LTS: Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở tăng từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng. Đây là một trong những nội dung được đông đảo nhân dân quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tham gia BHYT. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Thanh Tùng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh về nội dung trên.
Phóng viên: Xin ông cho biết việc Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương, tăng mức lương cơ sở từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng từ ngày 1/7/2024, có tác động đến mức đóng BHYT như thế nào?
Ông Đinh Thanh Tùng: Khi mức lương cơ sở điều chỉnh tăng lên 2.340.000 đồng sẽ tác động đến mức đóng BHYT của các trường hợp tham gia BHYT. Cụ thể, đối với đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, mức đóng tăng tối đa 291.600 đồng/người/năm, từ 972.000 đồng/năm lên 1.263.600 đồng/năm (mức đóng thay đổi theo số lượng thành viên trong cùng hộ gia đình tham gia BHYT). Đối tượng hộ gia đình làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình (được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% mức đóng) và học sinh, sinh viên, mức đóng tăng 145.800 đồng/người/năm, từ 486.000 đồng/năm lên 631.800 đồng/năm. Đối tượng dân tộc thiểu số được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ (ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng), mức đóng của người tham gia BHYT tăng 87.480 đồng/người/năm, từ 291.600 đồng/năm lên 379.080 đồng/năm.
Đối với các nhóm đối tượng khác, do ngân sách nhà nước, tổ chức BHXH đóng và hỗ trợ 100% mức đóng sẽ không chịu tác động của quy định tăng lương cơ sở. Do đó, số người tham gia BHYT tại các nhóm đối tượng này được duy trì ổn định và tăng trưởng.
Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh hiện nay. Khi mức đóng BHYT tăng theo mức lương cơ sở sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT năm 2024 trên địa bàn tỉnh?
Ông Đinh Thanh Tùng: Năm 2024, tỉnh Sơn La phấn đấu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 96,1% dân số có mặt trên địa bàn tham gia BHYT, trong đó, 100% học sinh, sinh viên và từ 90% trở lên hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT. Tính đến hết tháng 6, số người tham gia BHYT là 1.166.617 người, tỷ lệ bao phủ đạt 94,52% dân số.
Mức đóng BHYT tăng lên, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, không ổn định; nhất là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đông con, có hoàn cảnh khó khăn, người dân thuộc các xã lên nông thôn mới trước đây được ngân sách nhà nước đóng 100%, số người tham gia BHYT có xu hướng giảm. Điều đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phát triển người tham gia BHYT và tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh năm 2024 và những năm tiếp theo.
Phóng viên: Ngành BHXH tỉnh có giải pháp như thế nào đảm bảo thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT trên địa bàn? Nhất là việc đảm bảo tỷ lệ bao phủ BHYT tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới?
Ông Đinh Thanh Tùng: Ngành BHXH tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, đến cấp xã trong tuyên truyền, vận động để thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn dân cư, các nhóm đối tượng. Thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT cho các địa phương trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Xây dựng lộ trình khai thác và mở rộng đối tượng tương xứng với tiềm năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Đa dạng hóa công tác xã hội hóa, huy động, vận động sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tặng thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; kêu gọi mỗi công chức, viên chức tặng một thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các xã, phường, thị trấn vùng I, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sử dụng linh hoạt các nguồn lực, từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng chuyển sang hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân.
Bên cạnh đó, ngành BHXH đẩy mạnh cải cách hành chính; tích cực chuyển đổi số; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHYT. Phối hợp với ngành Y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thanh tra liên ngành giám sát việc chấp hành pháp luật về BHYT. Ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát việc gia tăng chi phí khám, chữa bệnh, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Đảm bảo người dân tham gia BHYT được thụ hưởng chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, hướng tới BHYT toàn dân.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mức đóng BHYT từ 1/7/2024 * BHYT hộ gia đình: Khi tham gia, bắt buộc phải tham gia đối với 100% thành viên hộ gia đình. - Mức đóng: 4,5% mức lương cơ sở/tháng, tương ứng là 105.300 đồng/tháng. Giảm trừ mức đóng của các thành viên trong cùng hộ như sau: + Người thứ nhất: Đóng 1.263.600 đồng/năm. + Người thứ 2: Đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất, tương ứng 884.520 đồng/năm. + Người thứ 3: Đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất, tương ứng 758.160 đồng/năm. + Người thứ 4: Đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất, tương ứng 631.800 đồng/năm. + Người thứ 5 trở đi: Đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất, tương ứng 505.440 đồng/năm. * Hộ gia đình làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình: 631.800 đồng/năm. * Học sinh, sinh viên: 631.800 đồng/năm. * Dân tộc thiểu số được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ: 379.080 đồng/năm. |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!