Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận thế giới trong tuần (9-15/9).
Lũ lụt ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người ở Đông Nam Á do bão Yagi
Bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam cuối tuần qua đã gây ra tình trạng ngập lụt diện rộng ở các tỉnh Miền Bắc. (Ảnh: TTXVN) |
Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt nhà cửa, mất điện, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ.
Bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam cuối tuần qua đã gây ra tình trạng ngập lụt diện rộng ở các tỉnh Miền Bắc, và cũng ảnh hưởng đến Lào, Thái Lan, Myanmar. Theo thống kê chưa đầy đủ, số người thiệt mạng do bão Yagi ở Đông Nam Á đã lên đến hàng trăm người, trong đó Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, bão Yagi đã ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành của Việt Nam.
Tại Lào, Ủy hội sông Mekong đưa ra cảnh báo lũ lụt đối với thành phố Luang Prabang khi mực nước sông Mekong được dự báo chạm mức cảnh báo lũ trong ngày 12/9.
Tại Myanmar, lũ lụt nghiêm trọng nhất xảy ra ở xung quanh thủ đô Naypyidaw, trong khi một số khu vực khác cũng có nguy cơ ngập lụt bởi mực nước sông dâng cao. Tuyến tàu hỏa giữa Yangon và Mandalay đã tạm ngừng hoạt động do một số đoạn bị ngập.
Tại Thái Lan, mưa lớn kéo dài đã khiến mực nước sông Mekong tại tỉnh Nong Khai của Thái Lan dâng cao, gây ngập lụt nghiêm trọng. Hàng nghìn người dân đã phải đối mặt với cảnh nhà cửa chìm trong nước, cuộc sống bị đảo lộn.
Báo cáo của Trạm quan sát chu trình thủy văn Nong Khai Mekong ngày 14/9 cho biết mực nước sông Mekong đạt 13,67 m vào khoảng 9h, tăng 57 cm so với ngày 13/9 sau trận mưa lớn trước đó. Theo dự báo của trạm, mực nước sẽ tiếp tục tăng cho đến ngày 16/9 do mưa liên tục, có khả năng gây lũ lụt trên diện rộng tại trung tâm kinh tế của tỉnh.
Dịch đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp tại châu Phi
Em nhỏ mắc đậu mùa khỉ được điều trị tại Nyiragongo, Bắc Kivu, Cộng hòa Dân chủ Congo. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ngày 13/9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi đã kêu gọi tăng cường hơn nữa các biện pháp phát hiện và giám sát bệnh đậu mùa khỉ (mpox), khi tổng số ca mắc và nghi mắc ở châu Phi trong năm nay đã tăng lên 26.543, trong đó có 724 ca tử vong.
Tổng giám đốc CDC châu Phi Jean Kaseya nêu rõ, riêng trong tuần qua, lục địa này đã ghi nhận tổng cộng 3.160 ca mới, trong đó có 434 ca được xác nhận và 107 ca tử vong. Ông Kaseya lưu ý rằng, số ca mpox đã có xu hướng tăng kể từ tháng 5, song số liệu thống kê chỉ mới tăng lên gần đây chủ yếu là do năng lực phát hiện của các thành viên Liên minh châu Phi (AU) đang ngày càng được cải thiện.
Dữ liệu từ cơ quan chăm sóc sức khỏe của AU cho thấy, các trường hợp được báo cáo đến từ 15 quốc gia thuộc cả năm khu vực của lục địa, với tỷ lệ tử vong là 2,73%. Trong đó, trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 41% và nam giới chiếm 63% trong số tất cả các trường hợp được xác nhận.
Theo báo cáo mới nhất của CDC châu Phi, cho đến nay, các khu vực Đông và Bắc Phi vẫn chưa ghi nhận các trường hợp tử vong liên quan đến mpox. Riêng tại khu vực Bắc Phi, mới chỉ có Maroc là quốc gia đầu tiên ghi nhận ca mắc trong năm nay. Trung Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất với 23.761 trường hợp, trong khi Đông Phi đã báo cáo 1.644 trường hợp.
Ít nhất 40 người thiệt mạng trong vụ tấn công khu vực nhân đạo ở Gaza
Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại Khan Younis, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ngày 10/9, Cơ quan Phòng vệ Dân sự tại Dải Gaza cho biết, ít nhất 40 người Palestine thiệt mạng và hơn 60 người bị thương khi Israel không kích khu vực Al-Mawasi ở thành phố Khan Younis, phía Nam vùng lãnh thổ này, nơi mà Israel trước đó chỉ định là vùng an toàn nhân đạo và là nơi tạm trú của hàng chục nghìn người Palestine di tản. Khoảng 20-40 lều tạm trú đã bị phá hủy hoàn toàn, chôn vùi toàn bộ nhiều gia đình. Trong số các nạn nhân có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Trong khi đó, quân đội Israel cùng ngày thông báo đã tấn công một trung tâm chỉ huy mật thuộc khu vực nhân đạo ở thành phố Khan Younis, nhằm vào các chỉ huy cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas. Phía Israel cáo buộc những "phần tử khủng bố" này liên quan đến cuộc tấn công bất ngờ từ Gaza vào Israel ngày 7/10 năm ngoái. Tuy nhiên, Hamas phủ nhận thông tin rằng thành viên của phong trào này có mặt tại khu vực xảy ra oanh kích. Israel tuyên bố những thông tin về thương vong trong dân thường do Hamas công bố không khớp với thông tin họ nhận được.
Các nước gồm Mỹ, Qatar và Ai Cập đang thúc đẩy vai trò trung gian hòa giải nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Hamas và Israel, song tiến trình đàm phán vẫn bị đình trệ. Hamas khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc các lực lượng Israel rút hoàn toàn khỏi Gaza. Về phần mình, Israel tiếp tục duy trì quan điểm về quyền kiểm soát của quân đội nước này đối với hành lang Philadelphi dọc biên giới Gaza - Ai Cập. Sự khác biệt về lập trường trong vấn đề này là nguyên nhân cản trở nỗ lực hòa giải hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ bước vào màn tranh luận trực tiếp đầu tiên
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (phải) và ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Philadelphia, Pennsylvania, tối 10/9/2024. (Ảnh: Reuters) |
Sáng 11/9 (giờ Việt Nam, tối 10/9 theo giờ Mỹ), cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã diễn ra tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia (NCC) tại Philadelphia, Pennsylvania.
“Màn so găng” kéo dài 1 tiếng 45 phút giữa Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump được ví như “cuộc sát hạch đầu tiên” và “hâm nóng” đường đua vào Nhà Trắng. Các cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Tổng thống được đông đảo người dân Mỹ theo dõi trên truyền hình và có thể ảnh hưởng lớn đến quyết định của các cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Bà Harris được đánh giá là một người tranh luận lão luyện, song ông D.Trump cũng cho thấy là một đối thủ nặng ký – theo như những gì đã được cựu Tổng thống Mỹ thể hiện trong các cuộc tranh luận năm 2016 và 2020.
Màn so găng với ông D.Trump được cho là “thách thức lớn nhất” mà bà Harris phải đối mặt kể từ khi được Tổng thống J.Biden trao ngọn đuốc tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, trong một mùa bầu cử mà cử tri thể hiện sự mệt mỏi đối với cuộc tái đấu giữa hai ứng viên lớn tuổi J.Biden - D.Trump, thì sự xuất hiện của bà Harris được coi như một làn gió mới và có thể mang lại cho bà nhiều lợi thế.
Còn đối với ông D.Trump, cuộc tranh luận lần này là cơ hội để cựu Tổng thống Mỹ tận dụng kinh nghiệm tranh luận và lãnh đạo dày dặn của mình để khẳng định sự ủng hộ của các cử tri và làm suy yếu đối thủ. Tuy nhiên, việc trở thành người tham gia nhiều nhất các cuộc tranh luận với tư cách là ứng viên Tổng thống trong một cuộc bầu cử cũng mang lại cho ông D.Trump nhiều bất lợi khi phải thể hiện được sự mới mẻ so với những màn tranh luận trước đó.
Theo kết quả thống kê của trang RealClearPolitics, trung bình tỷ lệ cử tri ủng hộ bà Harris hiện đang ở mức 47,9% không quá chênh lệch với tỷ lệ phản đối 48,3%, dù con số này vẫn nhỉnh hơn ông D. Trump với 44%. Đáng chú ý, kết quả thăm dò của báo New York Times và trường Cao đẳng Siena đều cho thấy cả 2 ứng viên có tỷ lệ ủng hộ/phản đối tương đương nhau (46%/51% đối với Harris và 46%/52% đối với ông Trump), dù hầu hết các dữ liệu nổi bật khác cho thấy phó Tổng thống Mỹ có đôi chút lợi thế về tỷ lệ ủng hộ.
Tòa án Hiến pháp Algeria xác nhận Tổng thống A.Tebboune tái đắc cử
Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune phát biểu trong cuộc họp báo ở Algiers ngày 3/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ngày 14/9, Tòa án Hiến pháp Algeria công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử Tổng thống nước này, qua đó xác nhận Tổng thống Abdelmadjid Tebboune tái đắc cử với tỷ lệ phiếu ủng hộ lên tới 84,3%.
Chánh án Tòa án Hiến pháp Algeria, ông Omar Belhadj tuyên bố chiến thắng thuộc về ông Tebboune và nhà lãnh đạo này sẽ tiếp tục thực hiện chức trách sau khi nhậm chức.
Theo kết quả kiểm phiếu chính thức, ông Tebboune đã giành chiến thắng cách biệt so với 2 đối thủ còn lại là ông Abdelaali Hassani Cherif (sinh năm 1966) và Youcef Aouchiche (sinh năm 1983), lần lượt đến từ đảng Phong trào Xã hội vì Hòa bình (MSP) theo đường lối Hồi giáo ôn hòa và đảng Mặt trận Các Lực lượng xã hội (FFS) theo đường lối trung tả. Hai ứng cử viên này nhận được số phiếu ủng hộ là 9,56% và 6,14%.
Trước đó, Cơ quan Bầu cử Algeria (ANIE) công bố kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy Tổng thống đương nhiệm Tebboune tái đắc cử với gần 95% số phiếu bầu ủng hộ. Trong cuộc bầu cử tháng 12/2019, ông Tebboune đã được bầu làm Tổng thống Algeria với 58% phiếu ủng hộ./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!