Ngày 9/8, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa tới Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nhằm tỏ rõ quan điểm phản đối của Tokyo trước việc tàu Trung Quốc đã nhiều lần đi vào lãnh hải Nhật Bản quanh quần đảo đang tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida phản đối việc Trung Quốc đang làm tại khu vực tranh chấp.
Đây là lần đầu tiên một thành viên Nội các chính phủ Nhật Bản bày tỏ sự phản đối trực tiếp tới đại diện ngoại giao Trung Quốc liên quan tới các động thái gần đây của Bắc Kinh tại khu vực gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã nhiều lần, thông qua nhiều kênh khác nhau để bày tỏ quan điểm phản đối tới chính quyền Bắc Kinh về vấn đề này. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama đã 3 lần trao công hàm phản đối cho Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa, song Trung Quốc vẫn giữ quan điểm cứng rắn, cho rằng phía Nhật Bản phải chịu trách nhiệm về tình trạng gia tăng căng thẳng.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp gỡ tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ngày 9/8, ông Trình Vĩnh Hoa tiếp tục khẳng định rằng, việc các tàu của Trung Quốc hoạt động tại khu vực gần lãnh thổ của Trung Quốc (ám chỉ tới nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku) là “chuyện thường tình”. Ông Trình Vĩnh Hoa cho rằng, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, mối quan hệ tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh tại vùng lãnh thổ này cần được giải quyết thông qua con đường ngoại giao và đối thoại.
Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, ngày 8/8, đã có 15 tàu Trung Quốc tiến vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Đây là số tàu đông đảo nhất Trung Quốc từng huy động tới vùng biển đang tranh chấp và thậm chí một vài con tàu trong số này đã tiến vào hải phận của Nhật Bản.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị cho các bộ ngành liên quan đối phó “bình tĩnh và quyết đoán”, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật pháp Nhật Bản. Ngoài ra, ông Abe cũng chỉ thị các cơ quan chức năng Nhật Bản cung cấp cho người dân và cộng đồng quốc tế những thông tin chính xác về vụ việc.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, nếu tình trạng hiện nay tiếp diễn thì Ngoại trưởng Fumio Kishida sẽ trực tiếp gọi điện thoại để tỏ rõ lập trường phản đối tới Trung Quốc. Ngoài ra, phía Nhật Bản cũng đang cân nhắc tới khả năng sẽ bày tỏ quan ngại xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế, trong đó gồm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) được tổ chức tại Trung Quốc vào đầu tháng 9/2016./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!