Tuyên truyền về nông nghiệp, nông thôn, nông dân là mảng đề tài rất rộng, viết không khó, song muốn có tác phẩm báo chí chất lượng lại không dễ, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0, đòi hỏi phóng viên luôn chủ động học hỏi, “lăn xả” với ngành, các địa phương và người sản xuất để có nguồn thông tin đa dạng, phong phú.
Trong thời đại công nghiệp 4.0, nông dân có nhiều cách tiếp cận, chính vì vậy, các tác phẩm báo chí phải sinh động, hấp dẫn, nhiều hình ảnh ở những góc độ khác nhau, có những clip minh họa dễ hiểu, dễ hình dung. Nội dung tuyên truyền chú trọng cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để nhân ra diện rộng.
Để giúp độc giả có cái nhìn toàn diện nhất về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tôi và các phóng viên tích cực bám ngành, bám sát cơ sở để tìm các mô hình hay, gương nông dân tiêu biểu, tìm gặp những nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp để có cái nhìn chuyên sâu hơn. Tập trung tuyên truyền những cách làm mới, hiệu quả, chú trọng đến các số liệu so sánh giữa các địa phương, nêu và giải đáp các câu hỏi vì sao phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất an toàn, xây dựng thương hiệu...
Năm 2022, tôi thực hiện bài viết: "Chuyển đổi số trong nông nghiệp, không đi không thể đến đích". Lựa chọn đề tài này, tôi đã đến trực tiếp các mô hình ứng dụng công nghệ cao của nông dân. Tác nghiệp tại HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tôi đã tìm hiểu việc các thành viên HTX sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet để cập nhật lịch sử canh tác, quản lý hoạt động sản xuất và công khai minh bạch nguồn gốc, xuất xứ, quảng bá sản phẩm, tạo uy tín trên thị trường. Qua cổng thông tin egap, HTX đã kết nối mở rộng đối tác khách hàng cung cấp sản phẩm thanh long ruột đỏ cho hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ Winmart+, xuất khẩu các đơn hàng sang thị trường nước ngoài. ứng dụng.
Sau khi bài viết lên báo, rất nhiều nông dân tại các địa phương khác trong tỉnh đã tìm hiểu, liên kết với HTX để trồng thanh long. Đến nay, HTX đã liên kết với hơn 100 hộ dân tại các huyện Thuận Châu, Mộc Châu và Yên Châu trồng hơn 100 ha thanh long, mỗi năm HTX xuất khẩu hàng nghìn tấn thanh long ruột đỏ.
Hay khi viết về những người nông dân trồng mận ở xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tôi rất ấn tượng khi người nông dân nơi đây đã tự nghiên cứu đặc tính của cây mận hậu, áp dụng kỹ thuật, cho ra những quả mận trái vụ mang lại giá trị cao, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Qua đó, giúp tôi có những tư liệu để tuyên truyền về nông nghiệp trong thời đại 4.0.
Càng đi, càng viết về lĩnh vực nông nghiệp, tôi càng thấy tự hào hơn khi đã góp phần tuyên truyền, chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến với người sản xuất. Hạnh phúc khi được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương Sơn La, tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tác phẩm, chủ động học hỏi, tiếp thu, nhìn nhận những vấn đề mới, những mô hình hay để tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi giúp người sản xuất tiếp cận với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, hòa mình vào xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!