Bản chất của chính sách BHXH là sự bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết trên cơ sở đóng góp vào quỹ BHXH do Nhà nước tổ chức thực hiện. Trong hệ thống an sinh xã hội thì hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Phát triển BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
BHXH tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2018. Ảnh: Quàng Hưởng.
Trong những năm gần đây, chính sách BHXH từng bước được thể chế hóa theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn về chế độ, chính sách, về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính... Số người tham gia BHXH theo quy định của pháp luật ngày càng được mở rộng, tính đến năm 2017, tỉnh ta có 65.660 người tham gia BHXH, trong đó tham gia BHXH bắt buộc là 62.896 và tham gia BHXH tự nguyện là 2.764 người, số người tham gia BHXH tăng lên 17.585 người so với năm 2007. Cũng trong năm 2017, tỉnh Sơn La đã chi trả các chế độ BHXH cho 29.500 đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, trên 20 ngàn lượt người lao động hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, 1 ngàn lượt người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp với số tiền chi trả trên 1.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của việc triển khai thực hiện chính sách BHXH hiện nay là độ bao phủ BHXH và đi cùng với đó là tạo lập được nguồn quỹ BHXH đảm bảo cân đối dài hạn. Chiến lược phát triển ngành BHXH đến năm 2020 đề ra mục tiêu phấn đấu có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Song, hiện nay, tỷ lệ tham gia BHXH của người lao động vẫn rất thấp so với tổng số lực lượng lao động cả nước. Đa số lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện.
Các nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững tài chính BHXH chưa được quán triệt đầy đủ, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn, chính sách BHTN nặng về giải quyết hậu quả khi người lao động thất nghiệp mà chưa chú ý thỏa đáng đến phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Tình trạng vi phạm pháp luật, trốn đóng, nợ đóng BHXH, nhất là khu vực doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, chậm được khắc phục. Nhận thức của một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động về BHXH chưa đầy đủ. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH hiệu quả chưa cao.
Tại tỉnh ta, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH cũng đang gặp khó khăn, chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến 2020, toàn tỉnh phải có 15% lực lượng lao động (khoảng 100.000 người) tham gia BHXH, tuy nhiên, đến nay, mới có hơn 65.000 người tham gia (đạt 9,78% lực lượng lao động), cần hơn 35.000 người tham gia BHXH để đạt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, người dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu làm nông nghiệp, mức thu nhập thấp, không ổn định, không có điều kiện để tham gia; một bộ phận người dân chưa hiểu biết về lợi ích của việc tham gia BHXH.
Những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách BHXH hiện nay ở nước ta cũng như tại Sơn La nói riêng do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu là: Việc xây dựng chính sách, pháp luật về BHXH còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa theo kịp tiến trình phát triển của đất nước và quốc tế. Mặc dù được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhưng vẫn có không ít cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động chưa thật sự quan tâm tới việc thực hiện chính sách BHXH cho người lao động; chế tài sử phạt những hành vi vi phạm về BHXH chưa đủ sức răn đe làm ảnh hưởng tới việc thực thi chính sách pháp luật về BHXH. Còn nhiều người lao động trong các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế chưa quan tâm tới quyền lợi lâu dài của mình, chưa sẵn sàng tham gia vào hệ thống BHXH do nghĩ tới lợi ích trước mắt hoặc quá lệ thuộc vào sự tự giác của chủ sử dụng lao động. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH chưa được quan tâm đúng mức cả về chiều sâu và chiều rộng, dẫn tới nhận thức không đầy đủ về chính sách BHXH, nhất là về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHXH của người sử dụng lao động và người lao động.
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập trong thực hiện chính sách BHXH, trong những năm tới cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách BHXH, sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng cho nhiều đối tượng tham gia BHXH, hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng chế độ BHXH, tăng cường sự kết nối giữa các chính sách BHXH, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình thích hợp, rút ngắn các điều kiện nghỉ hưu. Hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện chính sách BHXH, xây dựng và đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương các cấp. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội về chính sách BHXH, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BHTN, tạo thuận lợi nhất cho các đối tượng tham gia và thụ hưởng các chính sách BHXH.
Cải cách, hoàn thiện chính sách BHXH là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội của đất nước. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra, hướng tới BHXH cho mọi người lao động và BHXH cho toàn dân, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp với sự vào cuộc và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị nhằm góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, an sinh xã hội và thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!