Ngày người di cư quốc tế (18/12) là dịp để phá vỡ sự kỳ thị và nâng cao nhận thức về những đóng góp của người di cư trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội dành cho nước xuất xứ cũng như các quốc gia là điểm đến của họ.
Phụ nữ, nam giới và trẻ em bỏ chạy khỏi quê hương mình và ở trong một trại tị nạn ở Belgrade, Serbia.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, di cư là một thực tế không thể lẩn tránh. Có nhiều nguyên nhân khiến con người phải di cư, trong đó có thể kể đến như: di cư để học tập ở nước ngoài, để đoàn tụ với các thành viên trong gia đình, tìm kiếm việc làm, kế sinh nhai, hay để bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái… Ngoài ra, nhiều người khác còn rời quê hương để chạy trốn khỏi tội phạm, bạo lực, xung đột, khủng bố, mất an ninh, phân biệt đối xử, các thảm họa thiên nhiên và suy thoái môi trường, hay đói nghèo.
Thực tế cho thấy, hầu hết những người di cư di chuyển từ một nước đang phát triển này sang một nước đang phát triển khác, hay rời một nước đang phát triển để tới một quốc gia phát triển. Di cư đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và phát triển, đặc biệt thông qua việc giải quyết tình trạng thiếu hụt trong thị trường lao động ở tất cả các cấp độ kỹ năng. Di cư có những tác động tích cực cho cả nước xuất xứ cũng như cho các nước chủ nhà tiếp nhận.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay, di cư quốc tế có thể trở thành một hiện tượng phổ biến hơn. Sự hội nhập ngày càng cao của thị trường lao động, giảm chi phí vận tải và sự tồn tại của mạng lưới thông tin và truyền thông cũng như các mạng xã hội chính là những yếu tố thúc đẩy di cư.
Tuy nhiên, nếu như phần lớn làn sóng di cư quốc tế được thúc đẩy bởi lý do kinh tế thì các cuộc xung đột, bạo lực, khủng bố, đàn áp chính trị và những vi phạm nghiêm trọng khác về quyền con người lại là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các phong trào của những người tị nạn và người di cư.
Hiện nay, di cư ngày càng diễn ra nhiều hơn và thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế. Cùng với nhiều yếu tố bất trắc, cấp bách và phức tạp, những thách thức và khó khăn mà làn sóng di cư quốc tế đặt ra đòi hỏi các quốc gia và khu vực phải tăng cường hợp tác và hành động tập thể.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày người di cư quốc tế năm nay (18/12/2016), Tổng thư ký Liên hợp quốc một lần nữa nhấn mạnh những tác động nặng nề mà các cuộc xung đột vũ trang tiếp tục gây ra đối với các thường dân. “Chúng ta đã chứng kiến sự mất mát khủng khiếp hàng nghìn sinh mạng khi băng qua Địa Trung Hải hoặc trong những bối cảnh bi thảm khác. Và trên tất cả, chúng ta đã thấy sự gia tăng các phong trào dân túy đang được sử dụng để truy đuổi và trục xuất người nhập cư và người tị nạn khi cáo buộc họ gây ra tất cả các tệ nạn trong xã hội” – nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc nêu rõ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh vẫn còn những tia sáng hy vọng khi nhiều người dân và cộng đồng vẫn quan tâm mở rộng vòng tay và trái tim và đang có những bước đầy hứa hẹn. Vấn đề cần thiết hiện giờ là các chính quyền phải tôn trọng cam kết mà mình đã đưa ra, đồng thời nỗ lực tìm cách quản lý những làn sóng di cư, chú ý tới con người, bình đẳng giới và quyền con người.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, những người di cư là những con người có quyền. Việc bảo vệ và tôn trọng nhân quyền và tự do cơ bản của tất cả những người di cư, bất kể tình trạng của họ là trung tâm của Tuyên bố New York về người di cư và người tị nạn đã được thông qua tại Trụ sở Liên hợp quốc tháng 9/2016. Trong bối cảnh này, chúng ta phải dựa trên sự hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn nữa giữa các nước xuất xứ, quá cảnh và đích đến, hợp tác dựa trên các tiêu chuẩn và nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Chúng ta phải lên án và bác bỏ tình trạng phân biệt đối xử, bài ngoại...
Để mang lại một giải pháp lâu dài cho vấn đề này, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc nêu rõ cần phải giải quyết những nguyên nhân gốc rễ dẫn tới việc di dời, trong đó có nghèo đói, mất an ninh lương thực, xung đột vũ trang, thiên tai, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, bất bình đẳng dai dẳng và các vi phạm về kinh tế, xã hội, dân sự, chính trị hay văn hóa.
Nhân Ngày người di cư quốc tế năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế hướng tới việc thực hiện Hiệp ước toàn cầu về di cư an toàn, trật tự và công bằng, để xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng, nhân phẩm và cơ hội cho tất cả mọi người./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!