với Sơn La, một số người cho rằng khởi nghĩa giành chính quyền thành công là do quần chúng nhân dân “tự đấu tranh” dưới sự chỉ đạo của một số cá nhân, không phải là kết quả lãnh đạo của Đảng. Vì lúc đó Chi bộ Nhà tù Sơn La đã giải tán, cũng không có đảng viên người địa phương trực tiếp lãnh đạo phong trào. Qua đó, họ đưa ra những nhận định hết sức chủ quan khi đánh giá về quá trình khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 ở Sơn La. Cho rằng việc giành được chính quyền ở Sơn La là nhờ “ăn may”, do “chính quyền bị bỏ ngỏ” khi thực dân, phát xít và tay sai hoàn toàn tê liệt…
Đó là nhận thức sai lầm, phủ nhận hoàn toàn vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 ở Sơn La. Sự thật lịch sử đã khẳng định vai trò lãnh đạo xuyên suốt của Đảng trong quá trình vận động cách mạng kể từ khi thành lập Chi bộ Nhà tù Sơn La (12/1939), đặc biệt là giai đoạn khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tháng 8/1945. Đảng lãnh đạo luôn là nhân tố quan trọng nhất, quyết định đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Sơn La.
Phái viên Xứ ủy Bắc kỳ trở lại Sơn La
Đầu năm 1945, cục diện Chiến tranh thế giới lần thứ hai có những chuyển biến căn bản. Hồng quân Liên Xô chuẩn bị tiến công vào sào huyệt phát xít Đức ở Béc-lin. Tại Đông Dương, đêm 9/3/1945, Nhật tiến hành đảo chính hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Để ổn định tình hình, phát xít Nhật dựng lên chính quyền bù nhìn tay sai Trần Trọng Kim và giữ nguyên bộ máy ở cấp tỉnh, huyện, sáp nhập lực lượng lính khố xanh, lính cơ của Pháp thành lực lượng bảo an, trại giám binh đổi thành trại bảo an binh. Ra sức tuyên truyền cho thuyết Đại Đông Á và chính phủ tay sai để lừa bịp, đánh lạc hướng đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.
Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, vạch rõ thời cơ có một không hai để giành lấy chính quyền của dân tộc sắp đến. Nhiệm vụ của toàn dân là phải nhanh chóng chuẩn bị mọi lực lượng để chớp lấy thời cơ, phát động một cao trào chống Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa và chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi đủ điều kiện.
Ở Sơn La, hệ thống chính quyền tay sai ở các châu, mường đổi chủ từ Pháp sang Nhật. Chúng ráo riết thu thập lính khố xanh trong quân đội Pháp trước đây để thành lập lực lượng Bảo an binh cùng quân đội Nhật đóng giữ trên đồi Khau Cả và một số vị trí quan trọng như Vạn Yên, một số châu lỵ trong tỉnh.
Ngày 17/3/1945, giám ngục Sơn La cho chuyển tù chính trị về căng Nghĩa Lộ. Trên đường từ Mường La sang Tú Lệ (Yên Bái), các đồng chí đã đấu tranh tự giải thoát, gần 200 cán bộ, đảng viên của Đảng đã nhanh chóng tỏa về các địa phương hoạt động, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa, giành chính quyền ở các địa phương. Để chuẩn bị cho Sơn La khởi nghĩa giành chính quyền, Xứ ủy đã cử đồng chí Lê Trung Toản quay trở lại cùng đồng chí Chu Văn Thịnh lãnh đạo phong trào. Căn cứ vào chỉ thị mới của Đảng, đồng chí Lê Trung Toản cùng các cán bộ địa phương tiếp tục củng cố, phát triển cơ sở, xây dựng lực lượng và căn cứ địa chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Lúc này ở Mường La và Mường Chanh phong trào lên rất cao, hình thành nhiều tổ thanh niên Cứu quốc với hàng trăm hội viên cốt cán, trong đó nhiều người là binh lính Pháp bỏ về sau ngày Nhật đảo chính. Hai vùng đều thành lập được đội du kích vũ trang tập trung và bán tập trung. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Trung Toản, cơ sở cách mạng không ngừng phát triển, lan rộng ra các vùng Tranh Đấu, Bản Lầm (Thuận Châu), Sông Mã, Yên Châu... ảnh hưởng của phong trào Việt Minh đã lan ra toàn tỉnh.
Khởi nghĩa từng phần ở Sơn La (từ 22/7 - 18/8/1945)
Sau khi nhận được sự lãnh đạo trực tiếp từ phái viên Xứ ủy Bắc kỳ, Sơn La trở thành cơ sở cách mạng vững chắc ở Tây Bắc, phong trào phát triển mạnh nhất ở Mường Chanh, Mường La. Trước khí thế cách mạng ngày càng dâng cao, căn cứ vào nội dung Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau…” của Trung ương, đồng chí Lê Trung Toản và đồng chí Chu Văn Thịnh đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang đánh chiếm châu lỵ, lập khu căn cứ du kích Mai Sơn, sau đó tiếp tục phát triển ra các địa phương khác. Trong lúc đó, ngày 22/7/1945, do ảnh hưởng của chiến khu Vần-Hiền Lương (thuộc Phú Thọ, Yên Bái), phối hợp với Chi đội Giải phóng quân của chiến khu, lực lượng Thanh niên Cứu quốc châu Phù Yên đã tiến hành giành chính quyền thành công. Việc Phù Yên là địa phương đầu tiên giành được chính quyền đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng của nhân dân Sơn La, thôi thúc đội quân khởi nghĩa Mường Chanh nhanh chóng hành động.
Công việc chuẩn bị mọi mặt đang được tiến hành thì cuối tháng 7/1945, đồng chí Lê Trung Toản bị lộ, quân Nhật ở Sơn La chuẩn bị huy động lực lượng khủng bố, đàn áp. Đồng chí Lê Trung Toản đã chỉ đạo hoãn cuộc khởi nghĩa ở Mai Sơn, cùng đồng chí Chu Văn Thịnh và Cầm Minh về xuôi xin chủ trương của Trung ương Đảng.
Về đến Hà Nội, đồng chí Lê Trung Toản được Xứ ủy điều động vào công tác tại Thành ủy; đồng chí Chu Văn Thịnh và Cầm Minh được giới thiệu vào học lớp quân chính do Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức cho cán bộ cấp tỉnh ở chiến khu Hòa-Ninh-Thanh (Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa) để trở về Sơn La lãnh đạo khởi nghĩa. Với bí danh Thạch (Chu Văn Thịnh), Hoan (Cầm Minh), hai đồng chí đã tham dự lớp học từ đầu tháng 8 đến ngày 17/8/1945. Lớp học có khoảng 30 người, gồm các đồng chí cán bộ chủ chốt các tỉnh, thành: Sơn Tây, Hải Dương, Hà Nội, Hà Đông, Hòa Bình… do đồng chí Vương Thừa Vũ làm Hiệu trưởng. Tại đây, các học viên được học đội ngũ, xạ kích, ném lựu đạn, xung phong, đâm lê, chiến thuật đánh du kích; cách xây dựng cơ sở quần chúng, chỉ đạo phong trào cách mạng, nghe giảng về tình hình trong nước và thế giới[2].
Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật. Ngày 9/8/1945, quân đội Xô-Viết tiến công Mãn Châu, tiêu diệt đội quân Quan Đông của Nhật. Ngày 13/8/1945, Nhật phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Ngay trong đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Đến ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương khai mạc ở Tân Trào đề ra những nguyên tắc tiến hành khởi nghĩa, những chính sách đối nội, đối ngoại đảm bảo cho cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn.
Sáng ngày 17/8, lớp học Trường Sơn du kích kháng Nhật bế giảng, đồng chí Chu Văn Thịnh và Cầm Minh mang theo “Quân lệnh số 1”, đi ngày đêm về Sơn La lãnh đạo khởi nghĩa. Lúc này, phong trào cách mạng đang hết sức sôi sục. Các địa phương đều theo dõi sát sao tình hình. Quân Nhật ở Sơn La không còn hống hách, nạt nộ như trước, tên quan hai chỉ huy trên đồi Khau Cả tự sát. Nhân lúc địch rối loạn, ngày 18/8/1945, đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở Mường Chanh đã chủ động thực hiện kế hoạch khởi nghĩa đề ra trước đó, chỉ huy quần chúng nhân dân giành chính quyền thắng lợi ở xã Mường Chanh.
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn La (từ 20/8 đến 26/8/1945)
Ngày 20/8/1945, đồng chí Chu Văn Thịnh và Cầm Minh từ chiến khu lên tới Mai Sơn. Được tin xã Mường Chanh đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, đồng chí Chu Văn Thịnh cử đồng chí Cầm Minh vào Mường Chanh nắm tình hình, cùng các đồng chí ở địa phương tiếp tục triển khai cuộc khởi nghĩa ở châu Mai Sơn, Yên Châu. Với tư cách là đảng viên duy nhất của Sơn La[3] trực tiếp nhận mệnh lệnh khởi nghĩa từ đồng chí Vương Thừa Vũ, đồng chí Chu Văn Thịnh lên Mường La chỉ đạo khởi nghĩa ở tỉnh lỵ và các châu phía Bắc.
Ngày 21/8/1945, ông Đỗ Trọng Thát làm bảo an binh cho Nhật được ta bố trí nằm vùng ở đồn Vạn Yên chạy lên báo tin Hà Nội đã giành được chính quyền. Đồng chí Chu Văn Thịnh đã cấp tốc triệu tập cuộc họp bàn định kế hoạch khởi nghĩa ở các châu, đề ra chủ trương thương thuyết và kế hoạch quân sự đối phó với Nhật nếu chúng không chịu đầu hàng trao vũ khí cho ta. Cụ thể là: Việc giành chính quyền sẽ tiến hành ngay đêm hôm sau (22/8/1945) ở các châu Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, rồi tập trung lực lượng về Pá Giạng-Ít Ong (tả ngạn sông Đà, huyện Mường La) để đề phòng quân Nhật động binh. Sau đó sẽ tiến hành thương thuyết với Nhật, buộc chúng phải đầu hàng, trao toàn bộ vũ khí, công quỹ... Hội nghị còn đề ra chủ trương đối với quan lại, châu phìa, kỳ mục, công chức và Hoa kiều; cử ra Ban lãnh đạo khởi nghĩa gồm 13 người, do đồng chí Chu Văn Thịnh làm Trưởng ban, phân công cụ thể các đồng chí phụ trách giành chính quyền ở các châu; cử ra đại biểu đi thương thuyết với Nhật do đồng chí Chu Văn Thịnh dẫn đầu.
Ngay đêm 21/8, các cơ sở gấp rút tập hợp lực lượng, vũ khí, băng cờ, khẩu hiệu... Từ đêm 22/8/1945, các huyện Mường La, Thuận Châu đã giành chính quyền thắng lợi nhanh chóng. Tại Mường La, đồng chí Nguyễn Tử Du cùng hơn 50 người bí mật bao vây, gây áp lực buộc tri châu Bế Văn Điềm phải đầu hàng (22/8). Cùng lúc ấy, nhà tỉnh trưởng Cầm Ngọc Phương cũng bị bao vây và tước hết vũ khí. Tại Thuận Châu, nghĩa quân từ Sơn La kéo lên bao vây châu lỵ, tri châu Bạc Cầm Quý buộc phải đầu hàng (23/8). Ở Mai Sơn, du kích Muờng Chanh làm nòng cốt cho quần chúng nhân dân tiến vào tước khí giới tri châu Cầm Văn Chiêu, chiếm huyện ly (22/8), sau đó phát huy thắng lợi, cùng đội tự vệ Yên Châu tiến xuống giành chính quyền ở Yên Châu (24/8). Chỉ trong các ngày (từ 22-24/8), nhân dân Sơn La đã nhất tề vùng dậy đánh đổ chế độ áp bức của bọn châu phìa, giành được chính quyền ở Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu.
Sau khi giành chính quyền thành công ở các châu, hình thái bao vây, cô lập quân Nhật ở tỉnh lỵ đã xuất hiện. Căn cứ vào lời “Hiệu triệu của đại biểu Việt Minh đọc trước 20 vạn đồng bào Hà Nội ngày 19/8/1945” do đồng chí Đỗ Trọng Thát đưa lên, đồng chí Chu Văn Thịnh đã kịp thời chỉ đạo kế hoạch thương thuyết với Nhật, nhằm tránh xung đột, đổ máu: “Đối với quân Nhật, chúng ta sẽ rất ôn hòa tránh tất cả những sự xô xát vô ích, bất lợi cho cả đôi bên, đồng thời chúng ta có thể dùng ngoại giao làm cho Nhật hiểu rõ tình thế, tán thành cách mạng Việt Nam và trao khí giới cho ta”[4].
Thực hiện chủ trương đó, đại biểu của ta đã đến gặp quân Nhật để thương thuyết, đưa ra điều kiện Nhật phải trao toàn bộ vũ khí và rút khỏi Sơn La; phải mua bán sòng phẳng trên đường rút quân không được cướp phá, nhũng nhiễu nhân dân. Ta hứa sẽ cung cấp lương thực, phương tiện, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của chúng trên đường rút quân. Qua nhiều lần gặp gỡ, điều kiện cơ bản của ta là Nhật phải trao toàn bộ vũ khí vẫn không giải quyết được. Chúng chỉ nhận trao cho ta vũ khí của Pháp, còn vũ khí của Nhật, chúng chống chế phải đưa về Hà Nội nộp cho quân Đồng minh.
Trước tình hình đó, một mặt ta chấp nhận phần vũ khí của Pháp do chúng giao, mặt khác huy động lực lượng đang tập trung ở tả ngạn sông Đà về tỉnh lỵ bao vây quân Nhật. Đêm 25/8/1945, lực lượng cách mạng tiến vào tỉnh lỵ, ông Lò Văn Mười, nội ứng của ta ra lệnh cho lính bảo an ra hàng, cùng quân khởi nghĩa tỏa đi bao vây quân Nhật. Trước khí thế cách mạng mạnh mẽ, rạng sáng ngày 26/8, quân Nhật chấp nhận giao nộp một số vũ khí rồi vội vã rút quân về Hà Nội. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn La hoàn toàn thắng lợi. Ban cán sự Tỉnh bộ Việt Minh do đồng chí Chu Văn Thịnh làm chủ nhiệm, đồng chí Nguyễn Tử Du làm Phó Chủ nhiệm, cùng Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Sơn La trịnh trọng ra mắt đồng bào tại phố Chiềng Lề.
Vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc giành chính quyền thắng lợi ở Sơn La
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kết hợp chặt chẽ những điều kiện khách quan và chủ quan, giữa đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và sự sáng tạo, tinh thần dũng cảm và sức mạnh đấu tranh của nhân dân. Trong đó, nguyên nhân chủ quan đóng vai trò quyết định, “Điều kiện khách quan dù thuận lợi đến đâu cũng không thể mang lại thắng lợi nếu không có điều kiện chủ quan tốt”[5]. Vì thời cơ cách mạng xuất hiện rồi trôi đi một cách nhanh chóng. Nếu không chuẩn bị đầy đủ, không kịp chớp lấy thời cơ thì dù điều kiện khách quan có thuận lợi đến đâu, cách mạng cũng không thể thành công.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Sơn La là kết quả quá trình chuẩn bị của Chi bộ nhà tù từ năm 1939. Khi thời cơ cách mạng xuất hiện, Xứ ủy Bắc kỳ đã kịp thời cử phái viên lên điều hành công tác chuẩn bị khởi nghĩa ở Sơn La. Sau đó, sự lãnh đạo của Đảng vẫn tiếp tục được thực hiện thông qua đồng chí Chu Văn Thịnh, người đảng viên duy nhất ở Sơn La và đội ngũ cán bộ địa phương. Trong quá trình lãnh đạo giành chính quyền ở Sơn La, đồng chí Chu Văn Thịnh đã khéo léo vận dụng các chủ trương của Đảng vào tình hình thực tế ở Sơn La, đề ra kế hoạch thương thuyết với Nhật để tránh đổ máu. Với vai trò là người lãnh đạo cao nhất ở Sơn La, đồng chí cùng Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã vạch ra được kế hoạch quân sự làm cơ sở cho đấu tranh chính trị, tạo áp lực với chính quyền tay sai, giành chính quyền thành công ở các châu; thận trọng đưa lực lượng vũ trang về tập trung ở tả ngạn sông Đà đề phòng quân Nhật hành động. Trên thực tế, mặc dù lực lượng châu phìa đã đầu hàng, nhưng nếu quân nhật động binh, chúng có thể gây cho cách mạng những tổn thất khó lường. Trong hoàn cảnh cách xa Thủ đô, trung tâm lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa, lại không nhận được sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp trên, đồng chí Chu Văn Thịnh đã cùng Ban lãnh đạo khởi nghĩa hành động kiên quyết, khôn khéo, tập trung sức mạnh quần chúng để trung lập, lôi kéo được đội ngũ tay sai ở các châu, giành chính quyền một cách nhanh chóng.
Có thể thấy sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi của cách mạng Tháng Tám ở Sơn La. Sự lãnh đạo ấy được thể hiện ở sự vận dụng sáng tạo đường lối chính trị đúng đắn của Đảng vào điều kiện cụ thể ở địa phương, thể hiện ở sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức, ở mối liên hệ mật thiết với quần chúng và đặc biệt ở tinh thần đấu tranh quyết liệt của quần chúng nhân dân. Do được Đảng giáo dục từ trước, nên dù số lượng đảng viên rất ít, nhưng đội ngũ cán bộ địa phương và quần chúng nhân dân có tinh thần cách mạng rất cao, vùng lên đánh đổ ách áp bức, bóc lột của đế quốc và tay sai.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám ở Sơn La chứng tỏ đường lối đúng đắn của Đảng đã ăn sâu, bén rễ trong quần chúng. Bài học về sự lãnh đạo của Đảng trong thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Sơn La là một chân lý sáng ngời, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy giai đoạn hiện nay.
[1]. A.Rút-xi-ô (Alain Ruscio), https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/70-nam-cach-mang-thang-tam-va-quoc-khanh-2-9/cach-mang-thang-tam-qua-con-mat-nguoi-nuoc-ngoai-259532, truy cập ngày 15/7/2024.
[2]. https://www.baohoabinh.com.vn/217/63435/Ky-uc-Truong-Son--du-kich-khang-Nhat-hoc-hieu.htm, truy cập ngày 15/7/2024.
[3] Nhiều tài liệu cho thấy đồng chí Chu Văn Thịnh là đảng viên duy nhất ở Sơn La và vùng Tây Bắc khi đó, như cuốn “Sơ thảo lịch sử Cách mạng Tháng Tám khu Tây Bắc” của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Khu ủy Tây Bắc, xuất bản năm 1968; “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Sơn La”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, xuất bản năm 2000; “Hồi ký cách mạng Tây Bắc” của Bình Phương và Trần Quyết, do Ban nghiên cứu lịch sử Đảng khu ủy Tây Bắc và Nhà xuất bản Tây Bắc xuất bản năm 1970 cũng cho biết, đồng chí Chu Văn Thịnh được đồng chí Bình Phương đưa về xuôi, được đồng chí Trường Chinh giao cho đồng chí Trần Độ huấn luyện ở vùng Tía (Hà Đông), có thể đồng chí Chu Văn Thịnh đã được kết nạp Đảng trong thời gian này.
[4] Nguyễn Văn Tố,“Chặt Xiềng, những tài liệu lịch sử từ chính biến tháng Ba đến Cách mạng tháng Tám 1945”, NXB Sự Thật, H.1946, Tr.94.
[5] Trường Chinh, Cách mạng Tháng Tám, NXB Sự thật, H.1955, Tr.19.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!