LTS: Theo Luật BHXH 2014, người từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì được tham gia BHXH tự nguyện. Từ khi triển khai thu BHXH tự nguyện tháng 1/2008 đến nay, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện so với số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh ta còn rất khiêm tốn. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Quân, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh về vấn đề này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho người dân tại Bộ phận một cửa BHXH huyện Thuận Châu.
PV: Xin ông cho biết tình hình tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Nguyễn Thế Quân: Tỉnh Sơn La cũng như các tỉnh khác trong khu vực Tây Bắc và cả nước, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện so với số người trong độ tuổi lao động còn rất khiêm tốn; từ khi triển khai thu BHXH tự nguyện tháng 1/2008 đến nay, số người tham gia tăng qua các năm rất ít, chủ yếu là các đối tượng đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí và cán bộ bán chuyên trách cấp xã. Năm 2008, toàn tỉnh có 130 người tham gia, đến năm 2013 có 1.174 người tham gia, đến năm 2015 có 2.408 người tham gia và đến 30/9/2018 có 2.061 người tham gia BHXH tự nguyện chiếm tỷ lệ 0,3% tổng số người trong độ tuổi lao động; chưa đạt chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của UBND tỉnh giao thực hiện theo Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị là số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 2,6% so với số người trong độ tuổi lao động.
PV: Thưa ông! Quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện như thế nào?
Người tham gia BHXH tự nguyện khi đủ các điều kiện theo quy định được hưởng chế độ hưu trí, chế độ tử tuất hoặc BHXH 1 lần. Đối với chế độ hưu trí, người tham gia BHXH tự nguyện cần có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu hằng tháng. Từ ngày 1/1/2018, tỷ lệ đóng và hưởng lương hưu có sự thay đổi. Theo đó, đối với nữ, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Đối với nam, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 16 năm đã đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2019 là 17 năm, 2020 là 18 năm, 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm; sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2% mức tối đa bằng 75%.
Người có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75% khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Cứ mỗi năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Đối với chế độ tử tuất, người tham gia BHXH tự nguyện có tổng thời gian đóng BHXH đủ 60 tháng trở lên hoặc có đủ 12 tháng đóng BHXH bắt buộc trở lên, người đang hưởng lương hưu hoặc đang hưởng trợ cấp tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở. Với trợ cấp tuất hằng tháng, người tham gia BHXH tự nguyện chết thì thân nhân được trợ cấp tuất hằng tháng nếu đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên và chưa hưởng trợ cấp BHXH 1 lần, đang hưởng trợ cấp tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc đang hưởng lương hưu mà trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; trường hợp chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng.
Đối với BHXH một lần, điều kiện hưởng là đối với nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH, với các lý do: ra nước ngoài để định cư; người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS... và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần. Mức hưởng BHXH một lần tính theo số năm đã đóng BHXH, mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện khi hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT do quỹ BHXH đảm bảo.
PV: Xin ông cho biết những quy định về mức đóng và quy trình thủ tục đăng ký khi tham gia BHXH tự nguyện?
Ông Nguyễn Thế Quân: Để được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, người lao động tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng bằng 22% mức thu nhập tháng đã lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm cơ sở để tính đóng BHXH được thay đổi tùy theo khả năng của người lao động ở từng thời kỳ nhưng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn hiện nay là 700.000 đồng, cao nhất bằng 20 lần tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng. Từ ngày 1/1/2018, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn phương thức đóng hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng 1 lần; được đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; trường hợp người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu (60 tuổi với nam; 55 tuổi với nữ) nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Để đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia chỉ cần liên hệ với nhân viên đại lý thu BHXH tại UBND xã, phường, thị trấn; nhân viên đại lý thu Bưu điện tại các Bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã; nhân viên đại lý thu Hội nông dân, Hội phụ nữ nơi mình cư trú để được hướng dẫn cụ thể.
Hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện gồm: Tờ khai mẫu theo mẫu của cơ quan BHXH; sổ BHXH (đối với người đã có sổ); giấy xác nhận thu hồi sổ (đối với người đã hưởng trợ cấp BHXH một lần).
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Quàng Hưởng (Thực hiện)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!