Chiều 3/8, hãng thông tấn NHK dẫn tin quân sự Mỹ cho biết Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo vào sáng cùng ngày, trong đó 1 quả tên lửa đã phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng và quả tên lửa còn lại đã rơi xuống biển Nhật Bản. Cả hai quả tên lửa đều được phóng đi từ khu vực phía Tây Triều Tiên.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này đang thu thập
các mảnh vỡ từ tên lửa của Triều Tiên rơi xuống EEZ của Nhật Bản.
Nguồn tin trên cho biết hai quả tên lửa do Triều Tiên phóng đi vào sáng 3/8 là tên lửa tầm trung Rodong. Đây là thông tin chi tiết hơn về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên so với thông tin được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) đưa vào sáng 3/8.
Chiều cùng ngày, hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin quân sự Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong với 1 quả tên lửa trong số này được cho là đã rơi xuống vùng biển thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản. Yonhap dẫn tin từ JCS cho biết, hai quả tên lửa đã được Triều Tiên phóng đi từ khi vực gần tỉnh phía Tây Nam Eunyul vào 7 giờ 50 phút sáng cùng ngày. Theo JCS, một trong hai quả tên lửa đã bay được khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. “Vào sáng cùng ngày, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo, tuy nhiên 1 trong số này đã phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng” – thông báo của JCS nêu rõ.
Ngay sau thông tin về vụ thử tên lửa của Triều Tiên, một số nước trong và ngoài khu vực đã tỏ rõ phản ứng về vụ việc này.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã mạnh mẽ lên án các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và cho rằng các hành động này chỉ càng thôi thúc quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc kiềm chế các hành động của Triều Tiên.
Trong tuyên bố mới đưa ra, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani xác nhận, 1 quả tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống EEZ của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một tên lửa của Triều Tiên rơi xuống EEZ của nước này trong vòng 18 năm trở lại đây. Ngay lập tức, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, xem đây là một hành động “không thể dung thứ” vì đã đe dọa nghiêm trọng tới an ninh Nhật Bản. Ông Abe cho rằng các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Nhật Bản tỏ rõ lập trường phản đối hành động này. Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc để đối phó với tình hình sau các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Về phía Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, chính phủ Nhật Bản đang cử tàu thu thập các mảnh vỡ từ tên lửa của Triều Tiên rơi xuống EEZ của Nhật Bản để tiến hành phân tích.
Ngày 3/8, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã mạnh mẽ lên án hành động khiêu khích mới nhất của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng ngay lập tức ngừng thực hiện các vụ phóng thử tên lửa. Phát biểu trong cuộc họp báo định kỳ, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee nói: “Hành động của Triều Tiên rõ ràng đã vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là một hành vi khiêu khích nghiêm trọng nhằm vào Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế…Triều Tiên cần ngay lập tức chấm dứt các hành vi khiêu khích và tập trung cải thiện cuộc sống của người dân”.
Trong một tuyên bố cùng ngày, quân đội Hàn Quốc tuyên bố sẽ phản ứng quyết đoán trước các hành vi khiêu khích của Triều Tiên có nguy cơ đe dọa tới an ninh đất nước. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng ra tuyên bố mạnh mẽ lên án vụ thử tên lửa của Triều Tiên, đồng thời cam kết sẽ tăng cường hợp tác quốc tế nhằm triển khai đầy đủ các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên.
Các vụ thử tên lửa và hạt nhân do Triều Tiên thực hiện vào đầu năm 2016 đã khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết 2270 với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc chưa từng có tiền lệ nhằm chống lại Triều Tiên. Tuy nhiên, tình huống bất lợi mà Triều Tiên phải đối mặt vẫn có thể chưa dừng lại khi hiện đang có tổng số 41 nước đệ trình các bản kế hoạch hành động lên Liên hợp quốc nhằm tiếp tục kêu gọi trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ 4 và các vụ thử tên lửa tầm xa do Bình Nhưỡng thực hiện từ đầu năm 2016.
Đáng chú ý là số những nước đệ trình bản kế hoạch hành động trừng phạt Triều Tiên lên Liên hợp quốc trong năm 2016 đã cao hơn nhiều so với 18 nước thực hiện công việc tương tự sau vụ thử hạt nhân thứ 3 do Bình Nhưỡng tiến hành vào năm 2013. Chính vì thế, những thông tin mới nhất liên quan tới các vụ thử tên lửa của Triều Tiên được dự báo là sẽ tiếp tục đẩy Bình Nhưỡng vào một tình huống bất lợi mới./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!