Thế giới tuần qua: Triều Tiên và Mỹ nối lại đàm phán cấp chuyên viên

Thế giới tuần qua (30/9 – 6/10) diễn ra nhiều sự kiện, trong đó đáng chú ý là các sự kiện như: Triều Tiên và Mỹ nối lại đàm phán cấp chuyên viên; Thủ tướng Anh công bố kế hoạch Brexit mang tính quyết định; Mỹ áp thuế đối với hàng hóa EU; WTO hạ dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu;…

Triều Tiên và Mỹ nối lại đàm phán cấp chuyên viên

Ngày 5/10, Mỹ và Triều Tiên đã nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sau nhiều tháng bế tắc.

 

Ông Kim Myong Gil, Trưởng đoàn đàm phán về hạt nhân của Triều Tiên. (Ảnh:Reuters)


Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và người đồng cấp Triều Tiên Kim Myong-gil đã gặp nhau ở Villa Elfvik Strand, một trung tâm tổ chức hội nghị ở Lidingo, phía Đông Bắc thủ đô Stockholm của Thụy Điển.

Cuộc đàm phán mới này tập trung vào cách thức để thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 6/2018 tại Singapore.

Theo thỏa thuận này, hai bên đã cam kết xây dựng mối quan hệ song phương mới, cùng nỗ lực thiết lập một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và hợp tác hướng tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" trên bán đảo này. Những tiến bộ đạt được từ vòng đàm phán cấp chuyên viên này được cho là sẽ mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa hai nước kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua không đạt được thỏa thuận do bất đồng giữa hai bên về yêu cầu của Mỹ muốn một lộ trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng, với các yêu cầu của Bình Nhưỡng liên quan tới dỡ bỏ trừng phạt và bảo đảm an ninh.

Thủ tướng Anh công bố kế hoạch Brexit mang tính quyết định

Ngày 2/10, Anh đã gửi tới Liên minh châu Âu (EU) kế hoạch "ra đi" mới trong đó có đề xuất thiết lập vùng quản lý chung cho toàn đảo Ireland, áp dụng với tất cả các loại hàng hóa, đồng thời kèm theo một cam kết tránh thiết lập các điểm kiểm soát biên giới hoặc cơ sở vật chất cứng tại biên giới hai bên trên đảo này.

 

Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: Daily Express)


Trong kế hoạch gửi tới EU nhằm giải quyết vấn đề đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland, London đề nghị thiết lập vùng quản lý đồng bộ với cả Bắc Ireland và EU để tránh việc thiết lập các điểm kiểm tra hải quan với hàng hóa trao đổi giữa hai bên thời hậu Brexit.

Với việc áp dụng vùng quản lý chung, vùng Bắc Ireland sẽ tạm thời tuân theo các quy định và tiêu chuẩn của EU. Theo đó, hàng hóa nông nghiệp từ các vùng còn lại của Anh khi được đưa tới vùng Bắc Ireland cũng sẽ trải qua các khâu kiểm tra như quy định trong luật của EU.

Như vậy, vùng Bắc Ireland sẽ vẫn là một phần trong lãnh thổ hải quan của Vương quốc Liên hiệp Anh nhưng để có thể tránh được việc thiết lập các điểm kiểm tra hải quan tại biên giới, London đề xuất thiết lập hệ thống kê khai (Declaration system) để các tiểu thương thực hiện việc kê khai hàng hóa với một quy trình đơn giản, kèm với đó là cơ chế các doanh nghiệp "đáng tin cậy." Hệ thống này cho phép việc kiểm tra thực chất với các hàng hóa sẽ được thực hiện ngay tại cơ sở của các nhà giao dịch hoặc một địa điểm cụ thể không phải ở biên giới của CH Ireland với vùng Bắc Ireland.

Trước khi thời kỳ chuyển tiếp sau Brexit kết thúc vào tháng 12/2020, cơ quan lập pháp và chính quyền Bắc Ireland sẽ được yêu cầu thông qua dàn xếp kể trên và cứ 4 năm sau đó lại được xem xét lại một lần.

Trong ngày 2/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ thảo luận với các lãnh đạo EU và ông được cho là đã sẵn sàng cho giai đoạn đàm phán căng thẳng sau khi công bố kế hoạch mới. Người phát ngôn của ông Johnson cho biết phía London đã đưa ra những đề xuất mà phía này thực sự muốn thúc đẩy và điều quan trọng là EU sẵn sàng tham gia đàm phán về vùng quản lý chung trong vòng 10 ngày. Nếu EU không tỏ thiện chí muốn đàm phán thì mọi việc sẽ diễn ra như lời Thủ tướng Johnson đã nói rằng Anh sẽ rời EU mà không có thỏa thuận.

Mỹ áp thuế đối với hàng hóa EU

Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ vừa cho biết, chính quyền Mỹ sắp áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), bao gồm nông sản và máy bay bắt đầu từ 18/10.

Việc áp thuế trên được chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 2/10 công bố quyết định của Tòa trọng tài thương mại cho phép Mỹ được áp thuế quan lên 7,5 tỷ USD hàng hóa của EU mỗi năm. Phán quyết này của WTO là kết quả của vụ kiện kéo dài 15 năm xung quanh vấn đề EU trợ cấp sản xuất máy bay cho hãng Airbus. Tổng thống Donald Trump gọi phán quyết của WTO là một chiến thắng lớn đối với Mỹ.

 

Mỹ sắp áp thuế đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU)
Ảnh minh họa: AFP


Theo đó, Mỹ sẽ áp mức thuế 10% đối với máy bay Airbus sản xuất tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Cùng với đó, Mỹ cũng sẽ áp mức thuế 25% đối với các mặt hàng nông sản và đồ uống gồm: rượu whisky Ailen và Scotch; rượu vang, ô liu và phô mai; một số sản phẩm thịt lợn, bơ, sữa chua, thịt đông lạnh từ các quốc gia châu Âu khác nhau.

Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ cho biết sẽ tiếp tục đánh giá lại các mức thuế này, dựa trên các cuộc thảo luận với EU vào ngày 14/10 tới đây.

Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã áp thuế nhập khẩu thép và nhôm từ châu Âu. Đáp lại, EU đã đánh thuế vào khoảng 3 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, trong đó bao gồm rượu và xe mô tô.

Quyết định của WTO nêu trên là kết quả giải quyết của vụ kiện mà chính phủ Mỹ đã gửi tới cơ quan này từ năm 2004, cáo buộc rằng các nước thuộc EU, bao gồm Anh, Đức, Tây Ban Nha và Pháp đã trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus – công ty sản xuất máy bay lớn nhất châu Âu.

Giới chuyên gia cho biết, thương chiến Mỹ - Trung leo thang cộng với việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa EU sẽ là mối đe dọa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công một loại tên lửa mới

Ngày 3/10, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử nghiệm thành công một loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) kiểu mới và tin tưởng rằng, điều này đã “mở ra một giai đoạn mới” nhằm thúc đẩy khả năng tự vệ của Triều Tiên.

 

Bức ảnh về vụ phóng thiết bị của Triều Tiên do KCNA công bố ngày 2/10. (Ảnh: Reuters)


Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên đã thử nghiệm thành công loại tên lửa SLBM Pukguksong-3 mới ở ngoài khơi vịnh Wonsan vào sáng 2/10. Theo KCNA thì quả tên lửa đã được phóng đi ở góc thẳng đứng.

Vụ phóng tên lửa ngày 2/10 là vụ phóng thứ 11 của Triều Tiên kể từ đầu năm đến nay và cũng là vụ phóng thứ 9 của Bình Nhưỡng kể từ sau cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom ở Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên hồi tháng 6 vừa qua.

Vụ phóng được tiến hành chưa đầy một ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-Hui cho biết nước này và Mỹ đã nhất trí tiến hành các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày 4/10, để tạo tiền đề cho cuộc đàm phán cấp chuyên viên vào ngày 5/10.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát thông điệp kêu gọi Triều Tiên “kiềm chế trước các hành vi khiêu khích” trước thềm diễn ra các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng vừa bày tỏ quan ngại về vụ phóng do Triều Tiên thực hiện vào sáng 2/10. Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhận định, việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo là một hành vi khác vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Phát ngôn viên này dẫn lời ông Guterres kêu gọi Mỹ và Triều Tiên cùng nỗ lực nhằm đạt được tiến triển về phi hạt nhân hóa, cũng như hướng tới mục tiêu thiết lập nền tảng hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

WTO hạ dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu

Ngày 1/10, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hạ dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm 2019 do thương chiến Mỹ - Trung, những bất ổn xung quanh tiến trình Brexit và sự dịch chuyển chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế phát triển.

 

WTO vừa hạ dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu. (Ảnh: lesechos.fr)


Trong bản tài liệu công bố ngày 01/10, các chuyên gia của WTO dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,2% trong năm 2019, thấp hơn một nửa so với mức dự báo 2,6% đưa ra vào tháng 4 vừa qua và giảm mạnh so với mức tăng trưởng 3% vào năm 2018.

Theo WTO thì tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2019 sẽ bị sụt giảm tại hầu hết mọi khu vực trên thế giới. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu ở Bắc Phi dự báo sẽ là 1,5%, giảm 2,8 điểm so với năm ngoái. Tại châu Á và châu Âu, các mức tăng trưởng xuất khẩu dự báo sẽ lần lượt là 1,8% và 0,6%, tương ứng với mức giảm 2 điểm và 1 điểm.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp WTO hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu. Điều này cũng phản ánh tâm lý chung ghi nhận trong các bản báo cáo trước đó của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tháng 9/2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở ở Paris đã chỉ ra rằng, xung đột thương mại leo thang đã trở thành nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị kéo tụt về mức “chưa từng có tiền lệ” kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính của thập kỷ trước.

Thổ Nhĩ Kỳ phạt Facebook 282.000 USD do lỗi bảo mật dữ liệu

Ngày 3/10, Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ (KVKK) cho biết, giới chức nước này đã phạt Facebook 1,6 triệu lira (282.000 USD) do lỗi bảo mật dữ liệu, khiến lộ thông tin cá nhân của gần 300.000 người dùng.

 

Facebook 282.000 USD do lỗi bảo mật dữ liệu (Ảnh minh họa: AFP)


KVKK cho biết các thông tin cá nhân của người sử dụng Facebook tại Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm tên, giới tính, ngày sinh, tôn giáo, địa chỉ và lịch sử tìm kiếm… đã bị lộ. Do lỗi này, các hình ảnh được chủ tài khoản Facebook đăng tải dù không chia sẻ cũng đã bị tiếp cận.

KVKK cũng cho biết đã mở một cuộc điều tra rò rỉ dữ liệu tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Facebook không cung cấp thông tin cần thiết về các lỗi ứng dụng cho họ.

Facebook hiện cũng đang phải đối mặt với một vụ kiện pháp lý tại Mỹ khi người sử dụng Facebook cáo buộc hình ảnh cá nhân của họ bị các ứng dụng bên thứ 3 tiếp cận, tiêu biểu công ty tư vấn Cambridge Analytica (CA), một đơn vị đối tác của Facebook bị phát giác sử dụng dữ liệu của hàng triệu người dùng một cách phi pháp.

Tháng 6/2019, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng phạt Facebook 5 tỷ USD vì các lỗi vi phạm thông tin cá nhân, mức phạt lớn nhất từ trước đến nay đối với một công ty công nghệ.

Tháng 12/2018, Facebook cũng chính thức xin lỗi người dùng vì lỗi tương tự, làm ảnh hưởng 6,8 triệu người dùng Facebook và 1.500 ứng dụng điện thoại của 876 nhà phát triển./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới