Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh, từ an ninh - chính trị đến kinh tế, xã hội, đòi hỏi mỗi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ kiến thức lý luận và thực tiễn để lý giải khoa học về quy luật vận động xã hội. Do đó, cần phải có tinh thần “Học tập suốt đời" để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là đào tạo nguồn cán bộ cho Đảng.
Ngày 21/7/1956, đến dự khai mạc lớp nghiên cứu chính trị ở Trường đại học Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chúng ta phải học và hoạt động suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.
Quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” của Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định yêu cầu về việc tự học “Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời”. Bên cạnh đó, Nghị quyết xác định các điều kiện để đáp ứng nhu cầu tự học “Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người”.
Tại Đại hội XIII, một lần nữa Đảng ta yêu cầu “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “Trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”. Đây cũng chính là cơ sở để cán bộ, đảng viên dựa vào nhân dân thực hiện có hiệu quả việc “Học tập suốt đời” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị hiện nay.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc “Học tập suốt đời”, trong những năm qua, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Sơn La luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ giảng viên không ngừng nâng cao nhận thức và chủ động, tích cực, tự giác trong tự học, tự nghiên cứu bằng các hình thức phù hợp, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Chính vì vậy, chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của giảng viên được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ giảng viên được Ban Giám hiệu chọn cử đi đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo quy định; hằng năm giảng viên còn chủ động xây dựng kế hoạch học tập cá nhân để nâng cao trình độ.
Hiện nay, trường có 46 viên chức, trong đó có 35 giảng viên. Trình độ chuyên môn, có 2 tiến sĩ, 36 thạc sĩ, 7 cử nhân; trình độ lý luận chính trị cao cấp và tương đương có 30 đồng chí. Đội ngũ giảng viên đã hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch của trường đề ra. Năm 2023 thực hiện quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về thi giảng viên dạy giỏi các cấp, nhà trường đã tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, đã có 12/12 giảng viên tham dự. Qua hội thi, 12/12 giảng viên đều đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp trường. Nhà trường đã chọn cử 2 giảng viên tham dự Hội thi giảng viên dạy giỏi do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, kết quả có 1 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi xuất sắc và 1 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp Học viện.
Trong cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022 do Ban Chỉ đạo 35 Trung ương chỉ đạo, có 1 giảng viên của trường đạt giải C cấp Trung ương. Cuộc thi lần thứ 3, nhà trường có 6/6 giảng viên đạt giải tại cuộc thi cấp tỉnh, trong đó 2 giải B, 2 giải C và 2 giải khuyến khích.
Về nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, hiện nay đại đa số giảng viên đã tham gia nghiên cứu đề tài các cấp, tham gia hội thảo khoa học các cấp và đạt nhiều kết quả. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học các cấp đã đề xuất được các giải pháp phù hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường. Những kết quả đó tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của Trường Chính trị, là minh chứng cho sự nỗ lực trong quá trình tự học tập vươn lên của đội ngũ giảng viên trong trường.
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu của công tác giảng dạy lý luận chính trị, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn hiện nay, đã và đang đặt ra cho đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nói chung và giảng viên Trường Chính trị tỉnh Sơn La nói riêng phải tiếp tục chủ động nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, kiến thức hơn nữa không chỉ về lý luận chính trị mà cả những vấn đề về thực tiễn. Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh, cần “Khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”, đề cao việc học tập lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng; là công việc cấp bách, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài. Với mỗi giảng viên dạy lý luận chính trị lại càng cần lan tỏa tinh thần học tập và truyền cảm hứng cho học viên về học lý luận chính trị.
Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc tinh thần “Học tập suốt đời” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng viên trường chính trị cần phải nhận thức và thực hiện có hiệu quả một số nội dung cơ bản: Tiếp tục xây dựng hình ảnh người giảng viên trường chính trị là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng; có trình độ chuyên môn, lý luận ngang tầm nhiệm vụ; có tác phong mẫu mực, động cơ đúng, trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
“Học tập suốt đời” là yêu cầu bắt buộc, mang tính nguyên tắc mà giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần phải thực hiện nghiêm túc để tích luỹ tri thức. Phải nêu cao tinh thần tự giác học tập thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những người làm công tác huấn luyện là phải “Thạo nghề nghiệp” và “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”. Quá trình “Học tập suốt đời” mỗi giảng viên phải được xây dựng thành kế hoạch tự học, tự nghiên cứu hằng năm; cần xác định rõ mục tiêu, nội dung tri thức cần đạt được hiệu quả nhất.
Nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi giảng viên phải “Lấy tự học làm cốt” để không ngừng tự học, tự tu dưỡng đạo đức; trau dồi kiến thức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, hướng tới việc xây dựng Trường Chính trị Sơn La đạt chuẩn vào mức 1 năm 2025 và mức 2 vào năm 2030.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!