"Thời hạn chót đầy khó khăn" cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung, Thủ tướng Anh và “nhiệm vụ bất khả thi” để cứu vãn thỏa thuận Brexit, Ukraine chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị với Nga, Làn sóng biểu tình tiếp tục lan rộng tại châu Âu ...,là những thông tin thế giới đáng chú ý trong tuần qua.
"Thời hạn chót đầy khó khăn" cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Ngày 9/12, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cảnh báo, các vòng đàm phán thương mại giữa nước này và Trung Quốc phải đạt được thành quả vào ngày 1/3/2019, nếu không Mỹ sẽ đưa ra những mức thuế nhập khẩu mới nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc.
Cũng theo nhận định của ông Lighthizer thì ngày 1/3/2019 là “một thời hạn chót đầy khó khăn” để hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể đạt được một thỏa thuận nhằm tháo ngòi nổ cho một cuộc chiến thương mại đang lan rộng, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ D.Trump và các cố vấn vừa trải qua một tuần với nhiều vấn đề nan giải.
Mối quan hệ căng thẳng chưa kịp hạ nhiệt giữa hai cường quốc lại có nguy cơ bị “tiếp thêm lửa” sau khi cảnh sát Canada, ngày 1/12 đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc) theo yêu cầu của Mỹ. Ngay sau đó, cùng với việc triệu Đại sứ Canada tại Trung Quốc nhằm phản đối việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối hành động này tới Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc, yêu cầu Washington rút lại yêu cầu dẫn độ đối với bà Mạnh Vãn Chu.
Thủ tướng Anh và “nhiệm vụ bất khả thi” để cứu vãn thỏa thuận Brexit
Ngày 11/12, Thủ tướng Anh Theresa May đã khởi động các nỗ lực cứu vãn thỏa thuận Brexit bằng việc tham gia vào tiến trình đàm phán mới với lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Chỉ trong ngày 11/12, bà May đã gặp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại The Hague (Hà Lan) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin. Đây được xem là nỗ lực vào phút chót của Thủ tướng May nhằm thay đổi một số điều khoản trong bản thỏa thuận Brexit để có thể nhận được sự ủng hộ từ dư luận Anh.
Tuy nhiên, một số nhà bình luận chính trị xem đây là “một nhiệm vụ bất khả thi” của bà May sau khi Brussels tuyên bố sẽ không thay đổi bản thỏa thuận Brexit vốn đã được EU và chính phủ Anh đồng thuận.
Hiện thời điểm cụ thể để Hạ viện Anh bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit vẫn chưa được ấn định. Tuy nhiên, một số nhà chính trị Anh dự báo rằng, công việc này sẽ được thực hiện vào những tuần đầu tiên của năm 2019.
Ukraine chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị với Nga
Ngày 10/12, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký luật chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine. Văn kiện này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2019.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Nga-Ukraine đang leo thang sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ Ukraine ngày 25/11.
Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine có thời hạn hiệu lực 10 năm kể từ ngày 1/4/1999 và được tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối. Sau khi được gia hạn tự động vào năm 2009, hiệp ước này đang có hiệu lực đến năm 2019. Hiệp ước quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau.
Vấn đề hạt nhân Iran làm "nóng" cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Ngày 12/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) tiếp tục gây sức ép nhằm buộc Iran phải dừng phát triển chương trình tên lửa.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, Ngoại trưởng Pompeo cáo buộc Iran vẫn tiếp tục theo đuổi hoạt động tên lửa, nhất là các vụ phóng và thử nghiệm kể từ sau khi Tehran và Nhóm P5+1 ký thỏa thuận hạt nhân với tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Ông nêu rõ Iran hiện có hơn 10 hệ thống tên lửa đã được phiên chế hoặc đang phát triển, với hàng trăm tên lửa gây đe dọa cho các đối tác của Mỹ tại khu vực.
Đáp lại, Đại sứ Iran tại LHQ Eshagh Al Habib nhấn mạnh các tên lửa của Iran chỉ nhằm mục đích phòng vệ và không có vũ khí hạt nhân đi kèm. Theo ông, mục đích của việc Ngoại trưởng Mỹ coi Iran là mối đe dọa chỉ nhằm giúp Washington bán được nhiều vũ khí. Ông khẳng định Iran sẽ không đàm phán với Mỹ do Washington là bên không đáng tin cậy.
Làn sóng biểu tình tiếp tục lan rộng tại châu Âu
Làn sóng biểu tình phản đối việc tăng thuế nhiên liệu tại Pháp đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi số người tham gia phong trào biểu tình "Áo vàng" đã giảm mạnh vào cuối tuần thứ 5. Theo Bộ Nội vụ Pháp, ước tính 66.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp diễn ra vào ngày 15/12, giảm tới một nửa so so với tuần trước.
Cùng ngày, hàng nghìn người dân Italy đã xuống đường ở thủ đô Rome để biểu tình phản đối luật nhập cư và an ninh mới vốn đã được quốc hội nước này thông qua hôm 28/11. Những người biểu tình cũng mang áo vàng và dương cao các biểu ngữ với khẩu hiệu: “Hãy đứng lên vì quyền lợi của các bạn”.
Trong khi đó, cảnh sát Áo cho biết khoảng 17.000 người đã xuống đường tại thủ đô Vienna của Áo trong ngày 16/12 để tham gia một cuộc biểu tình chống chính phủ. Những người tham gia biểu tình chủ yếu phản đối chính sách di cư của nhà chức trách Áo, cũng như đề nghị giảm ngày làm việc và bãi bỏ những biện pháp khắc khổ.
Thủ tướng Sri Lanka từ chức
Ngày 15/12, Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapakse đã chính thức tuyên bố từ chức, mở đường cho một chính phủ mới được thành lập dưới sự điều hành của Tổng thống Maithripala Sirisena.
Thủ tướng Rajapakse đưa ra quyết định trên sau khi Tòa án Tối cao Sri Lanka ngày 13/12 ủng hộ phán quyết của Tòa án Thượng thẩm, tiếp tục ra lệnh treo quyền Thủ tướng của ông, đồng thời phong tỏa hoạt động của chính phủ do ông đứng đầu.
Trước đó, 122 nghị sỹ Quốc hội Sri Lanka đã nộp đơn khiếu nại nêu rõ chính phủ của ông Rajapakse không thể tiếp tục hoạt động bởi đã không vượt qua được hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!