Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Bảo hiểm y tế và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009 và Chính phủ quyết định lấy ngày 1/7 hằng năm là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam. Hơn 14 năm qua, các quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế không ngừng được nâng cao, mở rộng, nhất là quyền lợi tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên, thực sự mang lại công bằng trong việc chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân; giúp người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại.
Những lợi ích thiết thực
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), từ ngày 1/1/2015, người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến) sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Qua đó, giúp nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, mãn tính, như: Suy thận, tim mạch, tiểu đường... có điều kiện điều trị bệnh và các gia đình có mức thu nhập thấp, người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa giảm bớt gánh nặng chi phí khám bệnh, xét nghiệm và điều trị bệnh.
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Duyên, 37 tuổi, tổ 5, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, phát hiện suy thận từ năm 2016, từ đó đến nay, nhờ có thẻ BHYT hỗ trợ chị khi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến Trung ương. Cuối năm 2022, khi chị thực hiện ghép thận tại Bệnh viện Việt Đức, chi phí lớn hơn 6 tháng lương cơ bản, nhưng nhờ chị tham gia BHYT liên tục 5 năm, thay vì chỉ được hưởng 80% chi phí, chị đã được hưởng 100% viện phí, chi phí vật tư, thuốc điều trị thuộc danh mục BHYT hỗ trợ.
Chị Duyên chia sẻ: Chỉ riêng ghép thận, tổng chi phí lên đến 300 triệu đồng, thì BHYT đã chi trả cho hơn 60 triệu đồng tiền viện phí, chi phí vật tư, thuốc điều trị thuộc danh mục BHYT hỗ trợ, nên giảm gánh nặng cho gia đình. Hiện nay, thẻ BHYT tiếp tục giúp tôi điều trị phục hồi hằng tháng tại các bệnh viện ở Hà Nội. Vì vậy, tôi nghĩ, mọi người nên tham gia BHYT.
Còn chị Lê Thị Hương Liên, 50 tuổi, sống tại tổ 3, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tháng 12/2022, chị bị mắc bệnh hoại tử xương; kết hợp với bệnh nền tiểu đường 17 năm, nên quá trình điều trị của chị phải qua nhiều bệnh viện từ tuyến tỉnh đến Trung ương, tổng chi phí điều trị gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ có thẻ BHYT, gia đình chị chỉ phải chi trả hơn 300 triệu đồng tiền viện phí, chi phí vật tư, thuốc điều trị thuộc danh mục BHYT hỗ trợ. Riêng đợt mổ tại Bệnh viện 108, tổng chi phí hết hơn 130 triệu đồng, nhờ thẻ BHYT của chị đủ điều kiện tham gia 5 năm trở lên, nên được BHYT chi trả hơn 80 triệu đồng, giảm gánh nặng kinh tế gia đình.
Chị Liên cho biết: Do có tiền sử bệnh tiểu đường, hằng tháng, tôi phải đến bệnh viện kiểm tra định kỳ. Tôi tham gia đều đặn BHYT hằng năm nên được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực. Hiện nay, các chế độ hưởng của BHYT ngày càng được mở rộng, nhất là hưởng chế độ BHYT 5 năm liên tục trở lên, hưởng 100% chi phí viện phí, chi phí vật tư, thuốc điều trị thuộc danh mục BHYT hỗ trợ.
Toàn tỉnh đang có 1.170.671 người tham gia BHYT, trong đó, trên 117.000 người tham gia đủ 5 năm liên tục trở lên, đồng nghĩa với từng đó người dân đang được hưởng chế độ, chính sách ưu tiên của Nhà nước mỗi khi ốm đau phải vào viện khám, chữa bệnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 405.227 lượt bệnh nhân được giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT, với tổng chi phi phí gần 326 tỷ đồng.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT
BHXH tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiệp vụ; tham gia chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình, nghiệp vụ của ngành, bảo đảm an toàn dữ liệu, an ninh mạng. Phối hợp với ngành Y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT; quyền lợi khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT ngày càng được mở rộng, hàng loạt các dịch vụ kỹ thuật cao, có chi phí lớn được quỹ BHYT chi trả, giảm khó khăn về tài chính cho người tham gia, nhất là với người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, các đối tượng chính sách xã hội và trẻ em dưới 6 tuổi, tạo niềm tin đối với nhân dân.
Bên cạnh đó, ngành BHXH tỉnh cập nhật số định danh điện tử, CCCD của người tham gia BHYT đồng bộ với dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, có 1.061.547 người tham gia BHYT được đồng bộ với dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ 90% tổng số người tham gia BHYT; tuyên truyền người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số.
Ngành Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh nâng cao chất lượng dịch vụ thụ hưởng cho người tham gia BHYT. Ông Trần Đắc Thắng, Giám đốc Sở Y tế, nói: Hiện nay, toàn bộ 227 cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh, đã triển khai tiếp đón người bệnh khám, chữa bệnh BHYT bằng ứng dụng VssID hoặc CCCD có gắn chíp thay thế thẻ BHYT giấy. Từ đầu năm đến nay, đã có trên 11.000 lượt người thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng ứng dụng VssID hoặc CCCD tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người đến khám, chữa bệnh.
Hướng tới BHYT toàn dân
Từ 1/7, mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, đồng nghĩa với mức đóng BHYT tăng lên, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia BHYT của nhân dân. Vì vậy, việc duy trì, phát triển bền vững các nhóm đối tượng đã và đang tham gia BHYT, tăng nhanh diện bao phủ, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, là mục tiêu mà BHXH Sơn La hướng tới.
Ông Đinh Thanh Tùng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: BHXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, đến cấp xã trong tuyên truyền, vận động để thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền và phù hợp với từng địa bàn dân cư, các nhóm đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Đa dạng hóa công tác xã hội hóa, huy động, vận động sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; kêu gọi mỗi công chức, viên chức tặng một thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các xã, phường, thị trấn thuộc vùng I, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sử dụng linh hoạt các nguồn lực, từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng chuyển sang hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân. Tăng cường quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHYT...
Từ đầu năm đến nay, ngành BHXH phối hợp với UBND các xã tổ chức 223 hội nghị tuyên truyền trực tiếp chính sách BHYT cho gần 7.700 người, có 3.442 người đăng ký tham gia BHYT tại hội nghị. Đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 60 đơn vị, truy thu trên 116 triệu đồng vào quỹ BHXH, BHYT... BHXH tỉnh vận động xã hội hóa tặng 600 thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH tỉnh ủng hộ một ngày lương tặng thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Phù Yên, Mường La, mỗi huyện 100 thẻ BHYT, tổng trị giá trên 60 triệu đồng.
Quyền lợi của người tham gia BHYT không ngừng được nâng cao, mở rộng, nhất là quyền lợi tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, giúp nhân dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh; đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn và mang lại hạnh phúc cho nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!